Hơn 6.000 người vượt đường mưa lũ dự lễ Vu lan

10:50 | 16/08/2016;
Mặc dù trời mưa to và đường ngập vì lũ nhưng vẫn có hơn 6.000 Phật tử đã vừa hành hương về Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên dự Đại lễ cầu siêu nhân mùa Vu lan 2016.
Khoá lễ cầu siêu tại Đại Bảo tháp Tây Thiên (xã Đại Đình, Tam Đảo, Vĩnh Phúc) diễn ra vào đúng ngày mưa to gió lớn. Tuy nhiên, từ sáng đến tối muộn, các nghi lễ như tụng kinh Mục Liên sám Pháp, khai thị của quý Thầy về ý nghĩa cầu siêu, khoá lễ triệu thỉnh Phật A di Đà, cúng dàng đèn hoa đăng, cầu siêu quán đỉnh Jangwa… đã diễn ra với sự tập trung, tâm thành của đông đảo chư tăng, ni và đại chúng Phật tử tham dự.
 Các nghi lễ diễn ra trong tâm thành và trang nghiêm. 
Tại khóa lễ, sư thầy Thanh Tịnh đã có bài giảng: “Trong Đạo Phật chữ hiếu là hạnh lành, đứng đầu muôn hạnh, là cội rễ của mọi điều thiện. Trong văn hóa người Việt, tâm hiếu thảo là di sản tâm linh trân quý cần được gìn giữ. Việc báo hiếu đối với cha mẹ, không chỉ ở kiếp này mà còn ở nhiều kiếp khác. Ngày xưa, Đức Phật đã từng nhiều lần dạy “Này các Tỳ kheo, có hai người mà ta không thể trả ơn đó là chính là cha và mẹ”. Ngày nay, sự hiếu nghĩa của con cái đối với cha mẹ không chỉ thể hiện trong sự chăm sóc dưỡng nuôi mà còn là tình yêu thương, kính yêu để cha mẹ được vui vẻ an hưởng tuổi già".
Ngoài ra, theo tín ngưỡng, rằm tháng Bảy cũng là ngày xá tội vong nhân. Vì vậy, trong khóa lễ, sư thầy Thanh Tịnh cũng đã giảng giải về ý nghĩa và thực hành các nghi thức của khóa cầu siêu: Không đốt vàng mã; Phật tử ngồi đọc kinh, sám hối, nhất tâm cầu nguyện; Nương lòng từ bi của chư Phật cùng giải thoát cho vong linh cô hồn vất vưởng...
Hàng nghìn suất cơm chay được chuẩn bị trong dịp lễ.
Là Phật tử đến từ Hải Phòng, bác Vũ Thị Bích (61 tuổi) đã có gần 20 năm tình nguyện nấu cơm chay tại Tây Thiên dịp Vu lan chia sẻ: “Từ bài giảng của thầy cho chúng tôi hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa của ngày lễ Vu lan. Việc báo hiếu không nằm ở cơm cỗ hay những bộ quần áo giấy, vàng mã, ngựa xe. Những việc này thiết nghĩ chỉ để thỏa mãn nhu cầu của người sống hơn là người đã mất. Từ bát cơm Mục Kiền Liên dâng cúng cho mẹ, mỗi người hãy tự biến bát cơm xưa thành nghiệp tốt bằng cách làm những điều tốt và tránh không làm việc xấu. Đây là cách báo hiếu cha mẹ, cách tu nhân tích đức có ý nghĩa sâu sắc hơn cả”.
 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn