Tại buổi họp báo thông tin về Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028 (sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 25-27/12), Phó Chủ tịch Hội Nông dân Viêt Nam Bùi Thị Thơm cho biết: trong nhiệm kỳ 2018-2023, các cấp Hội đã kết nạp mới được 1.544.234, nâng tổng số hội viên cả nước của Hội lên khoảng 10,2 triệu hội viên; thành lập mới được 2.507 Chi hội Nông dân nghề nghiệp, nâng tổng số Chi hội Nông dân nghề nghiệp cả nước lên 3.165 Chi hội, với trên 72.673 hội viên; thành lập mới 13.754 Tổ hội Nông dân nghề nghiệp, nâng tổng số Tổ hội Nông dân nghề nghiệp cả nước lên 26.419 Tổ hội, với 381.758 hội viên.
Chất lượng, hiệu quả hoạt động cơ sở Hội và chi Hội được nâng lên, số cơ sở Hội khá và vững mạnh vượt 14,48% so với chỉ tiêu Đại hội VII. Công tác xây dựng Hội tiếp tục được tăng cường và đạt được nhiều kết quả tích cực: công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng được đẩy mạnh, thực hiện sâu rộng, kịp thời; tổ chức bộ máy được củng cố kiện toàn tinh gọn, hoạt động hiệu quả; công tác quản lý, chất lượng hội viên được nâng lên; công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật được chú trọng, thực hiện nghiêm túc, đúng quy định; thi đua, khen thưởng có nhiều đổi mới.
Thời gian qua, các phong trào thi đua yêu nước do Hội phát động được lan tỏa sâu rộng, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên nông dân tham gia, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững. Hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ, đào tạo nghề, phát triển các mô hình kinh tế, tổ hợp tác, hợp tác xã tiếp tục được đẩy mạnh; vai trò trung tâm, nòng cốt trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường được thể hiện ngày càng rõ nét.
Hoạt động tham gia giám sát và phản biện xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế được tăng cường và đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần khẳng định vị trí, vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong hệ thống chính trị và nâng cao uy tín, vị thế của Hội với bạn bè, đối tác quốc tế.
Trong nhiệm kỳ 2018-2023, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" đã trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế, xã hội ở nông thôn. Các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đã giúp trên 815.000 lượt hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về cây, con giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm... trị giá trên 6.720 tỷ đồng; trên 108.000 hộ nông dân thoát nghèo và đang vươn lên làm giàu; đóng góp xây dựng hàng nghìn căn nhà tình thương, nhà tình nghĩa, mái ấm nông dân và giúp cho trên 1,2 triệu hộ nghèo có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất...
Công tác đào tạo nghề cho hội viên, nông dân gắn với giải quyết, giới thiệu việc làm cho nông dân được các cấp Hội chú trọng với nhiều mô hình và hình thức đào tạo phù hợp, bình quân hằng năm các cấp Hội trực tiếp, phối hợp đào tạo nghề cho trên 110 nghìn nông dân, trên 80% có việc làm, thu nhập ổn định; tạo việc làm tại chỗ cho hàng triệu lao động.
Hoạt động quảng bá, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản cho nông dân được đẩy mạnh, hỗ trợ nông dân tham gia các sàn thương mại điện tử. Đến nay, đã có trên 5,3 triệu hộ sản xuất nông nghiệp được giúp tạo tài khoản trên sàn thương mại điện tử; 5,8 triệu hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số; hơn 78 nghìn sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử; xây dựng và duy trì trên 200 cửa hàng "nông sản an toàn" để trưng bày, giới thiệu, quảng bá kết nối hỗ trợ tiêu thụ và cung cấp các sản phẩm nông sản an toàn cho người tiêu dùng.
Bên cạnh các hoạt động phát triển kinh tế, hoạt động tư vấn, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nông dân được các cấp Hội chú trọng với nhiều hình thức đa dạng như: tổ chức tư vấn pháp luật; xây dựng và duy trì mô hình "Hội Nông dân tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội"; thành lập và nhân rộng các câu lạc bộ "Nông dân với pháp luật"...
Chung sức cùng cả nước xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã đẩy mạnh Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" gắn với nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế. Hội viên, nông dân cả nước tích cực tham gia góp ý các chương trình, dự án triển khai trên địa bàn nông thôn; hiến hàng triệu m2 đất, đóng góp hàng nghìn tỷ đồng, trên 3 triệu ngày công lao động, sửa chữa, bê tông hóa trên 36 nghìn km đường giao thông nông thôn; kiên cố hóa, sửa chữa trên 27 nghìn km kênh mương…
Hằng năm, các cấp Hội vận động trên 9 triệu hộ hội viên nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu "Gia đình văn hoá"; tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng đẩy mạnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường nông thôn, đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống giảm nhẹ thiên tai. Đồng thời, tích cực vận động hội viên, nông dân tham gia phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc", góp phần giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội ở nông thôn.
Từ những thành quả đạt được, có thể nói, vai trò của tổ chức Hội Nông dân Việt Nam trong xây dựng giai cấp nông dân ngày càng được khẳng định, góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức chính trị, trình độ, kỹ năng sản xuất - kinh doanh, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân.
Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028 chủ đề "Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Hợp tác - Phát triển" sẽ diễn ra từ ngày 25 - 27/12/2023, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội. 1.000 đại biểu chính thức (trong đó có khoảng 300 đại biểu nữ) đại diện cho hơn 10 triệu hội viên, nông dân của cả nước tham dự Đại hội.
Ông Lê Ngọc Thắng, Phó trưởng Ban Tổ chức, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, cho biết, theo đề án của Trung ương Hội, dự kiến số lượng ủy viên Ban chấp hành khóa VIII gồm 119 người, tương đương khóa VII. Được biết, cơ cấu tỉ lệ ủy viên Ban chấp hành là nữ khóa VIII phấn đấu đạt 25% - 30%, ủy viên là người dân tộc thiểu số khoảng 11%; tỉ lệ dưới 45 tuổi khoảng 15%, từ 45-55 tuổi khoảng 50% và trên 55 tuổi 35%.
Tiếp tục phát huy thành quả đạt được của nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân Việt Nam đề ra 7 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá trong phong trào nông dân nhiệm kỳ 2023-2028.
7 nhiệm vụ trọng tâm:
- Xây dựng Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh.
- Xây dựng người nông dân Việt Nam văn minh, phát triển toàn diện.
- Phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
- Đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh.
- Tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
- Tích cực tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh.
- Chủ động, tích cực hội nhập và đẩy mạnh hợp tác quốc, hoạt động đối ngoại nhân dân.
3 đột phá:
- Đổi mới mạnh mẽ phương thức tập hợp, đoàn kết nông dân.
- Tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp.
- Nâng cao trình độ, kỹ năng cho nông dân và cán bộ Hội các cấp.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn