Hơn 120 nghìn công nhân Thủ đô 'khát' chỗ ở

15:47 | 10/04/2018;
Tính riêng 9 khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn hoạt động có khoảng 150.000 công nhân, lao động. Trong đó, gần 90% công nhân đang phải thuê trọ trong các khu nhà chật hẹp, thiếu vệ sinh, an ninh trật tự...
lien-doan-lao-dong-ha-noi.jpg
Bà Nguyễn Thị Tuyến, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Hà Nội, phát biểu. Ảnh: H.Hòa

Tại hội nghị giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều nay (10/4), bà Nguyễn Thị Tuyến, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Hà Nội, cho biết: Địa bàn Hà Nội có hơn 231 ngàn doanh nghiệp và có tổng số công nhân lao động trên địa bàn là 2,5 triệu người, chiếm 33% dân số Thủ đô. Thu nhập của người lao động trực tiếp sản xuất trong các loại hình doanh nghiệp năm 2017 là 5 triệu đồng/người/tháng. Bà Tuyến cũng nhìn nhận, mức lương tối thiểu vùng hiện nay chưa đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động, do giá cả hàng hóa tiêu dùng, các dịch vụ xã hội, mặt hàng thiết yếu tăng cao…

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết, vấn đề nhà ở vẫn là yêu cầu bức xúc của người lao động. Thành phố Hà Nội đã có chính sách về nhà ở cho người có thu nhập thấp và thí điểm xây dựng khu nhà ở cho công nhân khu công nghiệp Thăng Long; khu công nghiệp Phú Nghĩa (Thạch Thất - Quốc Oai). Hiện nay, Hà Nội chỉ có 3/9 khu công nghiệp đang hoạt động là có nhà ở cho công nhân. Chỉ tính riêng trong 9 khu công nghiệp này đã có tới 150.000 công nhân, nhưng mới chỉ có 19.650 chỗ ở cho công nhân lao động, đáp ứng được hơn 10% nhu cầu nhà ở cho công nhân.

Còn lại gần 90% công nhân, người lao động vẫn phải thuê nhà ở trong khu dân cư với diện tích chật hẹp, cơ sở vật chất thiếu, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, đặc biệt là nhà trẻ, trường mầm non còn ít, chưa thực sự giúp công nhân yên tâm lao động.

Theo bà Tuyến, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định đồng ý cho Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với các tỉnh thành phố để xây dựng các thiết chế công đoàn. Trong đó có vấn đề xây dựng nhà ở, nhà trẻ mẫu giáo, khu vui chơi, phòng khám cho công nhân. Mặc dù vậy, khi tham mưu thực hiện chủ trương này trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn nhất là diện tích đất để xây dựng, thiết chế yêu cầu phải là đất sạch, nhưng các nhà đầu tư khi xây dựng hạ tầng cơ sở khu công nghiệp và kêu gọi đầu tư vào để thuê nhà xưởng sản xuất, thu hút lao động, triển khai sản xuất kinh doanh, thì họ lại muốn tự xây dựng, quản lý kinh doanh. Cho nên, đây là vấn đề cần phải kiến nghị để khắc phục, giải quyết.

nha-tro-cong-nhan.jpg
Phòng trọ tạm bợ, ẩm thấp của công nhân tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội

 
Trong 9 khu công nghiệp đang hoạt động hiện nay, theo bà Tuyến, có 6 khu công nghiệp chưa có nhà ở cho công nhân, và tổ chức công đoàn “rất khó vào” các khu này. Trong thời gian tới, Liên đoàn lao động Hà Nội sẽ đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị của thành phố để thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân, “dù là doanh nghiệp hay liên đoàn lao động xây dựng cũng được, miễn là công nhân có chỗ ở đảm bảo”, bà Tuyến cho biết.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn