Tốt nghiệp trường Cao đẳng Lương thực thực phẩm Đà Nẵng, chuyên ngành Công nghệ sinh học năm 2007, đi làm thuê hơn 3 năm tại nhiều nơi khác nhau, chị Thủy nhận thấy cuộc sống gia đình vẫn rất khó khăn. Chính từ kinh nghiệm đi làm thuê tại các cơ sở sản xuất nấm, năm 2010 chị mở riêng cho mình một cơ sở sản xuất nấm quy mô nhỏ. Giai đoạn đầu sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, khó khăn nhất là tìm kiếm thị trường tiêu thụ, vợ chồng chị vừa sản xuất vừa buôn bán tại các chợ lân cận.
Trời không phụ lòng người chăm chỉ lao động như vợ chồng chị, đến năm 2013 mô hình nấm nhà chị đã được nhiều người tại các xã lân cận biết đến, thị trường tiêu thụ ngày càng rộng nhưng gia đình lại không sản xuất đủ nấm để cung cấp. Vay vốn từ nhiều nguồn khác nhau, cùng với nguồn vốn Quỹ phát triển kinh tế xã hội Hội LHPN tỉnh Quảng Nam chị đã mở rộng mô hình nấm lên 4 trại với tổng số 12.000 bịch.
Cơ sở sản xuất của HTX |
Công việc làm ăn của gia đình dần dần đi vào ổn định, chị quyết định mở rộng thị trường và chuyển đổi hoạt động theo hướng bền vững. Được Hội LHPN huyện tuyên truyền, vận động đặc biệt Liên minh HTX tỉnh trực tiếp hướng dẫn làm hồ sơ, thủ tục pháp lý ngày 20/5/2014, chị cùng với các gia đình sản xuất nấm lân cận đăng ký thành lập HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm Nhì Tây nhằm để liên kết và nhân rộng mô hình sản xuất từ đó tiến tới: Xây dựng một thương hiệu nấm và rau sạch vệ sinh an toàn thực phẩm, uy tín, chất lượng; góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên và hợp tác xã, cùng địa phương thoát nghèo bền vững, đẩy nhanh công cuộc xây dựng nông thôn mới; giúp cho sản phẩm làm ra không chỉ đáp ứng nhu cầu tại địa phương mà còn vươn tầm xa hơn ra thị trường trong và ngoài tỉnh; HTX ra đời với mục tiêu tạo sự liên kết và hỗ trợ giữa các hộ trong sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay sản lượng sản phẩm xuất ra thị trường khoảng 15 tấn nấm Bào Ngư/năm, bên cạnh đó còn có nấm Linh chi và nấm Mộc Nhĩ... sản phẩm của HTX được trao thương hiệu là cơ hội lớn cho xã viên nâng quy mô và sản lượng nấm lên gấp 2 - 3 lần vào năm tới.
Đã có thương hiệu, sản phẩm của HTX sản xuất chế biến và tiêu thụ Nấm Nhì Tây đang được Sở Y tế cấp Giấy chứng nhận sản phẩm đủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Đây là HTX tiên phong trong lĩnh vực sản xuất giống nấm trên địa bàn tỉnh.
Thế mạnh của HTX sản xuất chế biến và tiêu thụ Nấm Nhì Tây là ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất các loại nấm ăn và nấm dược liệu, bên cạnh đó còn sản xuất giống nấm. HTX đang xúc tiến mở rộng cơ sở sản xuất.
Trong điều kiện môi trường kinh doanh luôn thay đổi và biến động như hiện nay, HTX đã xây dựng cho mình những chiến lược phát triển phù hợp nhằm đảm bảo tồn tại và phát triển của HTX, giúp cho HTX chủ động hơn trước sự cạnh tranh gay gắt của thị trường, nhất là thị trường nông sản.
HTX đã đề ra chiến lược phát triển để HTX giải quyết phần nào những khó khăn mà HTX gặp phải, tận dụng những thế mạnh hiện có của mình để tìm ra hướng đi mới trong giai đoạn tới. Qua đó giúp HTX lựa chọn cách thức hoặc phương hướng hành động và phân bổ nguồn lực thiết yếu để thực hiện mục tiêu đó.
Sản xuất nấm tại HTX |
HTX hiện nay trở thành đầu mối thu gom, cung ứng sản phẩm và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các thành viên, hộ gia đình có nhu cầu trồng nấm trong và ngoài địa phương. Hỗ trợ người dân tại địa phương chủ động trong việc sản xuất cả khâu đầu vào và tiêu thụ đầu ra. Có ký kết hợp đồng cụ thể với các đơn vị sản xuất để đảm bảo về số lượng sản phẩm cung cấp cho thị trường theo đơn đặt hàng.
Hiện nay sản lượng sản phẩm xuất ra thị trường của HTX mỗi tháng khoảng 1,5 tấn với giá bán trung bình hiện nay 25.000 đồng/ kg trừ hết chi phí HTX thu được lợi nhuận từ 5 đến 10 triệu/ 1 tháng. Bên cạnh đó vào mùa mưa, HTX còn sản xuất thêm các loại nấm Linh Chi và Nấm mộc nhĩ. Bã thải của trồng nấm được tận dụng để trồng rau mầm và làm phân vi sinh hữu cơ, tạo cho các thành viên có thêm nguồn thu nhập ổn định, từ đó nâng cao mức sống của các thành viên.
Hợp tác xã sản xuất chế biến và tiêu thụ Nấm Nhì Tây đi vào hoạt động ổn định đã giải quyết 10 lao động tại địa phương, bình quân mỗi tháng chi trả cho lao động từ 2 đến 3 triệu đồng/ người, đồng thời góp phần ổn định cuộc sống và làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo chủ trương xây dựng nông thôn mới hiện nay.