Hơn 100 doanh nghiệp kiến nghị chưa tăng lương tối thiểu

15:40 | 21/07/2017;
Sáng 21/7, hơn 100 doanh nghiệp đối thoại với lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH; đồng thời đưa ra kiến nghị chưa tăng lương tối thiểu vùng và không tăng mức đóng BHXH vào năm 2018.
det-may.jpg
Tăng lương và mức đóng BHXH phải thực hiện để đảm bảo mức sốc và an sinh xã hội cho người lao động (ảnh minh họa) 

Tại Hội nghị Bộ LĐ-TB&XH đối thoại với doanh nghiệp về tình hình thực thi pháp luật lao động sáng 21/7, ông Thân Đức Việt, Phó tổng Giám đốc Công ty May 10, kiến nghị không tăng mức đóng BHXH năm 2018. Vị này cho rằng hiện nay mức đóng BHXH là cao, doanh nghiệp đóng 22% cho người lao động. Với tổng số hơn 7.000 lao động, với mức tăng của đóng BHXH từ năm 2016 đến 2017, doanh nghiệp này bị phát sinh tiền BHXH phải đóng là hơn 22 tỷ đồng. Đây là chi phí rất lớn đè lên vai doanh nghiệp; không chỉ vậy, quy định mới về đóng BHXH trên cơ sở lương, phụ cấp lương và khoản bổ sung khác thì khoản tiền đóng BHXH sẽ là rất lớn.

Theo quy định, từ 1/1/2018, ngoài những khoản thu nhập tính đóng BHXH bắt buộc theo quy định hiện hành, sẽ bổ sung nhiều khoản thu nhập của NLĐ làm cơ sở tính đóng BHXH bắt buộc. Trong đó, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động. Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.

Tại buổi đối thoại, nhiều đại diện doanh nghiệp cũng kiến nghị không tăng lương tối thiểu vùng năm 2018. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp như dệt may, da giày trả lương theo sản phẩm với mức bình quân hơn 7 triệu đồng/người/tháng. Tăng lương tối thiểu sẽ làm tăng thêm áp lực với doanh nghiệp trong giai đoạn thị trường còn nhiều khó khăn.

det-may2.jpg
Giảm bớt khó khăn, doanh nghiệp cần đổi mới coongn ghệ, tiết giảm chi phí

Giải đáp kiến nghị của doanh nghiệp, Phó Cục trưởng Cục quan hệ lao động và tiền lương, Bộ LĐ-TB&XH, lý giải: Luật BHXH đã quy định thì doanh nghiệp “không thể không thực hiện”. Tuy nhiên, những khoản phụ cấp ngoài lương được tính vào để đóng BHXH sẽ là những khoản cố định ghi trong hợp đồng lao động. Các khoản khác tăng giảm theo từng thời điểm như tiền tăng ca, tiền thưởng, thai sản, nuôi con nhỏ sẽ không được tính vào lương để đóng BHXH.

Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng tăng lương và tăng mức đóng BHXH nhằm đảm bảo ổn định đời sống, an sinh xã hội cho người lao động. Việc tăng lương tối thiểu sẽ được ấn định trên cơ sở các bên thương lượng, thống nhất, đảm bảo hài hòa lợi ích cho các bên. Việc quy định mức lương tính đóng BHXH đã được quy định trong luật buộc phải thực hiện. Nếu phải sửa đổi thì thẩm quyền của Quốc hội.

Để giảm bớt khó khăn, áp lực từ việc tăng lương, tăng mức đóng BHXH, theo ông Doãn Mậu Diệp, doanh nghiệp cần nỗ lực đổi mới công nghệ, tiết giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, đảm bảo tốt hơn đời sống người lao động.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn