Hơn 200 trẻ nhiễm sán: Xét nghiệm không có giá trị, tốn tiền, dân lại hoang mang

12:04 | 18/03/2019;
“Nếu kết quả có dương tính hay không thì cũng không có giá trị gì bởi mục tiêu xét nghiệm để điều trị không có. Vì vậy, người dân nếu không có triệu chứng gì thì không nên xét nghiệm, bởi sẽ làm rối thêm”, bác sĩ Trương Hữu Khanh (BV Nhi Đồng 1, TP.HCM) cho biết.

Liên quan đến vụ việc hàng trăm trẻ ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) bị nhiễm sán lợn, ngày 18/3 trao đổi với PNVN, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (BV Nhi Đồng 1, TP.HCM) cho rằng, phụ huynh không cần cho con đi xét nghiệm, bởi vừa tốn tiền lại thêm lo lắng. Hơn nữa, dù kết quả xét nghiệm có dương tính cũng là bình thường chứ chẳng có gì bất thường.

Theo bác sĩ Khanh, giun sán thì có mặt rất nhiều trong môi trường, như trong đất, trong rau không sạch, trong phân, nước miếng của động vật. Đa phần, giun sán ký sinh trên người vào cơ thể qua đường tiêu hóa hay qua da cũng sẽ di chuyển vào ruột người rồi thải ra môi trường.

 

anh-2.jpg
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi Đồng 1.

Bác sĩ Khanh cũng cho biết, khi giun sán vào cơ thể người, sau một thời gian cơ thể người tự thải ra nhưng xét nghiệm vẫn dương tính dù trong người không có, không còn giun sán nào cả. Hơn nữa, xét nghiệm giun sán rất dễ nhầm. Bởi khi xét nghiệm giun sán người, nhưng giun sán này đã hết và lại ra giun sán khác. Vì vậy, có nhiều trẻ xét nghiệm ra giun sán chó mèo, sán lợn,… Thông thường, chỉ bệnh nhân có dấu hiệu ký sinh trùng xuất hiện ở da như nổi sần, nổi cục trên da, co giật, hôn mê, yếu liệt chi và bác sĩ điều trị nghi ngờ do ký sinh trùng "chạy nhầm đường" mới cho chỉ định xét nghiệm.

 

1-1368-1552798721.jpg
Phụ huynh huyện Thuận Thành đưa con đi xét nghiệm tại Viện Sốt rét- Ký sinh trùng và côn trùng TƯ

Trong trường hợp ở Bắc Ninh, nếu kết quả có dương tính hay không thì cũng không có giá trị gì bởi mục tiêu xét nghiệm để điều trị không có. Nếu xét nghiệm để xác định có phải nhà trường cho trẻ ăn thịt hay không cũng không có giá trị vì không biết trẻ bị hồi nào. Trẻ có thể nhiễm giun sán từ trước khi đi nhà trẻ và nhiễm từ rất nhiều nguồn không chỉ ăn thịt mà có thể nhiễm từ chó, mèo, ăn rau,… Vì vậy, trẻ nhỏ hay người lớn không có triệu chứng gì thì không nên xét nghiệm, bởi sẽ làm người dân hoang mang, lo lắng thêm”, bác sĩ Khanh nói.

Theo bác sĩ Khanh, nếu nghi ngờ ăn phải gì đó mà có thể nhiễm giun sán thì người dân nên uống thuốc tẩy giun mà không cần phải lo lắng. Đối với giun sán thông thường thì dùng albendazol, mebendazol, pyrentel. Trường hợp người dân nghi sán lợn thì dùng Praziquantel hay albendazol.

Tính đến sáng ngày 18/3, đã có hơn 200 trẻ ở huyện Thuận Thành có kết quả dương tính với sán lợn. Trong đó, xét nghiệm tại BV Bệnh Nhiệt đới TƯ cho kết quả là 58 trường hợp.  

Để chủ động phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân:

- Thực hiện ăn chín, uống chín, ăn các thức ăn đã được nấu chín kỹ, chế biến hợp vệ sinh.

- Không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm. Không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống, rau sống không đảm bảo vệ sinh.

 - Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh. Không nuôi lợn thả rông.

 - Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn