Mật ong thường được bán trên thị trường như một chất thay thế lành mạnh cho đường thông thường. Cùng có vị ngọt nhưng tại sao mật ong luôn được đánh giá tốt hơn đường. Liệu mật ong thực sự có lợi không hay chỉ là những lời quảng cáo của người bán hàng.
Mật ong là gì?
Mật ong là một chất ngọt như xi-rô mà ong tạo ra từ mật hoa của các loài thực vật có hoa. Những con ong thu thập mật hoa và sau đó tiêu thụ, tiêu hóa và nhả vào bên trong tổ ong để tạo ra mật ong.
Mật ong được lưu trữ trong các cấu trúc giống như sáp được gọi là tổ ong, được con người thu thập thông qua nuôi ong.
Mật ong có 95% là đường nhưng sao nó vẫn tốt hơn đường
Nếu không tính nước, mật ong có chứa 95%-99% là đường. Loại đường này chủ yếu là fructose và glucose, nhưng cũng chứa một số loại đường probiotic để duy trì hệ vi khuẩn lành mạnh mà đường ruột của chúng ta cần.
Mặc dù mỗi loại mật ong có thành phần dinh dưỡng khác nhau, nhưng một muỗng canh (21 gam) mật ong thường có 64 calo và 17 gam carbs với ít hoặc không có chất béo, chất xơ và protein. Nó cũng chứa một số vi chất dinh dưỡng, chẳng hạn như kali, sắt và kẽm nhưng với lượng khá ít.
Ngoài ra, mật ong cũng có nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe như:
Chứa nhiều chất chống oxy hóa
Mật ong chất lượng cao rất giàu một số chất chống oxy hóa quan trọng - chẳng hạn như axit phenolic và flavonoid - có thể hỗ trợ sức khỏe tốt hơn.
Chất chống oxy hóa là các hợp chất giúp chống lại các gốc tự do gây bệnh, do đó làm giảm nguy cơ tổn thương tế bào do oxy hóa. Vì vậy, chúng đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe và bệnh tật. Một số nghiên cứu cho thấy chúng có thể giúp phòng ngừa các bệnh mãn tính, chẳng hạn như bệnh tim, ung thư và tiểu đường.
Hơn nữa, một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ăn một số loại mật ong có thể làm tăng tình trạng chống oxy hóa trong máu của bạn.
Nếu không tính nước, mật ong có chứa 95%-99% là đường. (Ảnh minh họa)
Có thể cải thiện sức khỏe tim mạch
Thay việc dùng đường, sử dụng mật ong chất lượng cao trong chế độ ăn uống có thể cải thiện các khía cạnh khác nhau của sức khỏe tim mạch. Bởi vì mật ong đã được chứng minh là làm giảm một số yếu tố nguy cơ đối với bệnh tim.
Ví dụ, một nghiên cứu kéo dài 30 ngày so sánh tác động của đường ăn và mật ong ở 55 người cho thấy mật ong giúp giảm mức cholesterol LDL toàn phần (cholesterol “xấu”), đồng thời tăng cholesterol HDL (cholesterol “tốt”).
Nó cũng có thể làm giảm mức chất béo trung tính lên đến 19%.
Ngoài ra, các nghiên cứu trên động vật đã phát hiện ra rằng bổ sung mật ong có thể làm giảm huyết áp tâm thu, một yếu tố nguy cơ chính khác đối với bệnh tim
Giúp chữa lành vết thương
Trong một số hình thức y học cổ truyền, chẳng hạn như Ayurveda (y học cổ truyền Ấn Độ), mật ong được thoa trực tiếp lên da để hỗ trợ chữa lành vết thương.
Điều này được cho là do đặc tính kháng khuẩn của mật ong và khả năng làm giảm sự phát triển của vi sinh vật có thể gây nhiễm trùng.
Trong một nghiên cứu nhỏ, việc thoa mật ong manuka trực tiếp lên vết loét ở bàn chân của bệnh nhân tiểu đường có hiệu quả như băng vết thương thông thường và thúc đẩy quá trình chữa lành ở 97% vết loét.
Một nghiên cứu khác ở 30 người cũng cho thấy thêm mật ong vào băng vết thương giúp tăng cường khả năng chữa lành ở khoảng 43% trường hợp loét chân do tiểu đường sau ba tháng.
Bên cạnh đó, có nghiên cứu cho thấy dùng mật ong cũng có thể là một phương pháp điều trị hữu ích cho các tình trạng da, chẳng hạn như bệnh vẩy nến, viêm da và mụn rộp.
Tuy nhiều đường nhưng mật ong có lợi cho sức khỏe. (Ảnh minh họa)
Tốt hơn đường tinh luyện
Mặc dù mật ong có nhiều đường và calo nhưng nó vẫn là lựa chọn tốt hơn so với đường tinh luyện. Trong khi đường tinh luyện không mang lại nhiều giá trị về mặt dinh dưỡng, mật ong cung cấp chất chống oxy hóa - bao gồm axit phenolic và flavonoid.
Thêm vào đó, một nghiên cứu ở 48 người mắc bệnh tiểu đường loại 2 cho thấy mặc dù mật ong làm tăng lượng đường trong máu, nhưng nó có thể không bằng đường.
Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng sử dụng mật ong thay vì đường ăn có thể làm giảm chất béo trung tính, cũng như cholesterol LDL toàn phần và “có hại” để hỗ trợ sức khỏe tim mạch của bạn.
Mặc dù mật ong có thể là một lựa chọn tốt hơn so với đường tinh luyện, mọi người vẫn nên dùng ở mức độ vừa phải để ngăn ngừa những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Tác dụng phụ của mật ong khi tiêu thụ quá nhiều
Có thể gây tăng cân
Mật ong có nhiều đường và calo dù không nhiều nhưng nếu tiêu thụ thường xuyên cũng có thể khiến lượng calo tăng lên.
Theo thời gian, điều này có thể dẫn đến tăng cân - đặc biệt nếu bạn không có sự thay đổi trong ăn uống hay luyện tập để giải quyết lượng calo tăng thêm này.
Mật ong cũng chứa nhiều đường, được tiêu hóa nhanh chóng và có thể khiến lượng đường trong máu của bạn tăng đột biến và giảm xuống - dẫn đến tăng cảm giác đói và tăng cân trong thời gian dài nếu sử dụng quá nhiều.
Hơn nữa, nếu sử dụng mật ong lẫn đường thì nguy cơ tăng cân và béo phì cao hơn.
Mật ong tốt nhưng nên tiêu thụ vừa phải. (Ảnh minh họa)
Có thể tăng nguy cơ mắc một số bệnh
Mặc dù mật ong có những lợi ích sức khỏe nhất định nhưng việc nó chứa nhiều đường có thể gây một số bất lợi nếu chúng ta tiêu thụ quá nhiều.
Trên thực tế, các nghiên cứu cho thấy chế độ ăn nhiều đường có thể liên quan đến béo phì, viêm nhiễm, kháng insulin, các vấn đề về gan và bệnh tim. Lượng đường dư thừa cũng có thể dẫn đến nguy cơ cao bị trầm cảm, sa sút trí tuệ và thậm chí là một số loại ung thư.
Tóm lại, mật ong dù nhiều đường nhưng vẫn tốt hơn ăn đường. Và mặc dù mật ong tốt hơn nhưng không có nghĩa chúng ta có thể thoải mái sử dụng. Tốt nhất bạn nên sử dụng mật ong để thay thế các dạng đường khác và thưởng thức nó một cách điều độ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn