Hơn 300 cán bộ, thanh tra xây dựng tại TP.HCM bị xử lý kỷ luật

15:54 | 30/07/2019;
Số liệu của Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM cho thấy, trong những năm gần đây, đã có trên 300 trường hợp cán bộ, công chức, thanh tra xây dựng trên địa bàn thành phố bị xử lý về hành vi công vụ.
Ngày 30/7, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị “Xây dựng Đề án tổng thể các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố”.
 
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, trong năm 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, tổng số công trình xây dựng không phép là 3.503 trường hợp, trong đó số công trình không đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng 2.573, chiếm tỉ lệ 73,73,5%. Các hành vi vi phạm phổ biến trong trường hợp này là xây dựng trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trên đất không được phép xây dựng.
 
Sở Xây dựng TP.HCM đánh giá, một trong những nguyên nhân là do một số cán bộ, công chức được phân công quản lý trật tự xây dựng tại địa phương chưa thể hiện hết tinh thần trách nhiệm đối với nhiệm vụ được phân công; chưa bám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình địa bàn. Không loại trừ yếu tố tiêu cực liên quan đến công chức, viên chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng.
 
Theo Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM, trong thời gian qua, trên địa bàn thành phố, công tác vi phạm về trật tự xây dựng xảy ra nhiều ở các địa phương. Bên cạnh sự yếu kém, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, của các cán bộ quản lý trật tự xây dựng thì dự luận vẫn cho rằng hành vi tham nhũng của các cán bộ quản lý trật tự xây dựng cũng là một trong những nguyên nhân chính của việc vi phạm về trật tự xây dựng diễn ra tràn lan tại các địa phương.
 
Số liệu của Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM cho thấy, trong những năm gần đây, đã có trên 300 trường hợp cán bộ, công chức, thanh tra xây dựng vị xử lý về hành vi công vụ. Trong đó, có nhiều trường hợp bị cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc và 1 trường hợp bị phát hiện, xử lý về hành vi tham nhũng.
 
 
hoi-nghi.jpg
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng lãnh đạo TP.HCM dự hội nghị.

 

Ông Trần Phú Lữ, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh (TP.HCM) cho biết, thực tế trên địa bàn, nhu cầu về nhà ở từ 40-60m2 là rất cao. Có tình trạng do yếu tố lợi nhuận cao nên có tình trạng đầu nậu tổ chức thực thực hiện phân lô, bán nền trái phép để bán. Thông qua các hình thức như chuyển nhượng bằng giấy tay, lập vi bằng.
 
Cũng theo Lữ, có tình trạng một số cán bộ địa chính chậm kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm ngay từ đầu. “Có trường hợp kiểm tra, điều tra thì có phát hiện bao che của cán bộ tổ, ấp, cán bộ địa chính xã nên số vụ việc vi phạm xảy ra nhiều”, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh nhấn mạnh.
 
Bà Đỗ Thị Lâm Tuyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn (TP.HCM) cho biết, việc xử lý các vụ vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn trong thời gian qua gặp phải một số khó khăn. Trong đó, có việc chủ đầu tư xin phép cấp giấy phép nhà ở riêng lẻ, bản vẽ thiết kế đều có bố trí các phòng chức năng. Tuy nhiên khi xây dựng thì không có phòng chức năng, không ngăn vách để biến thành nhà xưởng.
 
Theo bà Tuyền, việc cưỡng chế đối với các công trình này gặp khó khăn do các xã cho rằng không thực hiện được. Tuy nhiên, UBND huyện áp dụng cưỡng chế bằng cách đề nghị UBND các xã xây dựng kế hoạch, thực hiện bằng cách xây luôn phần có trong giấy phép xây dựng và đề nghị chủ đầu tư thanh toán chi phí phát sinh.
 
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP.HCM đặt  câu hỏi tại sao việc xây dựng không phép, trái phép vẫn tồn tại và cho rằng, nguyên nhân là việc này có lợi cho một số đối tượng. Trong đó, “cò” có lợi; người dân có nhu cầu về nhà ở cũng có lợi nên không phản đối. Cán bộ, công chức vi phạm nếu không xử lý theo luật pháp thì cũng sẽ tiếp tục sai phạm. Phải làm thế nào để những người vi phạm pháp luật đều bị bất lợi chứ không phải có lợi.
 
Theo ông Nhân, nếu người dân có nhu cầu về nhà ở thì phải tiến hành ra soát lại để giúp những người dân có điều kiện hợp pháp có thể tiến hành xây dựng nhà ở. Bên cạnh đó, phải đảm bảo nhà cho thuê, nhà trọ để đáp ứng chỗ ở tạm thời cho người dân. Và có chương trình nhà ở dài hạn cho người dân.
 
Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh, những người  có trách nhiệm, không làm tốt trong vấn đề trật tự xây dựng phải bị xử lý. Cán bộ, công chức vi phạm và những đầu nậu xây dựng không phép, trái phép cũng phải bị xử lý.
 
Bí thư Thành ủy T.HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng yêu cầu thành phố phải có hướng xử lý, giải pháp rõ ràng đối với những công trình đã xây dựng không phép, trái phép đang tồn tại. Còn đối với những công trình xây dựng không phép, trái phép mới phát sinh thì phải xử lý ngay, không để kéo dài.
 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn