Hơn 50.000 lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài năm 2018

15:00 | 11/01/2019;
Trong năm 2018, cả nước có hơn 142.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài thì có tới hơn 50.000 lao động nữ. Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong thời gian tới sẽ giảm dần đưa lao động đi làm tại các thị trường có nhiều rủi ro.

Theo Cục Quản lý Lao động ngoài nước, năm 2018, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 142.860 lao động; trong đó có 50.292 lao động nữ; tăng 06% so với năm 2017 (năm 2017, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 134.751 lao động).

Các thị trường thu hút đông lao động nữ nhất là các nước Nhật Bản với 27.610 lao động nữ; Đài Loan với 19.273 lao động nữ; Ả rập Xê út có 1.679 lao động nữ; Hàn Quốc 736 lao động nữ…

Năm 2018 là năm thứ năm liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt ngưỡng 100.000 lao động/năm. 

Ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, cho biết: Nhật Bản có sự tăng trưởng vượt bậc trong năm 2018 với trên 68.000 lao động, chiếm gần 50% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài);  nâng tổng số thực tập sinh Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản lên hơn 140.000 người.

Nhật Bản có nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam ngày càng tăng, đa dạng về ngành nghề. Đặc biệt, một số ngành nghề mới mà lao động nữ Việt Nam đáp ứng tốt như điều dưỡng, hộ lý và lao động trong một số lĩnh vực nông nghiệp.

dieudong-1492408521193.jpg
Đào tạo điều dưỡng, hộ lý đi làm việc tại Nhật Bản

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Cục Quản lý Lao động ngoài nước diễn ra mới đây, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: Nhiệm vụ năm 2019 là đưa được 120.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài và tập trung vào các thị trường có thu nhập cao. Cùng với đó, cần lựa chọn thị trường và phải giảm dần những thị trường rủi ro. “Đặc biệt là phải thống nhất nguyên tắc đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phải qua tổ chức; đồng thời phải có đơn vị và tổ chức hỗ trợ kịp thời người lao động nếu xảy ra rủi ro”, ông Diệp nói.

Đồng thời nâng cao chất lượng nguồn lao động ngay từ khâu đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng tay nghề, giáo dục định hướng cho lao động trước khi đưa đi làm việc tại nước ngoài, vừa đảm bảo tính thu nhập, cạnh tranh. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn