Mô hình hợp tác xã (HTX) đang là yêu cầu tất yếu cho nền sản xuất nông nghiệp. Do đó Hội LHPN thị xã Ngã Bảy đang đẩy mạnh phát triển hình thức này nhằm nâng cao giá trị nông sản tại địa phương.
Tại HTX Toàn Thắng, chuyên chăn nuôi heo ở ấp Sơn Phú 1, xã Đại Thành, qua một năm thành lập, nên mọi công việc đã được lên lịch sẵn sàng và đi vào nề nếp. Điều đặc biệt ở đây, 10 thành viên trong HTX đều là phụ nữ. Quy mô chăn nuôi hiện 200 con heo thịt. Tất cả các việc như đầu tư giống ra sao, tiêu thụ thế nào được đưa ra bàn bạc cụ thể, thống nhất rồi lên phương án, kế hoạch rõ ràng mới triển khai thực hiện.
Chị Nguyễn Kim Toàn, Giám đốc HTX Toàn Thắng, vui vẻ kể lại cho chúng tôi nghe về những ngày trước khi thành lập. Với chị Toàn, ở giai đoạn đầu, khâu vận động các hộ tham gia gặp không ít khó khăn vì đa phần các hộ chăn nuôi heo đều có thu nhập thấp, quy mô nhỏ lẻ. Chính cách làm này khiến chị em gặp nhiều khó khăn. Từ khâu mua con giống đến mua thức ăn chăn nuôi. Gặp thời điểm thị trường khan hàng, giá cả sẽ bị tư thương đầy lên rất cao. Chưa kể chất lượng lại không được kiểm định chứng nhận. Trong quá trình chăn nuôi, nguy cơ dịch bệnh luôn rình rập. Chị em thường phải tự mình tìm hiểu cách phòng chữa bệnh. Cách làm này chi phí vừa cao lại vừa không hiệu quả. Mỗi khi có chị em chủ quan là lợn có nguy cơ nhiễm bệnh thậm chí lợn chết là mất cả vốn cả lãi.
Chăn nuôi lợn trong HTX |
Tương tự là đầu ra sản phẩm. Điệp khúc được mùa rớt giá vẫn cứ ám ảnh người chăn nuôi. Đến ngày lợn xuất chuồng, chu kỳ lớn đã hết, tư thương ra sức ép giá. Nếu bán cho họ thì không có lãi có khi còn chịu lỗ nhưng nếu không bán mỗi ngày phải tốn tiền mua thức ăn mà lợn lại lớn rất chậm.
Khó khăn là vậy nhưng cách làm truyền thống vẫn ăn sâu vào tư duy của chị em. Những lợi ích của cách làm mới là đoàn kết với nhau nghe cũng rất hay nhưng chưa ai một lần trải qua nên tâm lý e ngại vẫn lớn.
Trước thực trạng của ngành chăn nuôi hiện nay, chị Toàn đứng ra vận động bà con trong xóm thay đổi cách nghĩ, cách làm và nhất là biện pháp để liên kết tạo ra sức mạnh tổng hợp trong sản xuất kinh doanh. “Chúng tôi trăn trở làm sao cho các thành viên có thể đảm bảo được đầu ra ổn định. Bản thân tôi mong muốn các hộ nuôi heo nhỏ lẻ sẽ cùng liên kết lại để tìm được thị trường ổn định, phát triển kinh tế gia đình. Điều quan trọng hơn, trước áp lực cạnh tranh, người nuôi phải tiết giảm được các chi phí từ thức ăn đến con giống." Sau khi tính toán ra toàn bộ chi phí sản xuất, HTX quyết định các xã viên sẽ tự sản xuất con giống và chủ động tìm nguồn cung cấp thức ăn, thuốc phòng trừ bệnh cho heo trực tiếp từ công ty để được ưu đãi giá rẻ hơn các đại lý. Khi HTX đi vào hoạt động ổn định, lãnh đạo sẽ tiếp tục vận động các thành viên kết hợp thêm mô hình biogas tận dụng chất thải cùng các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường chăn nuôi. Chị Nguyễn Thị Kim Toàn chia sẽ phát triển kinh tế hợp tác - hợp tác xã nhằm khai thác tiềm năng lợi thế để giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của các thành viên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo mối liên kết, hợp tác giữa chị em phụ nữ và các thành phần khác trong chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm. Qua một năm tổng lợi nhuận trên 100 triệu. 6 tháng cuối năm 2016 HTX tiếp tục đầu tư chăn nuôi quy mô lớn hơn dự kiến 300 con heo thịt.