Việc dạy và học trực tuyến là vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm chất vấn, khi lo ngại ảnh hưởng đến chất lượng, sự chênh lệch trình độ, các nguy cơ về sức khỏe, tinh thần của cả giáo viên và học sinh khi tiếp tục kéo dài.
Trả lời các ý kiến, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, chúng ta đang test virus nhưng virus dường như cũng đang "test" lại toàn hệ thống giáo dục. Theo ông, qua ứng phó đã thấy được sự tận tụy của hơn 1 triệu giáo viên, cán bộ quản lý.
"Trong dịch bệnh nhưng các thầy cô không kêu ca, không nhiều ý kiến phàn nàn, thậm chí còn sáng tạo vô cùng. Qua đó để thấy nổi lên yếu tố quan trọng: Tinh thần tốt, tận tâm, củng cố thêm cho chúng ta niềm tin vào đội ngũ lãnh đạo và giáo viên" – ông nhìn nhận.
Về phía Bộ GD&ĐT, ông Sơn cho hay cần phải làm tốt hơn trong dạy và học trực tuyến cả về thể chế, quản lý nhà nước và ban hành chính sách. Qua chống chọi dịch bệnh cho thấy sức mạnh của hạ tầng giáo dục đến đâu – là khâu rất yếu cần tăng cường thời gian tới. Dịch bệnh cũng cho thấy kỹ năng của đội ngũ quản lý, nhà giáo, học sinh, đặc biệt là năng lực tự học của HS phải tăng cường lên rất nhiều.
Cũng theo ông, dạy học trực tuyến ảnh hưởng đến việc trang bị kỹ năng, nhất là kỹ năng đòi hỏi việc tương tác, trực quan. Đây là vấn đề mà dạy học trực tuyến khó có thể thay thế được. Cách khắc phục để tăng kỹ năng cho học sinh là khi các em quay lại trường, giáo viên tăng cường củng cố việc thiếu hụt này, trên cơ sở phối hợp giữa nhà trường và gia đình.
Còn nếu dịch còn kéo dài, muốn tăng cường chất lượng thì phải cần giải pháp tổng thể, như hạ tầng CNTT, trang thiết bị, đổi mới chất lượng bài giảng, tăng cường hỗ trợ tâm lý, tư vấn sức khỏe tránh căng thẳng của học sinh, linh hoạt kiểm tra đánh giá định kỳ phù hợp với tình hình học tập…
Về việc dạy học trực tuyến dùng chương trình trực tiếp gây lo ngại chênh lệch trình độ học vấn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản về việc xác định chương trình cốt lõi theo hướng tinh giản để phục vụ dạy trực tuyến trên truyền hình.
"Bộ đã có 2 lần tinh giản, năm nay tiếp tục rà soát thêm, nhưng xác định đây là chương trình cốt lõi chứ không phải mỗi năm rút một ít. Các địa phương đang dạy trực tiếp thì dạy trước các nội dung lõi, nếu tiếp tục an toàn thì quay lại củng cố và mở rộng. Còn nơi nào dạy trực tuyến thì bám theo chương trình cốt lõi này và khi quay trở lại trường sẽ lại củng cố và mở rộng thêm" – ông nói.
Liên quan đến thiết bị dạy học trực tuyến, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu thực tế, hiện có hơn 1,8 triệu học sinh không có thiết bị gì trong tay để học trực tuyến. Có gia đình 2 – 3 anh chị em nhưng chỉ có mỗi 1 điện thoại để học.
"Trước khi quan tâm chất lượng, một trong những vấn đề nóng chúng tôi mong được chia sẻ là trong số các cháu này, thì một phần các cháu đang dần bỏ học vì không học được. Điều này còn cấp bách hơn trước khi chúng ta đánh giá các cháu học như thế nào. Một số nơi duy trì cảm giác học tập được phần nào tốt phần đó, đây là thực tế!"- ông nói.
Chính vì vậy, Bộ GD&ĐT đang tiến hành song song hai đánh giá: việc thực thi học trực tuyến và đánh giá chất lượng dạy học. Ông cho biết, toàn ngành đã huy động hỗ trợ được trên 140.000 máy tính cho học sinh vào tháng 11 tới sẽ hỗ trợ thêm 50.000 máy.
Còn để đánh giá kết quả dạy và học trực tuyến, ông Nguyễn Kim Sơn cho rằng, để có thể đánh giá đầy đủ, cần qua khảo sát khi học sinh quay lại trường. Điều này được Bộ GD&ĐT quán triệt rất kỹ, ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị với yêu cầu rất chặt là tránh gây căng thẳng cho thầy và trò.
"Chúng tôi quán triệt là khi học sinh quay lại trường, đừng lôi các em ra đánh giá rằng đã học được gì trong đầu ngay, đừng căng thẳng quá. Thay vào đó, cần ưu tiên làm cho các em làm quen lại với trường, học cách phòng dịch, lấy lại tâm lý thư thái rồi hãy bắt đầu củng cố kiến thức. Đừng vội đưa vào tay các em các phiếu khảo sát, đánh giá. Với tinh thần này, chúng tôi cho rằng việc "cân đong đo đếm" kiến thức qua học online đến đâu thì câu chuyện này vẫn ở phía trước" – ông nhìn nhận.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn