Hơn 6.000 người dự Đại lễ tưởng niệm 906 năm Ni sư Diệu Nhân viên tịch

19:11 | 27/10/2019;
Ngày 27/10, Đại lễ tưởng niệm 906 năm Ni sư Diệu Nhân viên tịch cùng chư vị Tổ sư Ni tiền bối hữu công đã được tổ chức tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội với sự tham dự của hơn 6.000 tăng ni, Phật tử.

Đại lễ tưởng niệm 906 năm Ni sư Diệu Nhân viên tịch cùng chư vị Tổ sư Ni tiền bối hữu công do Phân ban Ni giới TƯ phối hợp với Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội và Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tổ chức. Tới dự Đại lễ có bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Ban chấp hành TƯ Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam; ông Ngô Sách Thực, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam; ông Bùi Thanh Hà, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tôn giáo Chính phủ và đại diện các cơ quan chức năng, ban ngành Trung ương và địa phương. 

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thi Doan cùng các đại biểu tham dự Đại lễ 
 

Tại Đại lễ, các chư tôn đức giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đại biểu và hơn 6.000 Phật tử đã cùng dâng hương tưởng niệm và ôn lại cuộc đời, đức độ, quá trình tu hành của ni sư Diệu Nhân trong việc lan tỏa đạo lý, đức hạnh tốt đẹp tới các Phật tử, khẳng định những đóng góp to lớn của nữ Phật tử trong việc phát triển Phật giáo tại Việt Nam.

Ni trưởng Thích Đàm Nghiêm, Phó trưởng ban Thường trực Phân ban Ni giới Trung ương, Trưởng ban Tổ chức Đại lễ cho biết: Ni sư Diệu Nhân, thế danh Lý Ngọc Kiều, sinh năm 1042 tại Thăng Long, thuộc Hoàng tộc nhà Lý, là trưởng nữ của Phụng Kiền Vương - Lý Nhật Trung, cháu nội của vua Lý Thái Tông, vua Lý Thánh Tông nhận làm con nuôi, được nuôi dạy từ nhỏ trong Hoàng cung và phong là Thụy Thánh công chúa. Công chúa sống thuần hậu, ngôn hạnh đoan trang, kính tín Phật pháp, thuận tòng bề trên, ai cũng mến mộ yêu quý. 

Đến tuổi trưởng thành, Lý Ngọc Kiều được vua cha đem gả cho người họ Lê làm Châu mục châu Chân Đăng (nay thuộc các huyện Tam Nông, Thanh Thủy, Thanh Sơn tỉnh Phú Thọ) nhằm cố kết nhân tâm, đoàn kết các châu mục vùng núi và đồng bào các dân tộc thiểu số. Đây là việc thường làm, là “quyền lực mềm” của lịch triều đế vương Đại Việt, nhằm giữ yên vùng phên dậu của quốc gia, tạo cảnh thái bình thịnh trị lâu bền cho đất nước.

 

Khu vực chính tổ chức Đại lễ 
 

Chồng mất sớm, bà thủ tiết, quyết không tái giá, dốc hết tư trang gia sản, bố thí dân nghèo vùng khó, xuất gia tầm sư học đạo, cứu độ quần sinh. Bà được Thiền sư Chân Không (1046-1100) thuộc thế hệ thứ 16 dòng Thiền Tì Ni Đa Lưu Chi nhận làm đệ tử, đặt Pháp danh Diệu Nhân.

Ni sư Diệu Nhân nhất tâm học hỏi những điều tâm yếu Phật pháp, chuyên tâm hành thiền, trở thành bậc mẫu mực trong hàng Ni giới triều Lý, là người được nối pháp, đứng đầu thế hệ thứ 17 dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi - 1 trong 3 dòng Thiền có ảnh hưởng nhất đương thời.

 

Các tăng ni và đại biểu, Phật tử tưởng niệm Ni sư Diệu Nhân 
 

Phát biểu tại Đại lễ, ông Bùi Thanh Hà - Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, với truyền thống gắn bó đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo đã tiếp biến, hòa quyện vào đời sống dân gian, trở thành một thiết chế tâm linh không thể thiếu trong đời sống người dân nước Việt.

Những triết lý, giáo lý và giá trị đạo đức tốt đẹp của Phật giáo đã ăn sâu vào hệ tư tưởng và biểu hiện thành những nếp sống, thói quen sinh hoạt xã hội. Những quan điểm “từ bi”, “hỷ xả”, “vô ngã vị tha”... của Phật giáo đã gặp gỡ với tính trọng nghĩa, bao dung của người Việt. Đó là điều kiện tốt nhất để Phật giáo đóng góp vào việc giữ gìn phong tục tập quán dân gian trong đời sống văn hóa, xã hội Việt Nam ngày một bền vững và tốt đẹp.

 

BTC Đại lễ tặng 100 triệu cho Quỹ Khuyến học
 

Cũng tại Đại lễ, BTC đã tặng 100 triệu đồng cho Quỹ Khuyến học. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam thay mặt Hội nhận món quà này.

 

Các Phật tử đến dự Đại lễ tưởng niệm Ni sư Diệu Nhân 
 

Trước đó, vào ngày 26/10, cuộc hội thảo với chủ đề “Nữ Phật tử với Phật giáo Việt Nam” đã được tổ chức với sự tham gia của đông đảo các nhà nghiên cứu tôn giáo nhân dịp tưởng niệm 906 năm Ni sư Diệu Nhân viên tịch. Đây là dịp để khẳng định năng lực tu hành giác ngộ giải thoát của Nữ giới Việt Nam, đồng thời ghi nhận tôn vinh những đóng góp lớn lao, thiết thực của nữ giới trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, qua đó nêu bật lên vai trò vị trí, cũng như những đóng góp quý báu mà nữ giới đã cống hiến cho sự nghiệp phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn