Hơn 800 người tham gia huấn luyện, luyện tập và diễn tập chữa cháy rừng

19:09 | 21/12/2023;
Ngày 21/12, tại khu vực đồi Bảy Chăn, xóm Chóng, xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức buổi Diễn tập chữa cháy rừng cấp quốc gia năm 2023.

Thực hiện nghiêm túc phương châm "4 tại chỗ" khi có cháy rừng

Mục đích của buổi diễn tập nhằm nâng cao nhận thức về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), bảo đảm chủ động và hiệu quả trong việc chỉ đạo, chỉ huy và điều động lực lượng, phương tiện ứng cứu hỗ trợ chữa cháy rừng khi xảy ra cháy lớn vượt quá tầm kiểm soát của địa phương.

Đồng thời, tăng cường khả năng thường trực, sẵn sàng ứng phó, xử lý các tình huống cháy rừng của các lực lượng. Nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo về công tác PCCCR, thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, trang thiết bị tại chỗ và hậu cần tại chỗ) góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng, tài sản, tài nguyên rừng và ảnh hưởng môi trường sống.

Hơn 800 người tham gia huấn luyện, luyện tập và diễn tập chữa cháy rừng- Ảnh 1.

Đám cháy rừng giả định xảy ra tại khu vực rừng trồng cây keo lai 8 năm tuổi của hộ dân.

Bên cạnh đó, buổi diễn tập cũng nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng phối hợp tác chiến giữa lực lượng Kiểm lâm với các lực lượng Công an, Quân sự và lực lượng khác trong xử lý tình huống cháy rừng; Cải tiến phương pháp dự báo nguy cơ cháy, theo dõi phát hiện sớm cháy rừng và thông tin nhanh bằng ứng dụng khoa học công nghệ.

Ngoài ra, buổi diễn tập còn là dịp để nâng cao năng lực điều hành chỉ huy chữa cháy rừng khi có nhiều lực lượng phương tiện tham gia sẵn sàng ứng cứu chữa các vụ cháy rừng lớn có diễn biến phức tạp, vượt tầm kiểm soát của các địa phương trong toàn quốc, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài nguyên rừng.

Buổi diễn tập cũng là cơ hội để điều chỉnh bổ sung vào phương án, kế hoạch PCCCR của Ban chỉ đạo bảo vệ rừng và PCCCR các cấp, các vấn đề cần chỉ đạo điều hành trong phòng cháy chữa cháy rừng phù hợp với tình hình thực tế để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ.

Hơn 800 người tham gia huấn luyện, luyện tập và diễn tập chữa cháy rừng- Ảnh 2.

Hơn 800 người tham gia huấn luyện, luyện tập và diễn tập chữa cháy rừng- Ảnh 3.

Lực lượng Kiểm lâm tiếp cận và dùng các biện pháp để xử lý đám cháy.

Theo ông Bùi Chính Nghĩa, Cục trưởng Cục Kiểm lâm, cho biết, yêu cầu diễn tập đặt ra là phải thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" tình huống cháy rừng giả định trong kế hoạch tổ chức diễn tập PCCCR cấp quốc gia phải phù họp với thực tế cơ sở, đồng thời đảm bảo đúng với tình huống đề ra trong kịch bản diễn tập… Bên cạnh đó còn là yêu cầu phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện tham gia diễn tập.

Khu vực diễn tập thuộc lô 135+136, khoảnh 4, Tiểu khu 9709, xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội. Đây là rừng trồng cây keo lai 8 năm tuổi của hộ dân. Ban Tổ chức diễn tập đã huy động khoảng 820 người tham gia huấn luyện, tập luyện và diễn tập. Trong đó, lực lượng trực tiếp thực hiện công tác diễn tập chữa cháy rừng khoảng 300 người; lực lượng diễn tập cơ chế khoảng 70 người; lực lượng công an, quân đội được huy động để đảm bảo an ninh trật tự, diễn tập phương án di dời nhân và tài sản của người dân ra khỏi khu vực ảnh hưởng bởi cháy rừng khoảng 400 người; lực lượng hậu cần, phục vụ khoảng 50 người. Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng huy động hàng trăm lượt phương tiện, máy móc, trang thiết bị PCCC để tham gia diễn tập và hàng trăm tấn vật liệu cháy để dựng hiện trường diễn tập.

Hơn 800 người tham gia huấn luyện, luyện tập và diễn tập chữa cháy rừng- Ảnh 4.

Hơn 800 người tham gia huấn luyện, luyện tập và diễn tập chữa cháy rừng- Ảnh 5.

Nhiều lực lượng tham gia công tác diễn tập chữa cháy rừng.

Tại hiện trường vụ cháy rừng, dưới sự chỉ huy của trưởng Ban chỉ đạo diễn tập PCCCR Trung ương, tất cả các lực lượng được huy động đã kịp thời vào hiện trường tham gia chữa cháy rừng. Kết quả, trong thời gian ngắn, đám cháy đã được khống chế và dập tắt hoàn toàn. Trong quá trình chữa cháy đảm bảo an toàn về mọi mặt; đặc biệt là các loại phương tiện, tài sản, con người được huy động tham gia chữa cháy rừng.

Ông Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đánh giá, các lực lượng tham gia diễn tập đã triển khai các tình huống diễn tập theo đúng chương trình, kịch bản đảm bảo bám sát tình hình và điều kiện thực tế của địa phương; việc phối kết hợp giữa các lực lượng đảm bảo yêu cầu.

Buổi diễn tập hôm nay là buổi thực hành, để đúc kết kinh nghiệm nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ huy phòng cháy, chữa cháy. Cùng với đó, thực hiện phối hợp nhuần nhuyễn giữa giữa các lực lượng, từ đó xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể để chủ động ứng phó khi có cháy rừng xảy ra, nhằm hạn chế tối đa các thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Hơn 800 người tham gia huấn luyện, luyện tập và diễn tập chữa cháy rừng- Ảnh 6.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tham gia dập tắt đám cháy rừng.

Hơn 800 người tham gia huấn luyện, luyện tập và diễn tập chữa cháy rừng- Ảnh 7.

Khu vực diễn tập được bố trí an toàn, xa khu vực dân cư.

Các địa phương, đơn vị chú trọng trong quản lý, bảo vệ rừng; chủ động PCCCR theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh, đảm bảo quản lý tốt rừng hiện có; thực hiện tốt cơ chế phối hợp khi tiến hành diễn tập, nhất là khi có cháy rừng xảy ra, nhằm hạn chế tối đa các thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Buổi diễn tập chữa cháy rừng cấp quốc gia năm 2023 đã thành công tốt đẹp theo Cục trưởng Cục Kiểm lâm Bùi Chính Nghĩa là do các đơn vị đã làm tốt từ công tác tổ chức, chuẩn bị cho đến tổ chức diễn tập.

Từ kết quả của buổi Diễn tập, ông Nghĩa cho rằng cần rút ra một số bài học. Thứ nhất, đó là việc phải luôn thực hiện nghiêm túc và xuyên suốt phương châm "4 tại chỗ" (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ đạo tại chỗ và hậu cần tại chỗ) khi xảy ra cháy rừng.

Hơn 800 người tham gia huấn luyện, luyện tập và diễn tập chữa cháy rừng- Ảnh 8.

Hơn 800 người tham gia huấn luyện, luyện tập và diễn tập chữa cháy rừng- Ảnh 9.

Phương châm "4 tại chỗ" được nhấn mạnh khi xảy các vụ cháy rừng.

Thứ 2, khi có cháy rừng xảy ra, việc phát hiện sớm và chữa cháy kịp thời của lực lượng tại chỗ là người dân địa phương, chủ rừng là rất quan trọng. Từ đó khống chế không để cháy lớn xảy ra và dập tắt đám cháy.

Thứ 3, khi có cháy lớn xảy ra, cần huy động nhiều lực lượng, phương tiện. Việc chỉ đạo chữa cháy phải được thông suốt và phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng trong suốt quá trình chữa cháy rừng.

Tiếp đó, để ứng phó kịp thời khi có cháy rừng, các lực lượng phải có quy chế phối hợp và hiệp đồng chặt chẽ, tạo sự chủ động khi chữa cháy rừng. Việc tổ chức diễn tập phải làm tốt từ khâu chuẩn bị, tổ chức đến triển khai thực hiện.

Theo dõi buổi diễn tập chữa cháy rừng cấp quốc gia năm 2023, bà Nguyễn Thị Hoa (56 tuổi, trú tại xóm Chóng, xã Yên Bài) cho biết: "Đây là lần đầu tiên tôi được tận mắt chứng kiến một buổi diễn tập chữa cháy rừng. Chứng kiến những người kiểm lâm, cứu hỏa, công an… không ngại nguy hiểm dùng mọi biện pháp để dập tắt đám cháy, tôi thấy rất khâm phục. Sau khi chứng kiến buổi diễn tập này, bản thân tôi tự thấy phải có trách nhiệm hơn trong công tác bảo vệ rừng".

Đảm bảo tốt diện tích rừng hiện có

Theo kết quả thống kê, giai đoạn 2015 - 2020 cả nước đã phát hiện và xử lý 1.928 vụ cháy rừng, diện tích rừng bị ảnh hưởng khoảng 8.631 ha. Thiệt hại giá trị kinh tế về tài nguyên rừng hàng trăm tỷ đồng mỗi năm và ảnh hưởng lớn đến môi trường sống.

Gần đây nhất, theo báo cáo của Cục Kiểm lâm, trong năm 2023 cháy rừng diễn ra rất phức tạp, nhất là đối với các tỉnh phía Bắc và miền Trung. Cụ thể, theo thống kê từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra khoảng 314 vụ cháy rừng, cháy thực bì; diện tích cháy thực bì, cháy rừng khoảng 743,0 ha.

Trong đó: Diện tích có khả năng phục hồi khoảng 65%, tương đương khoảng 482,9 ha (do cháy lướt, cháy thực bì, không ảnh hướng đến rừng); diện tích còn lại khó có khả năng phục hồi khoảng 260 ha, trong đó 50% diện tích này cần được trồng lại rừng.

Hơn 800 người tham gia huấn luyện, luyện tập và diễn tập chữa cháy rừng- Ảnh 10.

Lực lượng y tế được huy động để kịp thời cứu chữa những người bị thương khi chữa cháy rừng.

Thời kỳ cao điểm xảy ra cháy rừng từ ngày 30/4/2023 đến ngày 30/8/2023. Đa số các vụ cháy đều được các địa phương, chủ rừng phát hiện và xử lý trong khoảng thòi gian 2 giờ đồng hồ từ khi phát hiện đám cháy.

Về nguyên nhân, theo thống kê của các địa phương về nguyên nhân gây cháy rừng, cháy thực bì thì có trên 80% số vụ cháy do sử dụng lửa bất cẩn, bao gồm đốt nương rẫy, đốt thực bì để trồng rừng, đốt vật liệu cháy, phế thải sau khai thác rừng trồng, săn bắt động vật, lấy mật ong…; 20% nguyên nhân các vụ cháy còn lại do thiên tai (sét đánh, bom, mìn, vật liệu nổ còn sót lại gây cháy…).

Hơn 800 người tham gia huấn luyện, luyện tập và diễn tập chữa cháy rừng- Ảnh 11.

Hơn 800 người tham gia huấn luyện, luyện tập và diễn tập chữa cháy rừng- Ảnh 12.

Hơn 800 người tham gia huấn luyện, luyện tập và diễn tập chữa cháy rừng- Ảnh 13.

Buổi diễn tập chữa cháy rừng cấp quốc gia năm 2023 diễn ra thành công tốt đẹp.

Liên quan đến công tác chữa cháy rừng, Cục Kiểm lâm cho biết, hầu hết các vụ cháy rừng, cháy thực bì xảy ra đều được phát hiện sớm và tổ chức chữa cháy kịp thời. Các địa phương đã tổ chức huy động trên 10.000 lượt người tham gia chữa cháy, gồm nhiều lực lượng như Kiểm lâm, Quân đội, Dân quân tự vệ, Công an, chủ rừng và người dân tại địa phương.

Về công xử lý sau cháy rừng, ngay sau khi xảy ra cháy rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cơ sở điều tra, làm rõ nguyên nhân, xác định đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật; xem xét xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm khi để xảy ra cháy rừng.

Hơn 800 người tham gia huấn luyện, luyện tập và diễn tập chữa cháy rừng- Ảnh 14.

Cục trưởng Cục Kiểm lâm Bùi Chính Nghĩa phát biểu tại buổi Diễn tập.

Đồng thời, đánh giá mức độ thiệt hại về rừng, đề xuất phương án phù hợp để khôi phục diện tích rừng bị cháy (trồng rừng mới, trồng rừng bổ sung, khoanh nuôi tái sinh rừng...).

Song song với đó là công tác tổ chức đánh giá, kiểm điểm và rút kinh nghiệm trong quá trình chữa cháy rừng; có những hình thức khen thưởng kịp thời những tổ chức cá nhân đã tích cực hoặc có thành tích đặc biệt khi tham gia chữa cháy rừng.

Ông Bùi Chính Nghĩa, Cục trưởng Cục Kiểm lâm, cho biết, thời gian tới, các địa phương, đơn vị cần chú trọng công tác quản lý và bảo vệ rừng PCCCR theo tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ…, đảm bảo quản lý tốt diện tích rừng hiện có, thực hiện tốt cơ chế phối hợp khi có cháy rừng xảy ra.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn