Báo cáo của Bản đồ năm 2023 của Liên đoàn Béo phì Thế giới (World Obesity Atlas) dự đoán rằng 51% thế giới, tương đương hơn 4 tỷ người, sẽ bị béo phì hoặc thừa cân trong vòng 12 năm tới. Tỷ lệ béo phì đang tăng đặc biệt nhanh chóng ở trẻ em và ở các nước thu nhập thấp hơn.
Trong một tuyên bố, bà Louise Baur, Chủ tịch Liên đoàn Béo phì Thế giới, cho biết rằng dữ liệu này là một "cảnh báo" rõ ràng và các nhà hoạch định chính sách cần phải hành động ngay để ngăn chặn tình hình trở nên tồi tệ hơn.
"Điều đặc biệt đáng lo ngại là tỷ lệ béo phì tăng nhanh nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên. Các chính phủ và nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới cần làm tất cả những gì có thể để tránh truyền các chi phí về sức khỏe, xã hội và kinh tế sang cho thế hệ trẻ", bà Baur nói.
Báo cáo mới cho thấy béo phì ở trẻ em có thể tăng hơn gấp đôi so với mức năm 2020 - lên 208 triệu bé trai và 175 triệu bé gái béo phì vào năm 2035. Theo Reuters đưa tin, chi phí cho xã hội từ đó cũng sẽ tăng đáng kể do tình trạng sức khỏe liên quan đến thừa cân. Liên đoàn Liên đoàn Béo phì Thế giới cho biết, con số này là hơn 4.000 tỷ USD mỗi năm vào năm 2035, tương đương 3% GDP toàn cầu.
Tuy nhiên, các tác giả báo cáo cũng chỉ ra rằng họ không đổ lỗi cho bất kỳ ai mà họ đang "kêu gọi tập trung vào các yếu tố xã hội, môi trường và sinh học liên quan đến các tình trạng này.
Báo cáo sử dụng chỉ số khối cơ thể (BMI) để đánh giá. Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới, chỉ số BMI trên 25 là thừa cân và trên 30 là béo phì. Vào năm 2020, 2,6 tỷ người rơi vào các nhóm này, tương đương 38% dân số thế giới.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, hầu hết những quốc gia dự kiến sẽ chứng kiến tình trạng gia tăng béo phì lớn nhất trong những năm tới là các nước có thu nhập thấp hoặc trung bình ở châu Á và châu Phi.
Theo như Fox News Digital đã đưa tin trước đó thì ở Mỹ, béo phì ảnh hưởng đến khoảng 20% trẻ em trong độ tuổi từ 2 đến 19 từ năm 2017 đến năm 2020, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC). Khi không được điều trị, béo phì có thể dẫn đến bệnh tim, tiểu đường, trầm cảm và các bệnh mãn tính khác.
Trong suốt đại dịch bệnh Coronavirus 2019 (Covid-19), các biện pháp phong tỏa toàn quốc đã hạn chế đáng kể việc ra ngoài của người dân. Do đó, khả năng có chế độ ăn uống không lành mạnh và ít vận động tăng lên. Đây là những nguyên nhân góp phần dẫn đến tăng cân.
Những hành vi này điển hình là giảm mức độ hoạt động thể chất, tiêu thụ thực phẩm chế biến hàng ngày nhiều hơn, đặc biệt là ở trẻ em. Ví dụ, một nghiên cứu được thực hiện ở Trung Quốc bao gồm hơn 10.000 thanh thiếu niên và thanh niên cho thấy tỷ lệ béo phì tăng từ 10% lên 12,5%, trong khi tỷ lệ thừa cân tương tự tăng từ 21% lên 25%.
Các nghiên cứu trước đây đã liên tục chứng minh rằng tăng cân ở cấp độ dân số rất khó ngăn ngừa hoặc đảo ngược. Do đó, sự gia tăng nhanh chóng của việc tăng cân do đại dịch Covid-19 có thể dẫn đến béo phì thậm chí còn cao hơn và mức thừa cân so với ước tính hiện tại.
Không phải ai béo phì cũng gặp phải tất cả những vấn đề sức khỏe này, tuy nhiên, bạn có tiền sử gia đình mắc các bệnh này, nguy cơ của bạn cũng sẽ tăng lên. Theo các thông tin y tế chia sẻ trên WebMD (một trong những trang web về thông tin y tế, chăm sóc sức khỏe hàng đầu tại Mỹ), dưới đây là 7 bệnh có liên quan mật thiết đến béo phì hoặc thừa cân.
Bệnh tim và đột quỵ
Trọng lượng tăng thêm khiến bạn có nhiều khả năng bị huyết áp cao và cholesterol cao. Cả hai tình trạng đó đều làm cho bệnh tim hoặc đột quỵ có nhiều khả năng xảy ra hơn.
Tin tốt là giảm cân có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tim hoặc đột quỵ.
Bệnh tiểu đường loại 2
Hầu hết những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 đều thừa cân hoặc béo phì. Bạn có thể giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2 bằng cách giảm cân, ăn một chế độ ăn uống cân bằng, ngủ đủ giấc và tập thể dục nhiều hơn.
Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường loại 2, giảm cân và hoạt động thể chất nhiều hơn có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn.
Ung thư
Ung thư ruột kết, ung thư vú (sau khi mãn kinh), ung thư nội mạc tử cung (niêm mạc tử cung), ung thư thận và thực quản... đều có liên quan đến béo phì. Một số nghiên cứu cũng đã báo cáo mối liên hệ giữa béo phì và ung thư túi mật, buồng trứng và tuyến tụy.
Bệnh túi mật
Bệnh túi mật và sỏi mật thường gặp hơn nếu bạn thừa cân. Tuy nhiên, việc giảm cân nhanh chóng hoặc giảm một lượng lớn cân nặng, lại có thể khiến bạn có nhiều khả năng bị sỏi mật. Vì vậy, bạn cần giảm cân một cách lành mạnh theo hướng dẫn và kiểm soát của bác sĩ là tốt nhất.
Viêm xương khớp
Viêm xương khớp là một tình trạng khớp phổ biến thường ảnh hưởng đến đầu gối, hông hoặc lưng. Tăng cân đặt thêm áp lực lên các khớp này và làm mòn sụn (mô đệm cho khớp) bảo vệ chúng.
Giảm cân có thể làm giảm căng thẳng ở đầu gối, hông và lưng dưới. Nhờ đó có thể cải thiện các triệu chứng của viêm xương khớp.
Bệnh gút
Bệnh gút là một bệnh ảnh hưởng đến khớp. Nó xảy ra khi bạn có quá nhiều axit uric trong máu. Axit uric bổ sung có thể tạo thành các tinh thể lắng đọng trong khớp. Bệnh gút phổ biến hơn ở những người thừa cân. Bạn càng nặng cân càng có nhiều khả năng bị bệnh gút. Tuy nhiên, sự thay đổi cân nặng đột ngột có thể dẫn đến sự bùng phát của bệnh gút. Nếu bạn có tiền sử bệnh gút, hãy kiểm tra với bác sĩ để biết cách tốt nhất để giảm cân.
Ngưng thở khi ngủ
Ngưng thở khi ngủ là một tình trạng hô hấp có liên quan đến việc thừa cân. Ngưng thở khi ngủ có thể khiến một người ngáy nặng hơn, thậm chí là ngừng thở trong một thời gian ngắn khi ngủ. Ngưng thở khi ngủ có thể gây buồn ngủ vào ban ngày và làm cho bệnh tim và đột quỵ có nhiều khả năng xảy ra hơn. Giảm cân có thể giúp cải thiện chứng ngưng thở khi ngủ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn