Hôm nay (14/4): Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến ASEAN và ASEAN+3

07:17 | 14/04/2020;
Đây là một giai đoạn rất đặc biệt với vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam, bởi dịch Covid-19 gây thiệt hại nặng nề về người và kinh tế thế giới. Do đó, Việt Nam đã chủ động tổ chức hội nghị cấp cao đặc biệt ứng phó với Covid-19, thể hiện sự chủ động của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác khu vực và quốc tế để ứng phó các thách thức phi truyền thống.

Ngày 14/4, Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó dịch bệnh Covid-19 sẽ được tiến hành thông qua hình thức trực tuyến. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN chủ trì hội nghị từ đầu cầu Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch ASEAN 2020

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch ASEAN 2020

Đây là những hoạt động thể hiện vai trò chủ động và tích cực của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN, với mục tiêu cao nhất lúc này là thúc đẩy đoàn kết, thống nhất ASEAN để chiến thắng đại dịch Covid-19. Việt Nam đã cùng các nước thành viên xác định chủ đề chung cho năm 2020 là "ASEAN Gắn kết và Chủ động thích ứng" nhằm đẩy mạnh công cuộc xây dựng Cộng đồng và phát huy vai trò của ASEAN trong một thế giới đầy biến động.

Ứng phó Covid-19, một đại dịch toàn cầu đang làm đảo lộn mọi mặt đời sống kinh tế xã hội chưa từng có tiền lệ, đặt ra nhiều thách thức với ASEAN và thế giới. Do đó, một hội nghị đặc biệt của ASEAN về ứng phó dịch là rất cần thiết trong lúc này. Qua đó sẽ thúc đẩy tinh thần Gắn kết và Chủ động thích ứng, thúc đẩy đoàn kết, thống nhất ASEAN cũng như hợp tác với các đối tác trong kiểm soát, ngăn chặn và giảm các tác động về kinh tế-xã hội của dịch bệnh. Ở Đông Nam Á, toàn bộ 11 nước thành viên đều ghi nhận có ca nhiễm Sars-CoV-2, trong đó một số nước đang chứng kiến tình hình dịch bệnh phức tạp như Malaysia, Philippines. Dịch bệnh cũng tác động đến nền kinh tế các nước ASEAN, nhất là các ngành kinh doanh dịch vụ, vốn chiếm đến 30% tổng GDP của ASEAN. Dịch bệnh gây gián đoạn chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Nhiều người dân đứng trước nguy cơ bị mất việc làm, an sinh xã hội bị thách thức.

Việc tổ chức các hội nghị Cấp cao đặc biệt về ứng phó dịch bệnh Covid-19 một lần nữa khẳng định chủ trương của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII là Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng. Hội nghị khẳng định hình ảnh và vị thế của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, tạo dựng đồng thuận ASEAN. Từ đó góp phần củng cố đoàn kết, thống nhất tăng cường gắn kết, tương trợ lẫn nhau, nâng cao tính hợp tác, chủ động của ASEAN trước các thách thức khu vực và quốc tế, trong đó lớn nhất là dịch bệnh Covid-19.

Hôm nay (14/4): Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến ASEAN và ASEAN+3 - Ảnh 2.

Hội nghị trực tuyến lần thứ 25 Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) ngày 9/4

Trong một ngày làm việc, các nhà lãnh đạo ASEAN và các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ cùng nhau đưa ra các biện pháp, sáng kiến cụ thể. Mặt khác, sẽ thúc đẩy hơn nữa hợp tác phòng chống dịch bệnh đồng thời bảo đảm sự phát triển năng động, bền vững của khu vực về dài hạn.

Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN dự kiến sẽ ra Tuyên bố chung về đại dịch Covid-19, trong đó cam kết tiếp tục ứng phó hiệu quả với đại dịch thông qua cách tiếp cận thống nhất, đa ngành, đa phương và liên quan đến toàn bộ Cộng đồng ASEAN.

Trong khi đó, Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN+3 dự kiến cũng ra Tuyên bố chung về đại dịch Covid-19, trong đó khẳng định cam kết chung nhằm tăng cường đoàn kết, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa ASEAN và ba nước đối tác trong việc kiểm soát, ngăn chặn và ứng phó với các tác động của đại dịch trên các mặt kinh tế và xã hội.

Thông qua các Hội nghị này, ASEAN cũng kỳ vọng tăng cường các nỗ lực hợp tác trong việc chia sẻ thông tin và kiến thức, không chỉ trong lĩnh vực phát triển y tế, mà cả trong các chính sách đối nội liên quan đến mảng an sinh xã hội và y tế do tác động to lớn của đại dịch Covid-19 đối với cộng đồng.

Báo PNVN sẽ tiếp tục thông tin về Hội nghị này.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn