"Hội ngộ Hà Nội - Thành phố vì hòa bình" là chương trình sân khấu - du lịch Trung tâm đào tạo sự kiện và sân khấu biểu diễn MP Centre của đạo diễn Lê Quý Dương tổ chức, với sự đồng hành của Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam và Tam Group. Đây là một trong những sự kiện ý nghĩa mà các nghệ sĩ muốn dành tặng cho Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2019) và 20 năm được công nhận danh hiệu "Thành phố Vì hòa bình".
Tham dự chương trình gồm hơn 140 sinh viên, giảng viên, giáo sư, nghệ sĩ đến từ 19 trường nghệ thuật thuộc 16 quốc gia và vùng lãnh thổ: Philippines, Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, Singapore, Mông Cổ, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Australia, Nhật Bản, Campuchia, Mỹ, Canada và Việt Nam.
Toàn bộ kinh phí tổ chức chương trình Hội ngộ Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình được xã hội hóa 100% với sự quan tâm ủng hộ của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch).
Trong chương trình, thành viên của các trường nghệ thuật sân khấu quốc tế đã giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực giảng dạy và học tập chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn. Các thành viên đã cùng trao đổi về kỹ thuật biểu diễn, tiếng nói sân khấu, kỹ thuật âm thanh, ánh sáng và hiệu ứng hình ảnh, phương pháp tổ chức thị trường cho một vở diễn, cách tiếp cận và sáng tạo các chương trình giao lưu sân khấu quốc tế cộng hợp nhiều bản sắc văn hóa…
Một trong những nội dung đặc sắc của cuộc hội ngộ liên hoan lần này là việc trao đổi chuyên môn sâu qua các bài tập mẫu của từng trường, giúp các thành viên có thể hình dung ra bức tranh tổng thể của công tác giảng dạy và học tập chuyên ngành sân khấu biểu diễn trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương hiện nay.
Giáo sư Tobias Biancone, Tổng Giám đốc Hiệp hội Sân khấu Thế giới ITI, đồng thời là Chủ tịch mạng lưới Giáo dục và đào tạo toàn cầu của UNESCO, bày tỏ: "Qua các buổi trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ kiến thức và các bài biểu diễn thực hành được tổ chức và dàn dựng rất sáng tạo, tôi nhận ra một Châu Á - Thái Bình Dương với sự giàu có và đa dạng về về văn hóa, đặc biệt là sân khấu biểu diễn. Ngay sau đó, Hiệp hội Sân khấu Thế giới đã lên chương trình thành lập văn phòng tại Thượng Hải và điều này đã làm nên lịch sử khi sân khấu Châu Á - Thái Bình Dương thực sự cần xuất hiện trong toàn cảnh sân khấu thế giới".
Trong thời gian tham dự Liên hoan tại Hà Nội, hơn 140 nghệ sĩ, sinh viên, giảng viên và giáo sư đã có dịp thưởng thức chương trình múa rối nước truyền thống tại Nhà hát Múa rối Thăng Long (Hà Nội). Đồng thời, các thành viên trong đoàn cũng đi thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử, Văn Miếu - Quốc Tử Giám…