Lâm Đồng là tỉnh miền núi thuộc Nam Tây Nguyên với diện tích tự nhiên 9.773 km²; có 12 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 10 huyện và 02 thành phố); có 142 đơn vị hành chính cấp xã và 1.376 thôn, tổ dân phố; trong đó có 01 huyện nghèo, 35 xã, 77 thôn đặc biệt khó khăn thuộc chương trình 135. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn tỉnh đã có 2 huyện và 99 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Theo chuẩn hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020, số hộ nghèo toàn tỉnh là 20.094 hộ, chiếm tỷ lệ 6,67% (trong đó hộ nghèo người dân tộc thiểu số là 12.487 hộ, chiếm tỷ lệ 19,11%); số hộ cận nghèo là 15.443 hộ, chiếm tỷ lệ 5,12% (trong đó hộ cận nghèo người dân tộc thiểu số là 7.160 hộ, chiếm tỷ lệ 10,96%).
Trong năm 2019 và 10 tháng năm 2020, kinh tế Lâm Đồng tiếp tục tăng trưởng ổn định so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên cây trồng diễn biến khá phức tạp, giá cả một số nông sản chủ yếu xuống thấp; đời sống của nhân dân vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn; đặc biệt trong năm 2020 do ảnh hưởng chung của dịch bệnh Covid-19, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ bị ảnh hưởng rõ rệt đời sống của nhân dân vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn. Trong điều kiện chung của tỉnh và những thuận lợi, khó khăn trên, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách năm 2019 và 10 tháng năm 2020 đạt hiệu quả.
Cụ thể, nguồn vốn tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện đã tạo điều kiện cho 59.219 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, với số tiền 1.981.338 triệu đồng đồng. Nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách được bổ sung tăng qua các năm và đa dạng về đối tượng thụ hưởng đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thông qua vay vốn tín dụng chính sách xã hội, đã tạo điều kiện cho 2.567 hộ nghèo, 6.318 hộ cận nghèo và 9.835 hộ mới thoát nghèo được vay vốn; tạo việc làm và tăng thêm việc làm cho 4.752 lao động, 36 lao động đi làm việc ở nước ngoài, tạo điều kiện cho 5.749 lượt học sinh, sinh viên vay vốn trang trải chi phí học tập, giúp cho 19.660 hộ gia đình tại vùng nông thôn xây dựng công trình nước sạch và nhà vệ sinh hợp chuẩn, 702 hộ nghèo làm nhà ở, qua đó đã góp phần giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đánh giá về công tác phối hợp giữa NHCSXH và Tổ chức Hội nhận Ủy thác, ông Nguyễn Văn Há, Chủ tịch xã ĐamB’ri cho biết: ĐamB’ri là xã vùng ven của thành phố Bảo Lộc, có tổng dân số 3.049 hộ, 14 thôn. Đại bộ phận người dân sống bằng nghề nông nghiệp. Năm 2020, xã có 25 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 0,82%, 45 hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 1,48%.
Để nguồn vốn tín dụng đến được với các hộ nghèo, cận nghèo, các hội đoàn thể trong thời gian qua đã thực hiện tốt việc triển khai các chương trình chính sách tín dụng ưu đãi tại địa bàn, đã chỉ đạo thành lập tổ TK&VV, xét duyệt danh sách cho vay, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, duy trì việc họp giao ban với NHCSXH thành phố để nhận xét đánh giá những việc làm được, đồng thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Các tổ chức hội đã lập chương trình kiểm tra giám sát vốn nhận ủy thác trong năm và gửi Ngân hàng để phối hợp thực hiện. Kết quả kiểm tra giám sát năm 2019 được 24 lượt tổ TK&VV, 145 lượt hộ; 10 tháng năm 2020 kiểm tra giám sát được 24 lượt tổ TK&VV, 125 lượt hộ, đạt tỷ lệ quy định tại hợp đồng ủy thác. Hội đoàn thể nhận ủy thác trực tiếp kiểm tra sử dụng vốn sau khi vay đạt 416 món/416 món trong năm 2019 và 264 món/264 món trong năm 2020.
Nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH thông qua các Tổ chức Hội nhận Ủy thác nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo
Nhờ nguồn vốn chính sách mà nhiều gia đình tại xã đã đến được với những hoàn cảnh cần giúp đỡ. Tiêu biểu như chị Võ Thị Thu (sinh năm 1977). Chồng mất sớm, một mình chị Thu phải nuôi bốn con nhỏ. Cháu lớn nhất sinh năm 1997 bị liệt hai chân. Cháu thứ hai sinh năm 1998. Hai cháu út sinh năm 2000. Để ổn định cuộc sống, chị Thu đã vay 50.000.000 đồng từ chương trình vay hộ cận nghèo của NHCSXH để chăn nuôi bò sinh sản với hạn trả nợ đến tháng 3/2025. Đồng thời, chị cũng vay 12.000.000 từ chương trình vay nước sạch vệ sinh môi trường để xây nhà vệ sinh. Hạn trả nợ đến 2/2022. Số vốn này đang phát huy hiệu quả đối với gia đình chị.
Làm việc với Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Lâm Đồng, bà Đỗ Thị Thu Thảo, Trưởng đoàn kiểm tra, giám sát của HĐQT NHCSXH năm 2020 đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Lâm Đồng trong công tác đưa đồng vốn chính sách về với bà con vùng khó khăn trên địa bàn. Thông qua phối hợp chặt chẽ trong công tác ủy thác giữa NHCSXH và 4 tổ chức xã hội bao gồm: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên, vai trò thành viên Ban đại diện đã phát huy hiệu quả tích cực để đồng vốn chính sách được đưa đến đúng đối tượng, đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích và không có nợ bị xâm tiêu, chiếm dụng. Đoàn công tác sẽ tiếp thu các kiến nghị từ địa phương để tiếp tục có những đề xuất, tham mưu để Trung ương điều chỉnh, bổ sung và ban hành những chính sách tín dụng phù hợp.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn