Kể từ khi chính quyền Taliban lên tiếp quản Afghanistan, nhiều hạn chế đã được đặt ra, đặc biệt đối với phụ nữ. Các chuyên gia dự đoán, vào giữa năm nay, số người thất nghiệp sẽ tăng lên khoảng 700.000 người hoặc thậm chí là 900.000 người. Đây là ảnh hưởng nặng nề của tình trạng khủng hoảng kinh tế và những hạn chế đối với phụ nữ tham gia vào các ngành nghề.
Tỷ lệ phụ nữ làm việc tại Afghanistan vốn đã rất thấp so với tiêu chuẩn toàn cầu. Tuy nhiên, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết, tỷ lệ phụ nữ tại nơi làm việc đã giảm 16% trong quý 3 năm 2021 và có thể giảm 21% đến 28% vào giữa năm 2022.
Ramin Behzad, Điều phối viên cấp cao của Tổ chức Lao động Quốc tế về Afghanistan, cho biết: “Tình hình ở Afghanistan rất nghiêm trọng và cần hỗ trợ cấp bách để ổn định và phục hồi. Mặc dù ưu tiên là đáp ứng các nhu cầu tức thời, việc phục hồi lâu dài và toàn diện sẽ phụ thuộc vào khả năng người dân được tiếp cận với việc làm, sinh kế và các dịch vụ cơ bản”.
Một số lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bao gồm nông nghiệp, xây dựng và các ngành khác. Nhiều người lao động rơi vào cảnh bị cho thôi việc hoặc không được trả lương. Trong lĩnh vực xây dựng, khoảng 580.000 lực lượng lao động (99% là nam giới) bị ảnh hưởng nặng nề khi các công trình bị trì hoãn.
Tình trạng thiếu việc làm cũng đe dọa trực tiếp đến tỷ lệ lao động là trẻ em ở Afghanistan, đất nước vốn chỉ có 40% trẻ em từ 5 đến 17 tuổi đi học. Theo báo cáo từ ILO, Afghanistan hiện có khoảng 770.000 trẻ em trai và khoảng 300.000 trẻ em gái tham gia vào lực lượng lao động. Đặc biệt, trẻ em ở những khu vực nông thôn bị ảnh hưởng nặng nề hơn cả khi tình trạng kinh tế rơi vào khó khăn và con đường học tập dường như bị các chính sách mới của Taliban ngăn cản.
Bên cạnh những rào cản khi nền kinh tế rơi vào tình trạng khó khăn, điiều kiện y tế và các vấn đề an toàn khác đối với trẻ em nói chung và trẻ em gái nói riêng cũng đặc biệt ảnh hưởng. Thực tế các bệnh viện quá tải và nhân viên y tế không được trả lương đã khiến nhiều trẻ em rơi vào cảnh bị đe dọa sức khỏe.
Hơn nữa, nhiều gia đình tại Afghanistan đã chật vật để duy trì nguồn sống cho cả gia đình. Đã không ít trường hợp cha mẹ phải dứt ruột bán con để đổi lấy lương thực, nhu yếu phẩm nuôi sống các thành viên khác. Ngoài ra, nhiều gia đình đã phải gả con gái cho các nhà khác trong vùng để đổi lại sính lễ, như một "nguồn thu" nuôi sống gia đình.
Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho biết, 1/3 dân số Afghanistan đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực với 8,7 triệu người đang phải đối mặt với nạn đói ở mức "khẩn cấp". Hơn nữa, 2/3 số trẻ em của đất nước cần nguồn viện trợ lương thực để tồn tại.
WFP cho biết, suy dinh dưỡng cấp tính đã vượt ngưỡng khẩn cấp ở 25 trong số 34 tỉnh và ước tính có khoảng 2 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng trên khắp Afghanistan. Tình hình dự kiến sẽ còn tồi tệ hơn khi người dân tiếp tục đối mặt với hạn hán, đại dịch và xung đột.
Để hỗ trợ người dân Afghanistan trong năm nay, các ưu tiên hàng đầu của LHQ là cung cấp hỗ trợ cứu sinh, duy trì các dịch vụ thiết yếu và duy trì các khoản đầu tư xã hội và hệ thống cấp cộng đồng, những thứ cần thiết để đáp ứng các nhu cầu cơ bản của con người.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn