Đan lát tại HTX |
Qua những câu chuyện bà kể về những tổ viên trong hợp tác xã mỗi người là một câu chuyện dài mà bà đã giúp đỡ để họ được như ngày hôm nay, có những câu chuyện đã làm tôi cảm động rơi nước mắt và tôi thầm nghĩ nếu không có những hy sinh thầm lặng của những con người như thế thì những người bất hạnh không có người thân, không nghề nghiệp, không có vốn chỉ sống qua ngày bằng những việc trộm cắp thì số phận họ sẽ đi về đâu trong cuộc sống này. Khi mới thành lập hợp tác xã chỉ có 5 chị thế nhưng sau đó số xã viên cũng dần tăng lên đến nay đã hơn 400 người, xuất thân của họ là những người không nghề, phải sống nhờ người khác hoặc làm những việc mà xã hội coi rẻ, nhưng khi vào đây họ được dạy nghề từ đơn giản đến phức tạp, họ đã yên tâm làm việc mặc dù với mức lương không cao. Bởi dù là gái mại dâm, những người nghiện ma túy hay những người tàn tật những nơi khác e ngại thì ở đây họ được đối xử bình đẳng. Chị chủ nhiệm đã chỉ cho chúng tôi một dãy phòng giống như nhà tập thể được cất trên mảnh đất nhà chị, để cho hơn chục người trong xã viên tá túc. Trong họ có người lang thang không nhà, có người mồ côi được nuôi dưỡng từ nhỏ đến trưởng thành như ngày nay. Mới đây một cô bé mồ côi ngày nào đã được HTX tổ chức đám cưới và chưa có nhà họ được tạm ở ngay nhà bà chủ nhiệm. Bà chủ nhiệm đã tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cuộc sống cho mỗi xã viên trong HTX vượt lên chính mình để trở thành những người có ích cho xã hội.
Ngôi nhà chung của nhiều lao động |
Bà chủ nhiệm đã chia sẽ những câu chuyện cảm động và bà rất vui bởi nhiều người đã ra đi từ HTX này thành đạt, có người nay đã là lãnh đạo của một số cơ quan lớn, một số “tay xã viên bướng bỉnh” ít chịu nghe ai mà lại nghe bà. Bà cũng vui và tự hào vì trước đây có tới 280 HTX ngành mây tre đan mà nay chỉ còn 6 HTX trụ lại được, trong đó có HTX Ba Nhất và bà là chủ nhiệm từ khi mới thành lập.