Hơn 1.200 học sinh từng nhận học bổng Nguyễn Thị Minh Khai trở thành doanh nhân

13:16 | 24/09/2020;
Có 1.218 trong tổng số hơn 263.100 lượt học sinh từng nhận học bổng Nguyễn Thị Minh Khai trở thành doanh nhân.

Ngày 24/9, Hội LHPN TPHCM cho biết, sau 30 năm triển khai, đến nay, chương trình học bổng Nguyễn Thị Minh Khai đã trao được tổng cộng 263.192 suất với tổng số tiền hơn 179 tỉ đồng. Trong đó, có 6.793 suất học bổng dành cho bậc cao đẳng, đại học; 38.956 suất học bổng dành cho cấp 3; 90.525 suất học bổng dành cho cấp 2 và 126.918 suất học bổng dành cho cấp 1.

Đặc biệt, đã có hơn 96.800 em thành đạt từ chương trình học bổng Nguyễn Thị Minh Khai. Trong đó có 1.218 em là doanh nhân, 368 em phục vụ trong quân đội, 1.761 em công tác trong ngành khoa học kỹ thuật, 15.956 em hiện là công nhân, nhân viên của các cơ quan Nhà nước, công ty nước ngoài, công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp và 25.645 em khác làm việc trong nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau.

Theo Hội LHPN TPHCM, vào đầu niên học 1989-1990, trước tình hình một bộ phận các con em của các gia đình nghèo phải nghỉ học tạm thời hoặc dài hạn vì không có tiền đóng học phí... Hội LHPN Quận 5 đã có sáng kiến thành lập quỹ học bổng mang tên Nguyễn Thị Minh Khai để hỗ trợ các em học sinh nghèo hiếu học có nguy cơ bỏ học. Quỹ vận động ban đầu được 59 suất với định mức 50.000 đồng/suất.

Hơn 1.200 học sinh từng nhận học bổng Nguyễn Thị Minh Khai trở thành doanh nhân - Ảnh 1.

Nhiều học sinh sau này đã thành đạt sau khi nhận học bổng Nguyễn Thị Minh Khai - Ảnh: NVCC

Tiếp theo đó, Hội LHPN Quận 10, Quận 3, Quận Bình Thạnh cũng đã vận động được từ 10 đến 50 suất học bổng để cấp cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Trên cơ sở đó, từ năm 1990 Hội LHPN TPHCM đã quyết định chỉ đạo nhân rộng mô hình trên đến tất cả các cấp Hội nhằm đẩy mạnh vận động xây dựng quỹ học bổng mang tên người nữ Bí thư Thành ủy đầu tiên của Sài Gòn Gia Định: "Học bổng Nguyễn Thị Minh Khai".

Nguồn kinh phí thực hiện chương trình được sự đóng góp, hỗ trợ của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp... Theo thời gian, định mức học bổng có thay đổi từ thấp đến cao hơn. Từ năm 2019 đến nay, định mức là cấp 1 là 1,5 triệu đồng; cấp 2, cấp 3 là 2 triệu đồng; đại học là 3.000.000 đồng.

Sự lan tỏa của chương trình đã góp phần tích cực cùng chính quyền TPHCM thực hiện đạt nhiều kết quả trong công tác giáo dục, đào tạo: 100% các quận huyện đều đã đạt chuẩn xóa mù chữ và phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi, phổ cập giáo dục bậc tiểu học mức độ 3 và phổ cập bậc THCS; tỷ lệ huy động trẻ ra lớp 1 toàn Thành phố đạt 100%. Riêng kết quả xóa mù chữ tại 5 huyện nông thôn mới đều đạt từ 99,9% trở lên. Cần Giờ là huyện đảo xa nhất với nhiều khó khăn trong giáo dục, nhưng tỷ lệ xóa mù chữ năm 2019 cũng đạt 99,96%.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn