Bà Nguyễn Thị Dung, Giám đốc HTX sản xuất và phân phối bánh chưng gù Bà Dung, vẫn còn nhớ thời điểm năm 2018, bà cùng một số chị em người Tầy khu vực thôn Bản Tùy, xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang - tỉnh Hà Giang) cùng thành lập HTX sản xuất bánh chưng gù. Trước đây, gia đình bà Dung sản xuất nhỏ lẻ, chỉ đáp ứng cho bà con nhu cầu trong xã. Khi bánh chưng gù được đặt mua nhiều hơn, bà Dung tính toán: Chỉ một mình không thể đi xa được, vốn liếng không có nhiều, nhân lực không đủ, cũng không có kiến thức để kết nối, giới thiệu, mở rộng đầu ra cho sản phẩm.
Có sự hỗ trợ của Hội LHPN xã Ngọc Đường, bà Dung cùng các chị em ở thôn lập HTX cùng sản xuất. Từ đó đến nay, hơn 40 hộ gia đình ở xã Ngọc Đường cùng liên kết làm nghề, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nữ tại địa phương; việc sản xuất cũng ngày càng bền vững hơn. Bà Dung chia sẻ: Trong quá trình phát triển sản xuất, HTX gặp không ít khó khăn và được các ban ngành đoàn thể hỗ trợ. Trong đó, các cấp Hội LHPN của thành phố Hà Giang hỗ trợ HTX tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp; hỗ trợ giới thiệu sản phẩm ở các hội chợ cũng như được các cơ quan đưa sản phẩm bánh chưng gù giới thiệu trên sàn thương mại điện tử, nên sản phẩm truyền thống này với có điều kiện đi xa hơn. Đặc biệt, chị em trong HTX cùng chia sẻ kinh nghiệm, vì thế chất lượng cũng đồng đều hơn, ý thức giữ gìn, xây dựng thương hiệu, uy tín của HTX cũng nâng cao hơn. Hiện nay, HTX đều đặn xuất ra thị trường trung bình hơn 3.000 bánh/ngày.
Tốt nghiệp thạc sĩ luật học trở về quê hương quyết tâm khởi nghiệp bằng mô hình hợp tác xã nông nghiệp, chị Lưu Thị Hoà (sinh năm 1993), người dân tộc Cờ Lao ở Đồng Văn, Hà Giang, chia sẻ: Vùng Cao nguyên đá có nhiều đặc sản đặc trưng vùng miền, nhưng lại sản xuất manh mún, nhỏ lẻ theo từng hộ. Nung nấu ý tưởng kết nối để bà con nông dân có thể hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp mà không cần qua khâu trung gian. HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ ra đời, mục tiêu cao nhất trong hoạt động HTX là mang lại lợi ích vật chất tinh thần cho tất cả thành viên, tập thể, cộng đồng với tình thần: "Vì thành viên phục vụ". Vì vậy, chị em cùng chia sẻ, hướng dẫn nhau thay đổi tư duy sản xuất, tương trợ lẫn nhau và cùng nhau thống nhất phương thức và kỹ thuật canh tác. Sản phẩm làm ra đến đâu Hoà bao tiêu hết đến đó, chủ yếu là mật ong bạc hà, lê và sâm đất. HTX cũng sản xuất và hỗ trợ thu mua các đặc sản của người dân về sơ chế, đóng gói như thịt trâu gác bếp, thịt ba chỉ gác bếp, mận, phở sâm khoai Tà Lủng, bánh sâm khoai…
Đặc biệt kể từ khi được tiếp cận với Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030", HTX được tiếp cận với nhiều chương trình tập huấn, hỗ trợ công tác quản lý điều hành HTX do Hội LHPN tỉnh tổ chức. Nhờ đó, mô hình của HTX ngày càng mở rộng, thu hút nhiều thành viên tham gia, doanh thu đạt khoảng 2 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 8 lao động thường xuyên với mức lương trung bình từ 5 đến 10 triệu đồng/tháng; tạo việc làm, nguồn thu ổn định cho hơn 50 hộ gia đình liên kết và mở ra hướng đi để bà con vươn lên thoát nghèo bền vững.
Theo Báo cáo số 1611/BC-BKHĐT ngày 6/3/2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 của cả nước là 2,93%, giảm 1,1% so với năm 2022. Đặc biệt ấn tượng là tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn khoảng 33%, tương ứng giảm 5,62% so với cuối năm 2022. Tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số giảm còn 17,82%, tức giảm 3,2% so với năm trước.
Bà Chu Thị Vinh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết: HTX, kinh tế tập thể có vai trò quan trọng trong giảm nghèo đa chiều, cũng là xu thế tất yếu trong phát triển kinh tế thị trường ở nước ta. Đặc biệt là ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, lấy lợi ích kinh tế là trọng tâm, bao gồm lợi ích của thành viên, tập thể và Nhà nước, đồng thời coi trọng lợi ích chính trị, văn hoá, cộng đồng trong khu vực, góp phần thực hiện mục tiêu của công tác giảm nghèo.
Những năm gần đây, nguồn lực để hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã được lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia. Khi hợp tác xã phát triển, các thành viên hợp tác xã sẽ được hưởng lợi và sẽ tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập và giúp ổn định đời sống, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. "Đến năm 2023, cả nước có hơn 30.000 hợp tác xã và hơn 70.000 tổ hợp tác, tạo việc làm cho khoảng 7 triệu thành viên và hơn 1 triệu lao động. Từ đó sẽ góp phần vào nâng cao thu nhập của thành viên và người lao động. Khi cuộc sống ổn định hơn, họ sẽ bắt đầu hướng tới tiếp cận nhiều hơn các lĩnh vực khác của xã hội như: y tế, giáo dục, thậm chí là tiếp cận giáo dục và y tế chất lượng cao" - bà Chu Thị Vinh nói.
Ông Hoàng Xuân Lương, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, cho biết: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, thực tế bắt đầu thực hiện từ cuối năm 2022 đến nay, nhưng có một số thành công nổi bật là: nhiều địa phương tạo được các mô hình sinh kế, mo hình về hộ, tổ hợp tác, đặc biệt là các mô hình do phụ nữ làm chủ ở các tỉnh miền núi có sự phát triển ổn định; các hộ được vay vốn thuận lợi hơn trước đây, được tổ chức tập huấn, được đi tham quan, học tập kinh nghiệm… Đồng thời, các tổ chức chính trị - xã hội, các cấp các ngành đều vào cuộc giúp nâng cao năng lực cho người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Thành công nữa là, hiện nay, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chủ động, gắn kết chặt chẽ trong việc hợp tác, liên kết với nhau, hình thành tổ sản xuất hoạt động trong lĩnh vực.
Thực tế hiện nay cho thấy, trong tiêu chí đo lường chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025, xét riêng về 12 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản thì các hộ gia đình Việt Nam năm 2022 thiếu hụt nhiều nhất về việc làm (39,8%), trình độ giáo dục người lớn (33,6%), dinh dưỡng (24,1%) và bảo hiểm y tế (22,4%). Để các hợp tác xã có thể góp phần giải quyết các chiều thiếu hụt này, ông Hoàng Xuân Lương đề nghị cần đặc biệt quan tâm giải quyết việc làm. Đầu tiên là giải quyết việc làm tại chỗ chính là thông qua tổ hợp tác và hợp tác xã, bởi mỗi tổ hợp tác liên kết lại với nhau, cùng trồng một loại cây hay nuôi con gì thì thu hút được khoảng 10 lao động tại địa phương mình.
Đồng thời, cần thúc đẩy hoạt động liên kết để tiêu thụ sản phẩm, giúp tạo đầu ra sản phẩm cho tổ hợp tác, hợp tác xã thông qua cung cấp thông tin, hệ thống công nghệ hiện đại. Các cơ quan, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội cần tăng cường hỗ trợ các thành viên tổ hợp tác tận dụng công nghệ, mạng xã hội để phổ biến, giới thiệu sản phẩm và kết nối giao thương trực tiếp trên môi trường mạng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn