Vào ngày 19/9, tang lễ Nữ hoàng Anh diễn ra tại Tu viện Westminster. Theo Reuters, sẽ có khoảng 500 vị khách quý đại diện cho hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ khắp thế giới tới London để tiễn đưa vị quân chủ quá cố của nước Anh.
Họ sẽ tham dự cùng Hoàng gia Anh, các đời Thủ tướng đương nhiệm và cựu Thủ tướng Anh trong một sự kiện ngoại giao tầm cỡ nhất trong vài thập kỷ trở lại đây ở Vương quốc Anh. Lần cuối nước Anh tổ chức lễ tang cấp nhà nước là vào năm 1965 cho cựu Thủ tướng Winston Churchill.
"Đây là sự kiện quốc tế tầm cỡ nhất chúng tôi tổ chức trong hàng thập kỷ" - một nguồn tin từ Chính phủ Anh nói, tờ Telegraph dẫn lại.
Nguồn tin đã so sánh nhiệm vụ hậu cần với việc tổ chức "hàng trăm chuyến thăm cấp nhà nước" trong vòng vài ngày. Thông thường, có thể chỉ có 2 hoặc 3 chuyến thăm một năm.
Nó đặt ra một thách thức lớn về hậu cần, ngoại giao và an ninh.
Đáng chú ý, trong số thành phần khách mời sẽ có sự góp mặt của nhiều Hoàng gia khắp thế giới - những người sẽ tới để gửi lời tiễn đưa cuối cùng tới nữ vương trị vì lâu nhất lịch sử Anh và thế giới hiện đại.
Thiên hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako đã có mặt tại London từ hôm 17/9 sau chuyến bay từ Nhật Bản. Đây là chuyến công du đầu tiên của Thiên hoàng Naruhito kể từ khi lên ngôi năm 2019. Trong khi đó, Hoàng hậu Masako cũng chưa ra nước ngoài kể từ lần cuối dự lễ Vua Tonga Tupou VI năm 2015 với vai trò Thái tử phi.
Hoàng gia Nhật vốn không có truyền thống tham dự tang lễ. Lần gần nhất họ tham gia một sự kiện tương tự là vào năm 1993, khi Thượng hoàng Akihito và Thượng hoàng hậu tham dự lễ tang Vua Baudouin của Bỉ.
Các phụ tá của Thiên hoàng cho biết ông có nhiều kỷ niệm gần gũi với Nữ hoàng Anh khi còn là sinh viên Đại học Oxford vào những năm 1980. Ông đặc biệt cảm kích và biết ơn vì sự hiếu khách của bà trong thời gian ở lại Anh.
2 thế hệ Vương thất Tây Ban Nha sẽ tham dự lễ tang của Nữ hoàng: Vua Felipe VI hiện tại và Vưong hậu Letizia, cũng như cha mẹ ông là cựu vương Juan Carlos và phu nhân Sofia.
Trong một bức điện gửi tới Cung điện Buckingham, Vua Felipe nói rằng: "Ý thức trách nhiệm, cam kết và suốt đời phục vụ nhân dân Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland là một tấm gương cho tất cả chúng ta và sẽ vẫn là một di sản mạnh mẽ và có giá trị cho các thế hệ tương lai".
Vua Carl XVI Gustaf và Vương hậu Silvia sẽ tham dự tang lễ ở London và đã đưa ra lời chia buồn sâu sắc về sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II.
"Bà ấy luôn là người thân thương với gia đình tôi và là một liên kết quý giá trong lịch sử gia đình chung giữa chúng tôi", nhà vua viết.
Nhà vua Thụy Điển đã đánh dấu kỷ niệm 49 năm lên ngôi vào tuần này, trong một triều đại được đánh dấu bởi thời kỳ hiện đại hóa - ông đã để con trưởng, Vương nữ Victoria, làm trữ quân, trong khi vai trò đó vốn chỉ dành cho trưởng nam.
Vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde sẽ đại diện cho Bỉ tại lễ tang.
Sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời, họ đã đưa ra một thông điệp: "Chúng tôi sẽ luôn lưu giữ những kỷ niệm đẹp đẽ về người Phụ nữ vĩ đại này, người đã thể hiện phẩm giá, lòng dũng cảm và sự tận tâm. Mỗi cuộc gặp gỡ của chúng tôi sẽ được khắc sâu trong ký ức của chúng tôi mãi mãi".
Nữ vương Margrethe II của Đan Mạch sẽ tham dự tang lễ, chỉ một tuần sau khi kỷ niệm 50 năm trị vì của chính bà, cùng với con trai là Thái tử Frederik.
Nữ vương Margrethe II là em họ đời thứ ba của Nữ hoàng Elizabeth II, và 2 bà đều là hậu duệ Nữ hoàng Victoria và cả Vua Christian X của Na Uy.
Trữ quân Alois và phu nhân Sophie sẽ tham dự tang lễ Nữ hoàng. Ông đồng trị vì Công quốc với cha mình là Vương công Hans Adam II.
Đại công tước Henri và phu nhân Maria sẽ đại diện Luxembourg tham dự tang lễ quân chủ quá cố của Anh.
Thân vương Albert II và Vương phi Charlene sẽ tham dự tang lễ Nữ hoàng. "Sự cam kết kiên định của Nữ hoàng và sự cống hiến cho nghĩa vụ trong suốt thời gian trị vì của bà luôn là nguồn cảm hứng vô cùng lớn. Điều đó sẽ được ghi nhớ và ngưỡng mộ lâu dài", Thân vương Albert II đã viết trong một bức thư gửi Vua Charles III vào tuần trước.
Vua Willem-Alexander và Vương hậu Máxima sẽ tham dự lễ tang ở London, cùng với thân mẫu nhà vua - Cựu Nữ vương Beatrix.
Vua Harald V và Vương hậu Sonja của Na Uy sẽ tham dự lễ tang của Nữ hoàng Elizabeth II, và vương thất Na Uy có mối quan hệ đặc biệt sâu sắc, lâu dài với Hoàng gia Anh.
Quốc vương Jigme và Vương hậu Jetsun sẽ từ Bhutan đến dự lễ tang của Nữ hoàng Elizabeth. Một ngày sau khi Nữ hoàng qua đời, Quốc vương đã "dâng tặng một nghìn chiếc nến bơ" tại Samtse, ở Bhutan, để vinh danh quân chủ quá cố.
Quốc vương và Vương hậu Bhutan chưa bao giờ gặp Nữ hoàng, nhưng đã từng gặp mặt Vua Charles III và Vương hậu Camilla, cũng như vợ chồng Thân vương William trước đây.
Sultan Hassanal Bolkiah trở thành quốc vương tại vị lâu nhất thế giới sau sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth. Ông lên ngôi vào năm 1967, và đã trị vì gần 55 năm. Nữ hoàng Elizabeth và Sultan Hassanal đã gặp nhau nhiều lần trong suốt cuộc đời của bà.
Quốc vương Abdullah II của Jordan sẽ tham dự, theo CNN. Không rõ liệu ông có tham gia cùng vợ của mình, Vương hậu Raina hay không. "Bà ấy đã hướng dẫn tôi rất nhiều, thậm chí chỉ là những mẹo nhỏ", Vương hậu Rania nói về Nữ hoàng Elizabeth. "Vì điều đó, tôi vĩnh viễn biết ơn".
Quốc vương Malaysia Al-Sultan Abdullah Al-Haj của Pahang, Quốc vương thứ 16 của Malaysia, và vợ ông, Tunku Azizah Aminah Maimunah Iskandariah, sẽ đại diện cho Malaysia trong lễ tang của Nữ hoàng Elizabeth, theo Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Datuk Seri Saifuddin Abdullah (theo Malay Mail). Nữ hoàng Elizabeth đã đến Malaysia 3 lần trong suốt thời gian trị vì của bà, vào các năm 1972, 1989 và 1998.
Theo các nguồn tin quốc tế, một số vị quốc vương và thành viên Hoàng gia khác nhau Quốc vương Oman, Vương thất Romania, Alman của Saudi Arabia, Quốc vương Qatar, Quốc vương Tonga, Thái tử Kuwait, Thái tử Morocco, Thái tử Serbia cũng sẽ tham dự lễ tang lần này.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn