Hợp tác xã thổ cẩm xã Tả Phìn có lẽ là đơn vị đầu tiên ở Sa Pa được xây dựng và phát triển từ hàng chục năm nay. HTX thu hút hàng trăm hội viên Hội LHPN xã, mỗi năm cung ứng hàng nghìn đơn vị sản phẩm ra thị trường trong nước và ngoài nước. Nhờ đó, HTX đem lại nguồn thu nhập khá ổn định cho các hội viên ở mọi lứa tuổi.
Cho đến nay, HTX có hơn 140 hội viên, trong số đó có nhiều phụ nữ lớn tuổi, không còn đủ sức khỏe để làm công việc ruộng nương nặng nhọc,
Vào dịp mưa bão, hoạt động của Hợp tác xã phải dừng sản xuất, vì không thể xuất hàng đi, nhưng đến nay, các chị em xã viên đã tiếp tục bắt tay vào sản xuất, hàng hóa cũng được xuất đi và nhận về những đơn hàng mới.
Bà Lý Mẩy Pham, Chủ tịch Hội LHPN xã Tả Phìn, cho biết: “Do có truyền thống hoạt động lâu dài, nên HTX có hệ thống tiêu thụ sản phẩm khá rộng, tuy nhiên, khi xảy ra mưa bão lớn như vừa rồi, thì mọi hoạt động phải tạm dừng. Từ việc sản xuất cho đến việc cung cấp sản phẩm đến các cơ sở tiêu thụ, khiến cho nhiều chị em cũng bị ảnh hưởng đến thu nhập, nhưng đây là tình thế bất khả kháng. Sau khi mưa bão đi qua thì Ban Chủ nhiệm HTX cùng các chị em xã viên lại tích cực bắt tay khởi động lại các hoạt động bình thường”.
Khi hoạt động trở lại, nhiều chị em lại miệt mài với công việc thêu thùa, sản xuất các loại mặt hàng thổ cẩm như khăn, áo, váy, các loại túi lưu niệm trên chất liệu thổ cẩm truyền thống.
Bà Tẩn Tả Mẩy, ở thôn Tà Chải, xã Tả Phìn, cho biết: “Khi hoạt động trở lại thì Ban Chủ nhiệm HTX đưa mẫu hàng, số lượng hàng đến cho xã viên. Đối với quy định của HTX, việc sản xuất hàng phải đạt yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, đảm bảo độ bền thì bên mua hàng họ mới ưng, mới giữ được uy tín cho HTX”.
Mô hình HTX thổ cẩm ở Tả Phìn được đánh giá rất cao, bởi không chỉ đem lại việc làm và thu nhập cho phụ nữ người Mông, người Dao trong xã, mà ngay cả các cụ bà lớn tuổi, không còn đủ sức đi làm ruộng, nương sản xuất nông nghiệp, vẫn có thể ngồi ở nhà làm sản xuất hàng thổ cẩm, tạo ra nguồn thu nhập hàng tháng.
Bà Lý Tả Mẩy, thành viên Ban Chủ nhiệm HTX thổ cẩm Tả Phìn, chia sẻ: “Bình quân thu nhập hàng tháng của mỗi xã viên HTX ở mức 5- 7 triệu đồng/tháng. Về mùa du lịch đông khách, chị em có thể bán thêm được hàng cho khách du lịch ngay tại địa phương, thu nhập có thể lên tới hơn 10 triệu đồng/tháng, nên chị em cũng rất đam mê với công việc này”.
Cho đến nay, chúng tôi vẫn đang duy trì phát triển đáp ứng được nhu cầu của các đơn vị đặt hàng. Tuy nhiên, về việc mở rộng quy mô, nâng cao sản lượng, thì quả thực là cũng hơi khó, vì tất cả sản phẩm của chúng tôi đều sản xuất thủ công. Nếu như tăng sản lượng quá nhiều, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Nếu chất lượng không đảm bảo, thì thật khó đáp ứng được yêu cầu của đơn vị đối tác. Nên chúng tôi ưu tiên đến chất lượng hơn là số lượng.
Điều quan trọng đối với chúng tôi, đó là mọi chị em, từ người trẻ đến người lớn tuổi, đều có thể tham gia sản xuất, có thu nhập, và công việc cũng khá đều đặn là thành công rồi.
Ở nhiều địa phương cũng thành lập các HTX sản xuất hàng thủ công nhưng để duy trì phát triển bền vững thì lại không được như ở Tả Phìn, Sa Pa. Do vậy, mô hình HTX thổ cẩm Tả Phìn rất đáng để nhiều địa phương tham khảo.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn