Cạm bẫy “hôn nhân”
12 tuổi, Muneera Begum được một ông già 70 tuổi mua về làm vợ. Ông dẫn cô về một khách sạn rồi cưỡng bức cô. Khi Begum bật khóc vì hoảng sợ và đau đớn thì ông ta bảo cô hãy yên lặng, vì ông đã bỏ tiền mua cô thì ông muốn làm gì cũng được.
Vì cảnh nghèo đói mà mẹ Begum mắc bẫy bọn buôn người, bán cô cho một khách du lịch |
Vì sợ cô bỏ trốn, ông luôn giam lỏng cô trong phòng. Mỗi khi phải đi đâu đó, ông sẽ nhốt cô lại khoá kín cửa. Khi trở về, ông lại tiếp tục cưỡng bức cô. Liên tục như vậy suốt 2 tháng trời cho đến khi cô mang thai thì ông bắt đầu cao chạy xa bay.
Mẹ của Begum nói rằng sở dĩ bà gả con gái đi để lấy tiền vì bà tin rằng quyết định này tốt cho cả gia đình. Chồng bà nghiện rượu, cả gia đình 5 người sống trong một căn phòng chật hẹp, trong cảnh túng thiếu triền miên. Vì thế, bà muốn gả Begum đi để nhẹ gánh gia đình và hy vọng, Begum cũng có một tương lai tốt đẹp hơn.
Tuy nhiên, bà không biết rằng, người môi giới cho cuộc hôn nhân chóng vánh ấy là một mắt xích trong đường dây buôn bán người có chân rết ở nhiều quốc gia, bao gồm châu Phi và vùng Trung Đông.
Theo cảnh sát, có hàng trăm cô gái rơi vào hoàn cảnh như Begum ở thành phố Hyderabad, Ấn Độ. Với chiêu bài của mình, kẻ môi giới tìm đến những gia đình nghèo để thuyết phục họ gả bán con gái ở tuổi vị thành niên với một số tiền lớn. Khi khách hàng của họ là những người đàn ông lớn tuổi du lịch đến đây, họ sẽ đưa các cô gái ra để những người đàn ông đó lựa chọn.
Một số vị mục sư địa phương cũng có liên quan đến đường dây này vì giúp cuộc “mua bán” trái pháp luật này tồn tại dưới hình thức của những cuộc hôn nhân giả để qua mặt cộng đồng. Các cuộc hôn nhân ấy không có sự đồng ý của các cô gái như quy định của luật Hồi giáo.
Sau một vài tuần hoặc một vài tháng thỏa mãn nhu cầu xác thịt, những người đàn ông ra đi không quay trở lại. Không chỉ dùng tiền để mua bán, bọn “ma cô” còn có những thủ đoạn khác như tìm cách chinh phục trái tim các cô gái, sau đó, cho họ uống thuốc mê rồi bán lại cho những người đàn ông khác. Chính vì vậy, nạn nhân của họ thường phải chịu cảnh bạo lực tình dục, thậm chí là cưỡng bức tập thể.
Bà Jameela (thứ 2 từ trái sang) và những phụ nữ bà giải cứu từ bọn buôn người |
Vượt qua những đau thương
Sau khi người đàn ông ấy bỏ đi, Begum gần như bị mất trí, cô khóc rất nhiều và tìm cách tự tử mấy lần nhưng không thành. Sau đó, cô được đưa đến Shaheen, một tổ chức phi chính phủ ngăn chặn buôn bán và giải cứu phụ nữ trong các cuộc hôn nhân cưỡng bức.
Những người ở đây đã giúp Begum điều trị hồi phục chức năng, dạy nghề và tạo việc làm để cô có thể sống độc lập. Bà Jameela Nishat, người thành lập Shaheen cách đây hơn 20 năm, cho biết giấc mơ của bà là giúp các cô gái có cuộc sống độc lập và hạnh phúc. Bà đã giúp đỡ trực tiếp hơn 100 cô gái, giúp đỡ gián tiếp hơn 1.000 người.
Phải mất nhiều năm trời, vết thương lòng của Begum mới lành lại được, Begum bây giờ 19 tuổi, sống với con gái 7 tuổi từ cuộc hôn nhân giả trước đó. Không như những cô gái khác im lặng một mình gặm nhấm nỗi đau, cô đã nộp đơn kiện người môi giới đã bán cô cho người đàn ông bạo lực từ phương xa đến. Cô bảo, cô làm thế vì muốn mọi người cảnh giác và không muốn thấy bất cứ cô gái nào rơi vào hoàn cảnh như cô.