Bạn và một người yêu nhau, tình cảm sâu đậm, sau đó muốn xa hơn để bước vào lễ đường trao cho nhau danh phận. Bạn hơi đắn đo vì dù gì sau tất cả, hôn nhân không chỉ là tình yêu, mà còn là vấn đề về kinh tế, tài sản và các mối quan hệ gia đình.
Thời đại ngày nay, không những ngoài đời thực, mà còn có trên phim ảnh báo đài, bạn thường nghe một câu: "Kết hôn thật quá đáng sợ!".
Những gì bạn mong muốn là một tình yêu lãng mạn, tự do, nhưng hôn nhân không hề đơn giản như vậy. Đó là lý do người ta thường nói: “Hôn nhân là nấm mồ chôn tình yêu”. Điều này khiến bạn phải suy nghĩ, liệu cuộc sống sau này cần bao nhiêu tình cảm, cần đảm đương những trách nhiệm gì?
Nhưng có lẽ, ngoài hôn nhân, có một hình thức khác để hai người được hợp thức hóa về bên nhau.
Tại Pháp, Chính phủ đã ban bố chính sách Hợp đồng sống chung (Pacte Civil de Solidarité, gọi tắt là PACS) vào năm 1999. Mục đích của chính sách này là trao quyền cho nhóm người đồng tính. Đối với các cặp vợ chồng khác giới, đây là một hình thức kết hợp dân sự khác ngoài hôn nhân. Vậy thì nó khác biệt thế nào với hôn nhân thông thường?
PACS khác với hôn nhân! Bạn và nửa kia không có quyền thừa kế và nhận quyền nuôi con bình đẳng như trong mối quan hệ hôn nhân. Ngoài ra:
- Nếu hai bên muốn làm Hợp đồng sống chung thì chỉ cần ký tên và có con dấu của tòa thị chính. Ở Pháp, một cuộc hôn nhân có thể rất phức tạp và tốn kém. Chi phí ly hôn thậm chí còn khiến bạn phải ngỡ ngàng hơn. Nhưng nếu muốn hủy bỏ Hợp đồng sống chung, bạn chỉ cần nộp tờ đơn chính thức cho tòa án địa phương và “ly hôn” trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
- Hôn nhân thời nay luôn có một bên chủ động đưa ra điều kiện: Nhà, xe, hồi môn... Tuy nhiên, trong nếu đôi bên ký kết Hợp đồng sống chung, đôi bên hoàn toàn không phải lo lắng về vấn đề này, bởi vì tài sản của cả hai đều riêng biệt.
- Hai người muốn mua xe hơi hay ngôi nhà đều có thể xem nó là tài sản chung, bảo hiểm cũng có thể được sử dụng chung.
- Không giống như trong hôn nhân thông thường, hành vi ngoại tình sẽ bị lên án vi phạm pháp luật, trong Hợp đồng sống chung, hai bên thỏa thuận không có nghĩa vụ trung thành với nhau, nhưng vẫn có nghĩa vụ hỗ trợ lẫn nhau, chẳng hạn như trợ cấp tùy thuộc theo thế mạnh kinh tế khi một bên cần hỗ trợ tài chính.
- Nếu hai người nhận nuôi hoặc sinh con, quyền nuôi con chỉ có thể thuộc về một người.
Từ năm 2006, thân phận sau khi đăng ký Hợp đồng sống chung sẽ trở thành “pacsé” (đã sống chung). Họ trong tên của người phụ nữ sẽ không thay đổi theo bên nam và hai người vẫn là cá thể độc lập.
Điều này cũng đã trở thành một cách để nhiều người nước ngoài sống và làm việc tại Pháp.
Trên thực tế, số lượng các cặp vợ chồng kết hôn ở Pháp đã giảm kể từ năm 1970. Người Pháp cũng đang dần thoát ly khỏi tác động của khái niệm gia đình truyền thống.
Cách tiếp cận mới này lần đầu tiên được phổ biến trong các nhóm chính trị gia. Ngay từ những năm 1980, truyền thông đã bày tỏ sự tôn trọng đối với các vấn đề riêng tư khi Tổng thống Francois Mitterrand giữ im lặng về con gái với tình nhân của mình.
PACS đã được đông đảo người dân tiếp nhận sau khi được ban hành và số lượng các cặp vợ chồng ký kết Hợp đồng sống chung đã tăng lên đáng kể trong những năm trước. Đến năm 2010, hơn 200.000 cặp vợ chồng đã tham gia hình thức này, chiếm 2/3 số người kết hôn. Năm 2018, số lượng cặp đôi hợp đồng đạt con số cao nhất với gần 210.000 cặp.
Trong đó, các cặp vợ chồng dị tính trong PACS chiếm ưu thế tuyệt đối với tỷ lệ lên đến 96%.
Nhưng quan hệ hợp đồng và quan hệ hôn nhân có thể bổ sung cho nhau. Năm 2008, số lượng cặp đôi hợp đồng đã giảm 23.448 cặp, trong đó hơn 40% chuyển từ quan hệ hợp đồng sang hôn nhân. Do đó, đối với một số người, Hợp đồng sống chung vừa là cơ hội đánh giá tiền hôn nhân vừa là bước đệm để đảm bảo cam kết lâu dài.
Quan hệ hợp đồng không chỉ giới hạn ở các cặp vợ chồng có tình yêu ngọt ngào. Một số người Pháp vì lý do kinh tế, chọn ký Hợp đồng sống chung với bạn cùng phòng, để hai người có thể nhận được ưu đãi thuế cho các cặp đôi hợp đồng, cũng có thể chia đều tài sản chung.
Tờ New York Times phỏng vấn một số người Pháp đã ký Hợp đồng sống chung.
Francois Lambert (28 tuổi) và bạn gái, Maud Moulin (27 tuổi), đều là giáo viên tại trường công lập và chỉ có thể được đảm bảo giảng dạy chung một khu vực nếu họ nộp tờ khai thuế chung (một chính sách của Hợp đồng sống chung).
"Chúng tôi không có thời gian để chuẩn bị cho đám cưới. Đây là một vấn đề về thời gian", Francois chia sẻ.
Sophie Lazzaro (48 tuổi) là người tổ chức sự kiện ở Paris. Năm 2006, cô ký Hợp đồng sống chung với bạn đời Thierry Galissant (50 tuổi). Sophie cho biết lý do hai người cùng làm điều này là vì Hợp đồng sống chung cung cấp bảo vệ pháp lý và sự an toàn “rất hấp dẫn”.
"Tôi có 2 đứa con gái, nếu gặp phải bất trắc gì đó, tôi hy vọng bọn trẻ vẫn có thể có một gia đình ngay cả trong trường hợp chúng tôi không kết hôn", Sophie nói.
Ngoài ra, điều này phù hợp với phong cách của thế hệ của họ. Họ sống tự do, không còn bị hấp dẫn bởi cuộc hôn nhân truyền thống.
Tuy nhiên, Pháp vẫn là một quốc gia có lịch sử tôn giáo mạnh mẽ và tôn trọng hôn nhân truyền thống.
Nhà xã hội học Wilfried Rault nói rằng điều này đã trở thành một vấn đề nổi cộm trong xã hội hiện tại. Ví dụ, Anicet xuất thân từ một gia đình Công giáo, bạn trai là người Do Thái, gia đình không đồng ý hai người cưới nhau, vì vậy cả hai chỉ có thể chọn ký Hợp đồng sống chung.
Đối với nhiều cặp vợ chồng mới cưới, việc người vợ lấy họ chồng và gửi thiệp mời tổ chức đám cưới mang lại cảm giác thành tựu, danh phận và minh chứng khẳng định cho mối quan hệ của họ.
Ngược lại, những cặp đôi hợp đồng không cần quá nhiều cảm giác thành tựu nên chỉ một nửa cặp đôi trong số đó tổ chức đám cưới.
Katherine, người Mỹ đủ điều kiện PACS, đã nộp đơn xin sống chung lên chính phủ vào đầu năm 2019 với bạn trai quốc tịch Pháp Jan và quyết định tổ chức lễ cưới nhỏ nhưng không mời bất cứ ai. Hai người ăn vận giản dị và tận hưởng khoảnh khắc tiến vào lễ đường như bao người, chỉ là hôn lễ diễn ra vô cùng khiêm tốn.
Đối với một số người, Hợp đồng sống chung sẽ giảm áp lực cuộc sống từ các khía cạnh tài chính và pháp lý, giữ cho tình yêu được duy trì ở mức “đơn giản”. Sự tự do đủ đầy hơn vì không bị ràng buộc bởi hôn nhân. Đối với nhiều người trẻ tuổi sợ kết hôn và sinh con như hiện nay, đây là một phương án tối ưu.
Cũng có người lo lắng, mặc dù nhiều người chọn Hợp đồng sống chung vì nguyên nhân kinh tế và pháp lý, nhưng liệu mối quan hệ hợp đồng quá mức cởi mở và không có nghĩa vụ chung thủy này có thể tồn tại được bao lâu?
(Nguồn: Thepaper)
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn