Thông tin trên được PGS.TS Nguyễn Đức Anh, giảng viên Bộ môn Mắt (Trường Đại học Y Hà Nội) cho biết tại hội thảo “Những trường hợp khó trong việc khám và điều trị tật khúc xạ ở trẻ em” do BV Mắt Hà Nội 2 tổ chức chiều 10/5.
Theo thống kê của Viện thị giác Brien Holden tại Việt Nam thực hiện năm 2015, tỷ lệ bị khúc xạ tại Việt Nam chiếm từ 15% đến 40% dân số, trong đó, trẻ em từ 6 đến 15 tuổi ở thành thị mắc các tật khúc xạ cao hơn ở nông thôn. Cụ thể, tỷ lệ mắc tật khúc xạ của trẻ ở thành thị từ 25% đến 40% và ở nông thôn từ 10% đến 15%.
Tùy theo từng tật khúc xạ mà các bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị khác nhau. Tuy nhiên, ở giới trẻ, hầu hết các em mắc một trong 3 tật khúc xạ là cận thị, viễn thị, loạn thị.
Cận thị là trường hợp mắt nhìn xa mờ, nhìn gẫn bình thường. Viễn thị mắt có thể mờ hay không mờ tùy theo độ viễn thị còn loạn thị là trường hợp mắt nhìn mờ, có thể kèm theo hình ảnh biến dạng.
Mắt có tật khúc xạ sẽ gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt, ảnh hưởng học tập, thậm chí gây ra rối loạn khác ở mắt: bị lác, nhược thị. Những dấu hiệu của tật khúc xạ có thể là xem tivi hay sách báo phải lại gần mới thấy, học sinh ngồi học không đọc được chữ, hay nheo mắt khi nhìn, kết quả học tập, lao động giảm,…
“Dấu hiệu của tật khúc xạ nhiều khi không rõ ràng khiến cho nhiều người chủ quan, không đi khám để được phát hiện và điều trị sớm”, bác sĩ Đức Anh cho biết.
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, trẻ em cần được kiểm tra mắt sớm để phát hiện tật khúc xạ, điều chỉnh kính kịp thời. Nếu được điều chỉnh kính phù hợp mắt được nhìn rõ hơn, có sự phối hợp 2 mắt tốt, tránh nguy cơ có thể xảy ra trong tương lai.
Với những trường hợp trên 18 tuổi, khi độ tật khúc xạ ổn định, bệnh nhân có thể lựa chọn phương pháp điều chỉnh tật khúc xạ vĩnh viễn là phẫu thuật.