Hơi thở có mùi trái cây là bệnh gì? Cách chữa hơi thở có mùi nhanh nhất không phải ai cũng biết

12:12 | 07/11/2024;
Hơi thở có mùi trái cây khiến nhiều người cảm thấy mất tự tin trong giao tiếp.

Ngoài hơi thở có mùi trứng thối thì hơi thở có mùi trái cây (hay còn gọi là hơi thở có mùi aceton) cũng được nhiều người quan tâm. Hơi thở có mùi trái cây là bệnh gì? Liệu có cách nào chữa hơi thở có mùi nhanh tại nhà không?

1. Hơi thở có mùi trái cây là bệnh gì?

Hơi thở có mùi trái cây có liên quan tới quá trình trao đổi chất của cơ thể đang có vấn đề, bao gồm quá trình phân hủy thức ăn và chất béo tiêu thụ hàng ngày.

- Trạng thái ketosis từ chế độ ăn uống

Ketosis là tình trạng thích nghi trao đổi chất để giúp cơ thể tồn tại trong lúc không có thức ăn. Cơ thể sử dụng xeton làm năng lượng được gan sản xuất từ chất béo, thay vì sử dụng glucose từ carbohydrate. Quá trình này giải phóng các hóa chất (là sản phẩm phụ của sự phân hủy axit béo) được gọi là ketone, bao gồm aceton, có thể gây ra hơi thở có mùi trái cây.

Hơi thở có mùi trái cây là bệnh gì? Cách chữa hơi thở có mùi nhanh nhất không phải ai cũng biết- Ảnh 1.

Hơi thở có mùi trái cây có liên quan tới quá trình trao đổi chất của cơ thể đang có vấn đề (Ảnh: ST)

Trên thực tế, hơi thở có mùi trái cây hoặc aceton là một dấu hiệu đáng tin cậy cho thấy cơ thể bạn đã bước vào trạng thái ketosis để giảm cân. Cùng với hơi thở có mùi trái cây, các triệu chứng khác mà bạn có thể gặp phải khi áp dụng chế độ ăn keto bao gồm: Cúm keto (đau bụng, chóng mặt, giảm năng lượng và thay đổi tâm trạng khi mới bắt đầu chế độ ăn kiêng); huyết áp thấp, sỏi thận, táo bón, thiếu hụt dinh dưỡng và tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề về tim nếu kéo dài chế độ ăn uống này.

- Nhiễm toan ceton do bệnh tiểu đường

Nhiễm toan ceton là một biến chứng của bệnh tiểu đường type 1 và hiếm khi gặp ở bệnh tiểu đường type 2, xảy ra khi cơ thể bệnh nhân sản sinh quá nhiều axit trong máu. Đây là một biến chứng tiểu đường nghiêm trọng và nguy hiểm cần phải chăm sóc y tế kịp thời.

Nếu một người không có đủ insulin, cơ thể không thể chuyển hóa đường trong máu thành glucose mà cơ thể sử dụng làm nhiên liệu và quá trình chuyển hóa axit béo trong cơ thể bị rối loạn. Nếu không có glucose để đốt cháy, cơ thể sẽ rơi vào trạng thái ketosis nghiêm trọng, giải phóng ketone vào máu khiến ketone bắt đầu đầu độc cơ thể.

Hơi thở có mùi trái cây là triệu chứng biến chứng nhiễm toan ceton tiểu đường phổ biến, các dấu hiệu khác bao gồm: Miệng khô và khát nước nhiều hơn, đi tiểu đường xuyên, đường huyết tăng cao, ý thức mơ màng, lú lẫn.

Nếu không được điều trị, các triệu chứng nghiêm trọng hơn có thể xuất hiện nhanh chóng cùng với hơi thở có mùi trái cây như hơi thở có 4 thì gồm hít vào - ngừng thở - thở ra - ngừng thở; thở sâu; da và miệng khô; mặt đỏ bừng; đau đầu; cứng cơ hoặc đau nhức; rất mệt mỏi; buồn nôn và nôn mửa; đau dạ dày.

Hơi thở có mùi trái cây là bệnh gì? Cách chữa hơi thở có mùi nhanh nhất không phải ai cũng biết- Ảnh 2.

Nhiễm toan ceton là một biến chứng của bệnh tiểu đường type 1 (Ảnh: ST)

- Nhiễm toan ceton do rượu

Hiếm gặp hơn nhiễm toan ceton do tiểu đường, nhiễm toan ceton do rượu xảy ra khi uống quá nhiều rượu, phổ biến hơn ở người bị suy dinh dưỡng.

Lúc này hơi thở người uống có thể có mùi trái cây khi thở ra kèm theo buồn nôn và nôn mửa; đau bụng; kích động và bồn chồn; ý thức giảm thậm chí là hôn mê; mệt mỏi, chuyển động chậm chạp; thở sâu, thở nhọc và thở gấp; mất cảm giác thèm ăn; các triệu chứng mất nước chẳng hạn như chóng mặt, choáng váng, khô môi miệng, khát nước nghiêm trọng.

- Tăng áp lực thẩm thấu máu (Hyperglycemic Hyperosmolar Syndrome - HHS)

Tăng áp lực thẩm thấu máu cũng là một nguyên nhân có thể gây ra hơi thở có mùi trái cây. Trong hầu hết các trường hợp, những người mắc HHS không gặp phải tình trạng tích tụ ketone trong máu giống như những người bị nhiễm toan ceton máu.

Hơi thở có mùi trái cây là bệnh gì? Cách chữa hơi thở có mùi nhanh nhất không phải ai cũng biết- Ảnh 3.

Tăng áp lực thẩm thấu máu cũng là một nguyên nhân có thể gây ra hơi thở có mùi trái cây (Ảnh: ST)

Tuy nhiên, một số ketone tích tụ trong máu có thể xảy ra với HHS, dẫn đến hơi thở có mùi trái cây. Các triệu chứng khác có thể bao gồm: Sự thay đổi tri giác chẳng hạn như hôn mê hoặc ý thức mơ hồ; áp lực thẩm thấu máu hiệu quả tăng cao (trên 320 mOsm/L) do đường huyết tăng cao (lớn hơn 600 mg/dL) với tình trạng nhiễm ceton máu hiện diện hoặc hiện diện không đáng kể.

- Bệnh gan

Người mắc bệnh gan, chẳng hạn như suy gan cũng có thể gặp phải tình trạng hơi thở có mùi trái cây. Tuy nhiên, khác với hơi thở có mùi trái cây liên quan tới ketone thì hơi thở bệnh gan lại có liên quan tới việc gan không lọc được các hợp chất có chứa lưu huỳnh khiến nồng độ dimethyl sulphide cao.

Chất này vẫn ở trong cơ thể bạn và tạo ra hơi thở có mùi giống trứng thối hoặc tỏi. Không chỉ qua hơi thở, bạn cũng có thể phát hiện ra mùi tương tự trong nước tiểu hoặc mồ hôi của mình. Hơi thở bệnh gan được mô tả là có mùi giống như hỗn hợp trứng thối và tỏi, mốc, hăng, ngọt lạ và đôi khi giống phân.

Hơi thở có mùi trái cây là bệnh gì? Cách chữa hơi thở có mùi nhanh nhất không phải ai cũng biết- Ảnh 4.

Hơi thở bệnh gan được mô tả là có mùi giống như hỗn hợp trứng thối và tỏi, mốc, hăng, ngọt lạ và đôi khi giống phân (Ảnh: ST)

Các dấu hiệu bệnh gan khác bao gồm: Cổ trướng; nôn ra máu, thường do chảy máu thực quản; sỏi mật; ngứa; vàng da; suy thận; mất cơ; mất cảm giác thèm ăn; tĩnh mạch màng nhện (tĩnh mạch nhỏ, bị hư hỏng, thường xuất hiện trên bề mặt da nhìn trông giống như mạng nhện ở chân hoặc mặt. Các tĩnh mạch mạng nhện có thể có màu xanh, tím hoặc đỏ và xuất hiện dưới dạng các đường mỏng, mạng hoặc nhánh); mệt mỏi; sụt cân; lú lẫn khi chất độc tích tụ trong máu.

2. Phải làm gì nếu hơi thở có mùi trái cây?

Nếu hơi thở có mùi trái cây xuất hiện khi bạn đang trong quá trình nhịn ăn hoặc ăn kiêng theo chế độ keto thì vấn đề này không cần phải lo lắng. Việc cần làm rất đơn giản, bạn cần uống nhiều nước hơn, nhai kẹo cao su có vị bạc hà để che giấu mùi khó chịu. Hơi thở có mùi trái cây sẽ biến mất khi chấm dứt chế độ ăn kiêng.

Với các nguyên nhân bệnh lý khiến hơi thở có mùi trái cây, bạn cần thăm khám bác sĩ sớm để nhận được phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng bệnh.

Cách chữa hơi thở có mùi nhanh nhất

Hơi thở có mùi (hôi miệng) khá phổ biến và có nhiều nguyên nhân khác nhau, việc loại bỏ hơi thở có mùi có nghĩa là phải tìm ra nguyên nhân gốc rễ của tình trạng này.

Hơi thở có mùi trái cây là bệnh gì? Cách chữa hơi thở có mùi nhanh nhất không phải ai cũng biết- Ảnh 5.

Cách chữa hơi thở có mùi nhanh nhất tại nhà là gì? Ảnh: ST

Các phương pháp điều trị nha khoa và y tế, thay đổi thói quen lối sống, thuốc men và phẫu thuật đều có thể đóng vai trò trong việc loại bỏ chứng hôi miệng vĩnh viễn:

- Điều trị thông thường bao gồm: Loại bỏ vôi răng và bào láng gốc răng để loại bỏ vi khuẩn gây mùi hôi miệng - hường được chỉ định cho các trường hợp hôi miệng do viêm nướu; làm sạch lưỡi; sử dụng nước súc miệng có chất kháng khuẩn như chlorhexidine, kẽm, triclosan hoặc chứa cetylpyridinium cetylpyridinium chloride.

- Thay đổi lối sống: Duy trì thói quen vệ sinh răng miệng sạch sẽ bằng chàn chải đánh răng và chỉ nha khoa, cạo lưỡi. Đồng thời cần tránh hút thuốc lá, giảm thiểu các loại gia vị và thức ăn có mùi nồng như hành, tỏi, đồ ngâm muối. Chú ý uống nhiều nước, tránh để miệng khô. Nha sĩ có thể khuyên bạn nhai kẹo cao su không đường để kích thích tiết nước bọt, giúp bảo vệ miệng khỏi vi khuẩn.

- Thuốc: Trong một số trường hợp hơi thở có mùi do các tình trạng như trào ngược dạ dày, bệnh gan, viêm amidan, viêm phế quản,... thì thuốc có thể được chỉ định để chữa hôi miệng.

Có một số cách chữa hôi miệng tự nhiên bằng cách sử dụng các loại gia vị hoặc thực phẩm có tác dụng tẩy mùi và thúc đẩy sự phát triển của lợi khuẩn trong miệng cũng có thể hữu ích như: Dùng gừng tươi, ăn sữa chua, súc miệng bằng mật ong chanh, ngậm bã rau húng chanh chữa hôi miệng,... Tùy từng người mà độ hiệu quả của các chữa hôi miệng tại nhà này sẽ có sự khác biệt.

Nhìn chung, hơi thở có mùi trái cây có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Điều quan trọng là chú ý tới các dấu hiệu bất thường kèm theo, đặc biệt là nếu bị tiểu đường chẳng hạn như lú lẫn, mất ý thức, khát nước quá mức, đường huyết tăng rất cao, nôn mửa. Các dấu hiệu này có thể cảnh báo một trường hợp cần phải chăm sóc y tế khẩn cấp.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn