'Hồn' Việt, da... 'Tàu'

01:27 | 17/09/2015;
Người thợ sửa giày cho tôi biết giày của tôi do một cơ sở trong nước đóng, nhưng toàn bộ nguyên phụ liệu đều nhập từ Trung Quốc nên có thể coi là hàng Trung Quốc.

Mới đây, chiếc giày của tôi bị hỏng, mang ra cho một người thợ giày khá nổi tiếng ngồi trên vỉa hè đường Nam Kỳ Khởi nghĩa (quận 1, TPHCM) nhờ sửa. Tôi hỏi người thợ giày, đôi giày đó là hàng nội hay hàng Trung Quốc? Với con mắt nhà nghề, anh lập tức cho biết, giày do một cơ sở trong nước đóng nhưng toàn bộ nguyên phụ liệu đều nhập từ Trung Quốc nên có thể coi là... hàng Trung Quốc.

Cũng theo người thợ giày này, phần lớn các sản phẩm giày dép do Việt Nam sản xuất đều có nguồn nguyên phụ liệu “made in China”. Bởi lâu nay, các nhà sản xuất nguyên phụ liệu trong nước hầu như vắng bóng do không thể cạnh tranh với nguồn hàng “giá rẻ bất ngờ” đến từ quốc gia láng giềng này.

Atx---Hangnoi.jpg

Người tiêu dùng Việt Nam hiện gặp nhiều khó khăn để có thể tiếp cận hàng Việt thực sự. Ảnh minh họa: shutterstock

Câu chuyện của người thợ giày khiến tôi liên tưởng tới nhiều mặt hàng khác, nhất là các mặt hàng dệt may, với phần nhiều vật liệu đầu vào phải mua từ Trung Quốc, liệu những sản phẩm ấy (mặc dù đóng nhãn “sản xuất tại Việt Nam”) có thể coi là “hàng Việt” đúng nghĩa hay không?

Mặc dù cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang được nhiều người hưởng ứng, nhưng người tiêu dùng Việt Nam hiện gặp nhiều khó khăn để có thể tiếp cận hàng Việt thực sự. Cũng như ngành da giày hay dệt may, nhiều đơn vị sản xuất nguyên phụ liệu phục vụ các ngành sản xuất khác của Việt Nam thời gian qua đã phải điêu đứng trước sự cạnh tranh thiếu sòng phẳng và đầy chiêu trò của Trung Quốc. Giờ muốn khôi phục lại các đơn vị này là điều hết sức khó khăn và cần có không ít thời gian cùng với quyết tâm lớn. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn hy vọng, với lòng tự trọng cao độ, các doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai không xa sẽ có cách để sản xuất ra ngày càng nhiều những sản phẩm của Việt Nam đạt chất lượng tốt và an toàn, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước.

Chỉ có như vậy thì hàng Việt mới có thể khẳng định được vị thế ở các thị trường xuất khẩu, nắm giữ được những lợi thế khi kinh tế ngày càng hội nhập sâu với thế giới.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn