Hơn 14 nghìn người đã đăng ký hiến tạng

17:42 | 06/06/2018;
5 năm trước, hoạt động hiến tạng, mô tạng chưa được dư luận để ý, nay đã có sự chuyển mình mạnh mẽ. Tuy nhiên, nếu so với hơn 90 triệu dân Việt Nam, thì số người được hiến tạng còn quá ít ỏi. Hãy để người thân khi mất đi vẫn được hiện hữu trên cuộc đời này.

Đó là mong muốn, chia sẻ thân tình của bác sỹ Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm điều phối ghép bộ phận cơ thể Quốc gia (BV Việt Đức, Hà Nội), với PV Báo PNVN về vấn đề này. Bác sỹ Phúc cho biết: Nhìn lịch sử phát triển hiến tạng của Việt Nam, chỉ 5 năm qua, mới là bước đi ngắn, cho thấy con số hiến tạng khá ấn tượng.

Năm 2013, tổng số người đăng ký hiến tạng là con số 0, cả năm 2014 chỉ có 265 người đăng ký hiến tạng. Thế nhưng, chỉ hơn 2 tháng kể từ ngày câu chuyện cô bé 7 tuổi Nguyễn Hải An hiến giác mạc đã đem ánh sáng cho nhiều người còn sống lan tỏa trong cộng đồng thì số lượng người đăng ký hiến tạng tăng lên 2.467 người. Nâng tổng số người đăng ký hiến tạng đến đầu tháng 5/2018 là 14.667 người.

Tuy nhiên, một năm trung bình có gần 10.000 người chết vì tai nạn, tai nạn giao thông, trong đó người được hiến tạng chết não vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.

bsy.jpg
Bác sỹ Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm điều phối ghép bộ phận cơ thể Quốc gia (BV Việt Đức, Hà Nội)

 Có nghĩa là, trong nỗi đau tận cùng mất mát người thân hàng năm rất lớn, nhưng trên thực tế, không phải ai cũng hiểu, cũng biết và tận dụng cơ hội đó để giúp người thân của mình khi mất đi vẫn được hiện hữu trên cuộc đời, ngay khi họ đã ra đi vì tai nạn và chết não. Nói như vậy không có nghĩa là không có, nhưng số lượng đó chưa nhiều.

Tỷ lệ hiến tạng từ người chết não chưa được 10%

Bác sỹ Nguyễn Hoàng Phúc nói: Sinh - lão - bệnh - tử là quy luật của tự nhiên, chúng ta dù muốn hay không muốn, nhưng không ai tránh được. Sự già đi diễn ra từng ngày, có sinh có tử, bệnh không trừ một ai. Chắc chắn ai cũng đau đớn, nuối tiếc, đau xót khi người thân của mình một ngày nào đó ra đi. Lúc đó, họ sẽ tìm mọi cách cứu chữa cho người thân của mình, nếu không may không còn cơ hội cứu chữa thì mai táng cho trọn vẹn… Nhưng họ quyết định làm việc đó, cũng đồng nghĩa với việc đóng lại biết bao cơ hội để cứu chữa cho những bệnh nhân suy mô tạng đang ngày đêm chờ đợi được ghép tạng. Họ cũng đóng lại cơ hội để người thân tiếp tục hiện hữu trên cuộc đời.

maxresdefault.jpg
Chỉ hơn 2 tháng kể từ ngày câu chuyện cô bé 7 tuổi Nguyễn Hải An hiến giác mạc đã đem ánh sáng cho nhiều người còn sống lan tỏa trong cộng đồng, số lượng người đăng ký hiến tạng tăng lên 2.467 người.

 

Trước nhu cầu, nguồn hiến ghép tạng rất lớn như: ghép thận, tim, phổi, giác mạc, nhưng số lượng hiến tạng còn quá thấp. Từ năm 1992 đến nay, hơn 20 năm, chúng ta mới chỉ có gần 3.000 người được ghép tạng, phần lớn là được hiến từ người còn sống, tỉ lệ hiến tạng từ người chết não chưa được 10%, trong khi thế giới là rất lớn tỷ lệ ghép tạng từ người chết não chiếm 90%, đây là điều đáng tiếc.

Bác sỹ Nguyễn Hoàng Phúc khẳng định: "Hiện nay, công việc hiến ghép tạng vẫn nhiều khó khăn, nhiều người dân chưa biết, chưa hiểu, hoặc họ ở quá xa Hà Nội, hoặc xa các trung tâm thành phố lớn, khiến cho việc đi xác minh thông tin và tiếp cận hiện trường, nhiều ca chúng tôi không đến kịp. Ngoài ra, nhiều người chưa mở lòng mình ra, còn chưa quan tâm đến vấn đề này".

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn