Hơn 20.000 tác phẩm tham dự Giải Báo chí Quốc gia trong 17 năm qua

14:58 | 16/11/2023;
Sáng 16/11, tại tỉnh Hòa Bình, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết 17 năm tổ chức Giải Báo chí Quốc gia và Chương trình hỗ trợ Báo chí chất lượng cao. Hội nghị có sự tham gia của đại diện 100 Chi hội Nhà báo trực thuộc của 25 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Hội Nhà báo Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập tại Chiến khu Việt Bắc vào ngày 21/4/1950, đến nay đã có 73 năm trưởng thành và phát triển.

Trải qua 11 kỳ Đại hội, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, sự quản lý và quan tâm của Nhà nước, tổ chức Hội không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng với gần 25.000 hội viên - nhà báo sinh hoạt tại 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 20 Liên Chi hội và 218 Chi hội trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam.

Tại hội nghị, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nhấn mạnh: Trong suốt 73 năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã trở thành "ngôi nhà chung" tập hợp, đoàn kết những người làm báo cả nước, tạo môi trường sinh hoạt nghề nghiệp bổ ích, thiết thực cho các cấp Hội. Trải qua 17 năm tổ chức, Giải Báo chí Quốc gia đã thu hút khoảng hơn 20.000 tác phẩm tham dự trong cả nước. 

Các tác phẩm đoạt giải cao là những tác phẩm có sự đầu tư nghiêm túc, công phu, nhiều cách thức thể hiện sáng tạo, sinh động, hấp dẫn bạn đọc, thể hiện rõ năng lực chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo báo chí. Tuy nhiên, trong bối cảnh khoa học, kỹ thuật ngày càng phát triển, công nghệ làm báo ngày càng đổi mới, đặt ra những yêu cầu, thách thức mới trong quá trình tổ chức Giải.

Hơn 20.000 tác phẩm tham dự Giải Báo chí Quốc gia trong 17 năm qua- Ảnh 1.

Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nguyễn Tuấn

Hội nghị tổng kết 17 năm Giải Báo chí Quốc gia nhằm phân tích, đánh giá kết quả đạt được qua 17 năm tổ chức Giải, cũng như những khó khăn, vướng mắc và những bất cập hiện nay trong quá trình tổ chức Giải, để từ đó đặt ra những đề xuất, giải pháp nhằm đổi mới hoạt động của Giải nhằm phù hợp với xu thế chuyển đổi số, nâng cao hơn nữa vị thế của Giải chuyên ngành lớn nhất cả nước.

Đánh giá về Giải báo chí Quốc gia, GS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết: So với thực tế phát triển mạnh mẽ của báo chí cùng sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, so với yêu cầu cao hơn đối với báo chí trong tình hình mới thì Giải báo chí Quốc gia với tư cách là một động lực thúc đẩy sự phát triển của báo chí nước ta vẫn còn tồn tại những hạn chế.

Ngày nay, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngày 6/4/2023 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Giải báo chí Quốc gia cũng cần bắt kịp xu hướng quan trọng và cấp thiết này.

Hơn 20.000 tác phẩm tham dự Giải Báo chí Quốc gia trong 17 năm qua- Ảnh 2.

Chương trình Tọa đàm diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung làm rõ các kết quả nổi bật cũng như những vướng mắc trong quá trình triển khai tham dự Giải Báo chí Quốc gia hằng năm; đề xuất các giải pháp nhằm đổi mới nhằm nâng cao chất lượng của Giải, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Đồng thời, các đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến đánh giá kết quả 1 năm thực hiện Chương trình hỗ trợ chất lượng cao giai đoạn mới, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả chương trình hỗ trợ các tác phẩm báo chí chất lượng cao trong các năm 2023, 2024.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn