Hơn 70 người phải giám sát vì cúm gia cầm

18:38 | 02/03/2017;
Dịch cúm gia cầm - cúm A/H5N1 đã bùng phát tại nhiều địa phương trong cả nước. Loại cúm này có thể lây sang người nên cơ quan chức năng đã phải lập danh sách theo dõi và giám sát hơn 70 người tại vùng dịch Nam Định.
Chiều tối ngày 2/3, trao đổi với PNVN, BS Đỗ Đức Lưu, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Nam Định, xác nhận, địa phương đang giám sát hơn 70 trường hợp có nguy cơ tại vùng dịch cúm gia cầm-cúm A/H5N1, gồm: Các hộ chăn nuôi có gia cầm ốm, chết và những người thực hiện nhiệm vụ trong vùng dịch, tham gia tiêu hủy gia cầm…

Theo đó, những trường hợp này được hướng dẫn thực hiện các biện pháp an toàn phòng ngừa dịch cúm lây truyền từ gia cầm sang người; cơ quan y tế lập danh sách theo dõi, báo cáo sức khỏe hằng ngày.

“Tại Nam Định chưa phát hiện trường hợp nào bị nhiễm cúm A/H5N1. Tuy nhiên, địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để ứng phó kịp thời với mọi tình huống xảy ra”, BS Lưu nói.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định, từ đầu năm 2017 đến nay, dịch cúm gia cầm đã bùng phát ở 8 hộ chăn nuôi của 3 xã thuộc huyện Vụ Bản và Trực Ninh, với tổng số gia cầm phải tiêu hủy lên tới trên 9.100 con. Hiện Nam Định còn 5 ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm tại các hộ chăn nuôi ở xã Trực Thuận (huyện Trực Ninh) chưa qua 21 ngày.
ttxvn_thay_doi_chung_cum.jpg
Cơ quan chức năng đang nỗ lực ngăn chặn cúm A/H5N1 lây từ gia cầm sang người
Vì vậy, Sở Y tế tỉnh Nam Định đã có công văn gửi các địa phương, đơn vị, phòng y tế các huyện, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp tại các cơ sở y tế và cộng đồng. Đặc biệt, lưu ý các trường hợp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm ốm, chết để giám sát kịp thời.

Không chỉ tại Nam Định, hiện nhiều địa phương trong cả nước đã xuất hiện dịch cúm gia cầm, như Bạc Liêu, An Giang,  Sóc Trăng, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ngãi… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, cùng các cơ quan chức năng đang thực hiện các giải pháp ngăn ngừa dịch bệnh lây lan từ gia cầm sang người. Theo Bộ Y tế, cúm A/H5N1 trên người, có thể xuất hiện ở nhiều địa phương trong thời gia tới.

Theo TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cúm A/H5N1 là bệnh truyền nhiễm cấp tính đặc biệt nguy hiểm, do virus cúm type A, chủng H5N1 gây ra. Bệnh lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp với gia cầm và chất thải của gia cầm nhiễm bệnh; ăn tiết canh, sản phẩm gia cầm nhiễm bệnh... Vì thế, mọi người dân, kể cả ở các đô thị cũng có thể nhiễm bệnh.

Khi bị cúm A/H5N1, người bệnh có biểu hiện sốt cao liên tục trên 39 độ C, đau đầu; đau mỏi cơ, đặc biệt là đau tăng khi ho; đau họng, viêm màng kết, buồn nôn. Ngoài ra, bệnh nhân có thể tức ngực, tim đập nhanh, nhịp thở thanh, dần dần bệnh nhân bị suy hô hấp dẫn đến suy đa phủ tạng. Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời sẽ dẫn đến viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp, suy các phủ tạng và tử vong. Tỷ lệ tử vong do cúm này có thể lên đến 50% số người mắc.

Để phòng chống dịch, bệnh cúm A/H5N1, theo TS Trần Đắc Phu, người dân tuyệt đối:

- Không ăn thịt gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc.

- Thực hiện nguyên tắc ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

- Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

- Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, phải báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y trên địa bàn xử lý.

- Nếu thấy có các biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở, đặc biệt trước đó liên quan đến gia cầm thì đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn