Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) là 2 xã vùng cao nằm sát cao nguyên Mộc Châu. Nơi đây khí hậu mát mẻ quanh năm lại là nơi sinh sống của bà con người Mông. Cách đây khoảng 3 thập kỷ, ở xứ sở miệt rừng này đã có một người đàn ông Mông là cụ Khà A Gia ở bản Hang Kia, xã Hang Kia đã biết mở cửa nhà đón khách.
Việc làm của ông Gia là khá lạ lẫm so với công việc của bà con người Mông nơi đây. Khi đó, đường lên 2 xã vùng cao này còn gian nan lắm. Vậy mà khách Tây lại rất thích đi vào cung đường này và tìm hiểu văn hóa bản địa. Ông Gia đón khách về ăn ngủ, tại nhà. Dần dần ngôi nhà gỗ thâm nâu quanh năm chìm trong sương mù ấy trở thành địa điểm lưu trú quen thuộc.
Có khách đến ở là gia đình ông có thu nhập. Ông Gia rất lấy làm tự hào về cách làm của mình: "Khách đến, mình làm các món ăn mà người Mông ăn hàng ngày. Mọi sinh hoạt của dân tộc mình giữ nguyên, vậy mà du khách lại thích lắm. Ấy dà, mình không phải vất vả trên nương mà nhà không thiếu gì ngô, thóc", ông Gia chia sẻ.
Cách làm của ông Gia đối với bà con người Mông nơi đây là sự lạ lẫm. Họ vốn quen làm nông nghiệp, chưa ai nghĩ đến làm du lịch. Mùa nối mùa trôi qua, du khách kéo đến thung lũng sương mù này ngày một đông. Nhiều hộ dân khác nhận thấy cách làm của ông Gia nhàn hạ mà mà có thu nhập cao gấp nhiều lần so với việc trồng ngô, trồng lúa trên nương.
Chị Sùng Y Múa ở bản Hang Kia cũng mạnh dạn vay vốn mở Homestay. Chị làm bài bản, nơi lưu trú sạch sẽ có nhà vệ sinh, nhà tắm hiện đại. Không dừng lại ở việc đợi khách tìm đến, Y Múa còn quảng cáo sản phẩm của mình lên mạng.
Cách làm của Y Múa đã mang lại hiệu quả. Khách kéo đến ngày một đông, có những ngày Y Múa phải chuyển khách sang ở nhờ những nhà người thân. Sau mỗi năm trôi qua, Y Múa mở rộng Homestay của mình. Giờ nhà Y Múa có đủ khả năng đón cả trăm khách.
"Sau mỗi năm đón khách, mình lại rút ra nhiều kinh nghiệm làm du lịch. Homestay ngày một hoàn thiện hơn. Nhiều công ty lữ hành đã coi khu nghỉ của gia đình thành đối tác quan trọng. Không chỉ khách Tây, khách nội địa cũng tìm đến nhà mình ngày một nhiều hơn", Y Múa chia sẻ.
Hang Kia, Pà Cò nằm trên độ cao hơn nghìn mét so với mặt nước biển. Khí hậu quanh năm mát mẻ, vào mùa hoa mơ, hoa đào nở nơi này đẹp tựa miền cổ tích. Từ cách làm của ông Gia và Y Múa. Giờ đây đã có nhiều Homestay được mở ra.
Nói như ông Khà A Lau, Chủ tịch UBND xã Hang Kia, bà con đã dần thay đổi nhận thức. Họ đã biết tận dụng lợi thế về cảnh quan và văn hóa bản địa để làm du lịch. Nhiều công ty, doanh nghiệp cũng đã đến địa phương để đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng. Ngành công nghiệp không khói đang mở ra hướng làm ăn mới cho bà con người Mông nơi đây.
Sự đổi thay trong nếp nghĩ, cách làm của bà con người Mông đã dần đẩy lùi tệ nạn đã từng tồn tại cả mấy thập kỉ. Hang Kia – Pà Cò từng là điểm nóng về ma túy, nhưng mấy năm gần đây, 2 địa danh này trở thành điểm du lịch hấp dẫn về văn hóa là những chuyến săn mây kỳ thú...
Anh Giàng A La, Giám đốc HTX dịch vụ du lịch và nông nghiệp Hang Kia chia sẻ: Với mong muốn xây dựng Hang Kia trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế, các thành viên của HTX đã đầu tư trồng hoa, tạo cảnh quan, quan tâm nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú; tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị như thăm quan vườn mận, trang trại cam rộng 15 ha của HTX…
Khách du lịch có thể tự tay dệt thổ cẩm tại gia đình hộ thành viên HTX để tạo ra những bộ trang phục thổ cẩm độc đáo… Từ đầu năm đến nay, HTX đón trên 1.000 lượt khách (khoảng 500 khách lưu trú); doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng.
Không riêng gì bà con người Mông ở Hang Kia biết làm du lịch, bà con người Mường sống ở các huyện Kim Bôi, Đà Bắc, Lạc Sơn… cũng đã biết tận dụng lợi thế của địa phương để làm du lịch. Giờ đến đâu cũng dễ dàng bắt gặp những Homestay được xây dựng bài bản. Các chủ Homestay cũng biết tận dụng lợi thế về địa hình và văn hóa bản địa, mở cửa đón khách.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn