Tại sự kiện, hàng trăm trẻ tự kỷ đã được tham gia nhiều trò chơi nhằm giúp các em phát triển các giác quan và kỹ năng, như đưa bóng vào lỗ, xỏ dây, thả cá vào bể, trang trí dâu tây, xâu hạt, tha mồi về tổ….
Các môn thể thao tại sự kiện như: bóng chày, khúc côn cầu, bóng đá và bật xa do Sở VH-TT tổ chức cũng thu hút sự hào hứng tham gia của các em.
Trước đó, vào sáng ngày 6/11, giải bơi dành cho trẻ tự kỷ nằm trong khuôn khổ chương trình đã được tổ chức tại hồ bơi Yết Kiêu, quận 1, TPHCM.
Sự kiện này không chỉ có ý nghĩa với các gia đình tham gia khi trẻ tự kỷ được kết nối với bạn bè và tăng cường các kỹ năng xã hội, mà còn góp phần nêu lên tầm quan trọng của các giáo viên, nhà thực hành và chuyên viên can thiệp trong việc hỗ trợ cộng đồng tự kỷ.
Với mục đích tri ân các giáo viên và chuyên viên trong lĩnh vực tự kỷ, buổi lễ cũng đã ghi nhận công lao của các nhà thực hành trong việc hỗ trợ trẻ em tự kỷ hòa nhập và phát triển tiềm năng của mình. Hơn 50 món quà tri ân đã được trao cho các giáo viên, chuyên gia, và bác sĩ tại sự kiện này.
Bà Phạm Thị Kim Tâm, Chủ tịch VAN, chia sẻ: "Hằng năm, VAN đều tổ chức sự kiện dành cho trẻ em tự kỷ và sự kiện năm nay diễn ra vào tháng 11 với chủ đề Tri ân các nhà giáo và nhà thực hành trong lĩnh vực tự kỷ. Chúng tôi hiểu rằng, hành trình của mỗi em bé tự kỷ không chỉ có cha mẹ, ông bà, mà còn có sự đồng hành của rất nhiều bác sĩ, chuyên viên và thầy cô giáo. Qua sự kiện này, chúng tôi cũng hy vọng trẻ em rối loạn phổ tự kỷ sẽ có nhiều sân chơi phù hợp hơn dành cho mình. Xã hội sẽ hiểu và đồng cảm hơn với cộng đồng tự kỷ đa sắc màu".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn