Có lẽ mỗi mẹ sẽ có một cách thể hiện tình yêu dành cho con theo nhiều cách khác nhau, nhưng đối với chị Bùi Thị Ánh Tuyết (29 tuổi, sống tại Bà Rịa-Vũng Tàu) thì một phần tình yêu được gửi gắm qua những bữa ăn đầy màu sắc. Hạnh phúc với bà mẹ trẻ đơn giản là khi nhìn thấy con vui vẻ, thích thú nếm thử những bữa ăn do chính tay mẹ làm ra, đôi lúc không cần con phải ăn nhiều, chỉ cần con háo hức mong đợi đến giờ ăn, như vậy thôi cũng đã là một thành công đối với người làm mẹ.
Con trai chị Tuyết là bé Nguyễn Bùi Tuấn Kiệt, biệt danh Bim Bim, hiện tại được 2 tuổi. Cậu bé luôn háo hức và mong chờ tới những bữa cơm mà mẹ làm ra. Theo chị Tuyết, tiêu chí nấu nướng chủ yếu dựa trên yếu tố dinh dưỡng, đảm bảo đủ các nhóm chính như chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin, khoáng chất và kèm rau để bổ sung chất xơ cho bé.
''Khi nào mình có thời gian hoặc ý tưởng thì sẽ làm cơm bento hoặc trang trí khay ăn để cho bé thích thú hơn. Thời gian làm những khay cơm bento như vậy tầm khoảng 45 phút đến 1 tiếng bao gồm cả thời gian chế biến. Bé rất thích vì thường mình sẽ lên ý tưởng dựa trên những con vật bé mê như gấu, hươu cao cổ hoặc đồ vật như chiếc thuyền buồm... Có lúc bé ăn hết cũng có lúc không vì có khi tạo hình cần nhiều cơm thì bé ăn không hết, hoặc vào những giai đoạn bé lười ăn như wonder week hoặc mọc răng... thì con sẽ ăn kém hơn'', chị Tuyết chia sẻ.
Bà mẹ trẻ cũng không lên thực đơn trước, tùy hứng làm nhưng khi nấu luôn cố gắng cân bằng 4 nhóm dinh dưỡng chính cho con. Bên cạnh đó, chị Tuyết cũng bổ sung chất xơ cho bé bằng các loại rau củ. Các món trong tuần thì sẽ thay đổi thường xuyên mỗi ngày như cá hồi, tôm, ếch, thịt bò, thịt heo, ốc hương... Vì Tuấn Kiệt thích hải sản hơn nên mẹ cũng ưu tiên làm cho bé các món này.
Quả thực nhìn thực đơn cơm bento của chị Tuyết làm cho con trai, mẹ bỉm nào cũng ngưỡng mộ và dành lời khen ngợi cho sự khéo léo, chỉn chu trong việc chăm sóc con cái. Nhìn món ăn đẹp thế này, hẳn bé nào cũng thích mê cho mà xem.
Với những chia sẻ về thực đơn các món ăn cho bé, chị Tuyết hy vọng một phần nào đó có thể giúp các mẹ có thêm ý tưởng và động lực để làm cơm cho các bé yêu nhà mình!
Bạn cần phải chắc chắn rằng con bạn được bổ sung chất dinh dưỡng từ bốn nhóm thực phẩm cơ bản mỗi ngày, bao gồm:
- Thịt, cá, thịt gia cầm, trứng.
- Sữa, phô mai và các sản phẩm từ sữa khác.
- Hoa quả và rau.
- Ngũ cốc, khoai tây, gạo, sản phẩm bột.
Trẻ nên ăn những loại thực phẩm từ động vật (sữa, sữa, trứng, thịt, cá và gia cầm) mỗi ngày, cộng với các loại đậu (như đậu xanh, đậu lăng hoặc đậu Hà Lan) - hoặc các loại hạt, rau và trái cây màu cam hoặc xanh. Thêm một chút dầu hoặc chất béo vào thức ăn cho trẻ.
Không nên quá lo lắng khi trẻ từ chối một số món. Nhiều trẻ sẽ từ chối một số loại thực phẩm nhất định hoặc chỉ ăn một hoặc hai loại thực phẩm yêu thích. Bạn càng đấu tranh với con về sở thích ăn uống của mình, trẻ sẽ càng quyết tâm thách thức bạn.
Cung cấp nhiều loại thực phẩm và để cho bé tự lựa chọn, cuối cùng sẽ cho phép trẻ tự ăn một chế độ ăn uống cân bằng. Trẻ mới biết đi cũng thích tự ăn, vì vậy bất cứ khi nào có thể, hãy cho trẻ ăn thức ăn bằng cách cầm tay thay vì những món cần thìa để ăn.
Trẻ 2 tuổi nên ăn ba bữa chính mỗi ngày, cộng với một hoặc hai bữa ăn nhẹ. Trẻ có thể ăn cùng một loại thực phẩm. Với khả năng ngôn ngữ và xã hội được cải thiện, con bạn có thể trở thành người tham gia tích cực vào bữa ăn nếu có cơ hội ăn cùng với mọi người khác.
Có bát thức ăn của riêng mình sẽ giúp con bạn học cách tự ăn. Bắt đầu ngay khi trẻ muốn. Cung cấp cho trẻ tất cả các thực phẩm mà trẻ cần và cho trẻ nhiều thời gian để ăn.
Lúc đầu, trẻ sẽ ăn một cách chậm chạp và bừa bộn. Khuyến khích trẻ hoàn thành bữa ăn và chắc chắn rằng trẻ đã ăn đủ.
Bên cạnh đó, bạn nên dành nhiều tình yêu và sự khuyến khích cho trẻ khi trẻ tự ăn. Ngồi trước trẻ và nhìn vào mắt nhau. Tương tác với con bạn, mỉm cười với con, nói chuyện với con và khen ngợi con vì đã ăn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn