Ngày 12/6/2024 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội), Tổ chức Trái tim người lính phối hợp với Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ (Mỹ), tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, CLB Mãi mãi tuổi 20 đã tổ chức buổi giới thiệu tự truyện Mãi vẫn là người lính của tác giả Đặng Ngọc Đa.
Cuốn tự truyện Mãi vẫn là người lính kể về cuộc hành trình của người lính Đặng Ngọc Đa từ chiến trường ác liệt, đến "khu vườn hạnh phúc"; từ gian khổ chiến tranh đến cuộc sống hòa bình an nhiên. Cuốn sách là hồi ức bình dị, chân thực và đầy thú vị về cuộc đời và gia đình của một người lính già xuyên qua quãng thời gian dài với nhiều thăng trầm của cuộc sống và sự kiện lớn lao của đất nước, với bản lĩnh, ý chí của Bộ đội Cụ Hồ.
Cựu chiến binh Đặng Ngọc Đa sinh năm 1939, quê xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ông là một trong những người lính hoàn thành xuất sắc cả 3 nhiệm vụ "Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm" như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi Thi đua ái quốc năm 1948.
Về "Diệt giặc dốt": Nhờ tích cực tham gia phong trào dạy Bình dân học vụ và đạt thành tích xuất sắc trong công tác xóa nạn mù chữ tại quê nhà mà năm 1958 thầy giáo Đặng Khắc Đa (tên trước đây của ông Đặng Ngọc Đa) đã được Bộ Giáo dục tặng ảnh chân dung Hồ Chí Minh, có chữ ký và bút tích viết tay của Người.
Về "Diệt giặc ngoại xâm": Năm 1967, ông xung phong, tình nguyện nhập ngũ khi đã gần 30 tuổi, có vợ và 4 con nhỏ, chiến đấu tại chiến khu Đức Huệ, Long An.
Về thành tích "Diệt giặc đói": Năm 1990, cựu chiến binh Đặng Ngọc Đa được nghỉ chế độ. Người lính già ấy đã đi khắp nơi học hỏi, rồi về thuê đất trồng hoa và cây cảnh. Qua nhiều lần thất bại, ông đã gây dựng được một vườn cây cảnh lớn ở quê hương Mễ Sở, cho giá trị kinh tế cao từ 7.000 mét vuông đất lầy thụt. Có thể nói, ông là một trong những người đầu tiên ở Mễ Sở mở ra một hướng đi mới ở vùng trồng rau, màu, xây dựng vườn cây cảnh, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị đất đai canh tác. Mô hình vườn cây cảnh của ông đã truyền cảm hứng cho nhiều cựu chiến binh và nhiều nông dân ở Hưng Yên cũng như nhiều nơi trong cả nước học tập, làm theo.
Tác giả chia sẻ, viết cuốn sách và chọn tựa Mãi vẫn là người lính, ông mong muốn nhắn nhủ thế hệ sau: Dù làm gì, ở đâu vẫn luôn nhớ về gia đình, tổ tiên, quê hương và giữ phẩm chất cao đẹp của người lính. "Qua cuốn sách, con cháu tôi và bạn đọc sẽ hiểu hơn về cuộc sống, tình yêu thương gia đình, tầm quan trọng của việc không bao giờ từ bỏ ước mơ. Cuộc đời có thể đi qua nhiều thăng trầm nhưng niềm tin và lòng kiên nhẫn sẽ giúp chúng ta vượt qua khó khăn", cựu chiến binh Đặng Ngọc Đa bày tỏ.
Cũng trong khuôn khổ chương trình, Ban tổ chức đã tiếp nhận Hồ sơ Chứng tích chiến tranh Việt Nam do Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ, Đại học Công nghệ Texas (Mỹ) bàn giao.
Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng - Chủ tịch Tổ chức Trái tim người lính chia sẻ: Trong kháng chiến chống Mỹ, đã có một khối lượng khổng lồ gồm hàng vạn những cuốn nhật ký, thư tay, vật dụng cá nhân… là di vật và kỷ vật của Bộ đội miền Bắc và quân Giải phóng miền Nam bị quân đội Mỹ và lính Việt Nam Cộng hòa thu được trên chiến trường. Hầu hết bản gốc đã bị hủy trong thời chiến. Tuy nhiên, nhiều nội dung của các di vật và kỷ vật nêu trên đã được chụp lại và lưu giữ dưới hình thức microfilm tại Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ tại Đại học Công nghệ Texas, Hoa Kỳ (viết tắt là VNCA). Những bản copy này cũng có thể được xem như là "bản gốc", chứa đựng nhiều thông tin riêng tư mà hầu như thân nhân các gia đình liệt sĩ liên quan chưa bao giờ có cơ hội thấy chúng và có thể trợ giúp việc tìm kiếm phần mộ và hài cốt liệt sĩ…
Vì thế, nhà văn Đặng Vương Hưng đã phối hợp với VNCA thực hiện dự án phi lợi nhuận Hồ sơ chứng tích chiến tranh Việt Nam. "Chúng tôi đã sử dụng các tài liệu được sàng lọc từ kho microfilm, với gần 3 triệu trang, đang lưu giữ tại VNCA, để tìm kiếm thông tin về các liệt sĩ Việt Nam đã hy sinh, hoặc mất tích trong chiến tranh; đồng thời, phối hợp với nhiều tổ chức và cá nhân, tiến hành tìm kiếm thân nhân liệt sĩ và các cựu chiến binh còn sống sót qua chiến tranh, để có thể trao trả Hồ sơ chứng tích (nhật ký, thư riêng…) cho các cá nhân, hoặc thân nhân liệt sĩ tại Việt Nam.
Từ đầu tháng 5/2024, căn cứ nguồn tư liệu độc quyền do VNCA gửi, chúng tôi đã tiến hành biên soạn và giới thiệu hơn 30 hồ sơ. Đó là nội dung tóm tắt của 35 cuốn sổ tay nhật ký và 10 lá thư thời chiến. Với sự trợ giúp, chung tay góp sức của nhiều bạn đọc, 12 hồ sơ trong đó đã có phản hồi tích cực của thân nhân các gia đình liệt sĩ, cựu tù binh chiến tranh và thương binh. Chúng tôi đã liên hệ được với các nhân chứng để mời tham dự sự kiện này", nhà văn Đặng Vương Hưng cho biết.
Nhân dịp này, CLB Mãi mãi tuổi 20 phối hợp với Tổ chức Trái tim người lính đã phục dựng 4 di ảnh màu chân dung liệt sĩ (đều là những di ảnh duy nhất của liệt sĩ chụp trước khi hy sinh) và trao tặng cho thân nhân.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn