Hot girl Chi Pu vào đề Văn gây tranh cãi, trường không bình luận

22:50 | 11/12/2017;
Mới đây, đề thi học kỳ 1 môn Ngữ văn lớp 10 trường THPT Hạ Hòa (Phú Thọ) gây tranh cãi khi đưa Chi Pu vào đề thi mở. Phía nhà trường từ chối không đưa ra bình luận mà chỉ khẳng định đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ.

Tổ ra đề: Ra đúng, xin không bình luận

Trao đổi với Báo Phụ nữ Việt Nam chiều 11/12, cô giáo Nguyễn Nhung – Đại diện nhóm ra đề Ngữ văn trường THPT Hạ Hoà (Phú Thọ) cho biết, đề ra theo đúng văn bản chỉ đạo của ngành, đã được trình ban chuyên môn, được duyệt và đảm bảo đúng quy trình ra đề và đúng chuẩn với kiến thức kỹ năng.

Khi được hỏi về việc lý do đưa Chi Pu vào đề thi, cô Nguyễn Nhung từ chối không đưa ra bình luận gì thêm.

Trước đó, mạng xã hội tranh cãi gay gắt về đề thi Ngữ văn lớp 10 của THPT Hạ Hòa (Phú Thọ). Theo đó, câu 2, đề thi cho biết:

“Chi Pu tên thật là Nguyễn Thùy Chi. Cô bắt đầu nổi danh từ cuộc thi Miss Teen năm 2009, hiện là một hot girl được nhiều bạn trẻ yêu thích. Tháng 10 vừa rồi, Chi Pu tung MV Từ hôm nay đánh dấu chuyển mình trở thành ca sĩ. Ngay lập tức, cô vấp phải nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. Hương Tràm là người đầu tiên đưa ra quan điểm mạnh mẽ: “Không biết hát thì đừng mang nghề ca sĩ ra để kiếm tiền”. Tóc Tiên, Thanh Lam, Thu Minh, Quốc Thiên, Văn Mai Hương... cũng có cùng quan điểm. Không chỉ vậy, ảnh chế về cô xuất hiện ở khắp nơi. Những đoạn clip xuyên tạc thu hút hàng trăm nghìn lượt xem.

Mặc cho dư luận “ném đá”, giọng ca “Từ hôm nay” cho biết cô không bị ảnh hưởng nhiều bởi điều này. Hiện, cô vẫn tập luyện thanh nhạc để chứng minh con đường mình chọn là đúng, mỗi tháng cô sẽ cho ra mắt một MV".

Từ đó đề yêu cầu học sinh, hãy hóa thân vào Chi Pu, viết một bài văn tự sự có sử dụng yếu tố biểu cảm kể về một ngày của mình sau khi ra mắt MV “Từ hôm nay”.

Đề Ngữ văn lớp 10 gây tranh cãi khi đưa Chi Pu vào đề thi mở

Giáo viên cũng nhiều ý kiến trái chiều

Theo ghi nhận, có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh đề thi này. Theo TS Văn học Phạm Hữu Cường, ưu điểm của đề là giúp học sinh có khả năng hóa thân, tưởng tượng vào nhân vật để bày tỏ quan điểm và suy nghĩ riêng của mình, kích thích khả năng sáng tạo của các em và hướng các em ít nhiều quan tâm đến các vấn đề thời sự, xã hội…

Tuy nhiên, hạn chế của đề là tính giáo dục không cao, nhất là khi liên quan đến việc các nghệ sĩ “ném đá” nhau. Do đó, nó có tác động không tốt về mặt giáo dục với các em. Hơn nữa, lùm xùm trong giới showbiz là điều không nên để học sinh lớp 10 quan tâm, không phù hợp lứa tuổi các em.

“Để đảm bảo tính giáo dục cũng như tính sư phạm, chúng ta hoàn toàn có thể ra những đề thi với các hiện tượng tích cực hơn của đời sống. Đề Văn mở là cần thiết và mang tính tích cực nhưng mở cũng phải trong giới hạn, không nên quá rộng, không phù hợp lứa tuổi hoặc những vấn đề có tính giáo dục không cao. Theo tôi Bộ GD&ĐT nên có giới hạn nào đó quy định về việc ra đề Văn mở thế nào cho phù hợp với lứa tuổi học sinh” – TS Phạm Hữu Cường nói.

MV đầu tay của Chi Pu nhận không ít "gạch đá" từ nhiều ca sĩ.

 

Tuy nhiên, trái với các ý kiến phản đối, một giáo viên Ngữ văn ở THPT Chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) cho rằng, đưa Chi Pu vào đề thi chỉ với mục đích để văn chương gắn với đời sống, từ tình huống của cô ca sĩ này để học sinh bày tỏ, trải nghiệm.

Theo nữ giáo viên, bài thi sở dĩ chọn Chi Pu vì có thể cô ấy rất gần với các bạn trẻ, giúp học sinh cảm thấy hào hứng. Đây là cách để kích hoạt kiến thức thôi chứ không ảnh hưởng gì đến giáo dục. Học sinh đặt mình trong cảnh ngộ của Chi Pu để bộc lộ cảm xúc chứ không phải viết về Chi Pu.

“Nếu bỏ tên Chi Pu đi mà thay bằng một nhân vật khác thì là đề quá bình thường, chưa chắc tạo được sự hấp dẫn. Theo tôi không nên quan trọng hóa quá về tình huống. Bởi mục đích của đề thi không phải viết về Chi Pu mà là muốn học sinh bày tỏ cảm xúc khi đặt mình vào tình huống việc mình làm mà không được ủng hộ. Bởi biết đâu, có thể thể các em cũng gặp tình huống này trong cuộc sống về sau” – nữ giáo viên bày tỏ.

Cũng theo cô, ra đề thi mở là một cách làm rất hay, giúp gắn kết văn chương với cuộc sống. Với những tình huống có thật, học sinh sẽ hào hứng hơn, viết chân thành hơn, không sáo rỗng như văn mẫu và biết bày tỏ cảm xúc cá nhân.

“Một bài thi, sau khi các em làm bài xong không chỉ đơn thuần là làm văn mà là thêm một lần giúp bồi đắp giá trị sống, như là một lần các em được đối thoại với chính mình và cuộc sống xung quanh. Theo tôi đó mới là mục đích lớn nhất của đề thi mở” - cô giáo này cho biết.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn