HTX trái cây Nhân Đức

16:17 | 24/08/2016;
Thành lập ngày 01/01/2014 tại xã Hiếu Liêm huyện Bắc Tân Uyên tỉnh Bình Dương. HTX Nhân Đức đã thành công trên con đường phát triển kinh tế bằng cây có múi.
Gặp ông Trần Thành Có, Chủ nhiệm HTX Nhân Đức chúng tôi được biết năm 1982, ông đặt chân lên vùng đất Hiếu Liêm. Lúc đó, khu vực này chỉ là một khu rừng hoang rậm rạp. Sinh ra trong gia đình thuần nông, lại từng làm việc tại HTX giống cây trồng từ thời bao cấp, ông Trần Thành Có rất tự tin khi quyết định lập nghiệp tại đây. Trải qua khá nhiều cách thức làm nông nghiệp như trồng cao su, lập trại nuôi heo, nuôi gà... ông thấy hiệu quả không cao.
cam.jpg
 Cam sành của HTX

Năm 2011, ông Có quyết định chuyển sang trồng cây có múi, bắt đầu với 7 ha cam, 4 ha bưởi. Sau khi nắm bắt được kỹ thuật, ông đã mạnh dạn vay 6 tỷ đồng để đầu tư phát triển cây có múi. Với công nghệ trồng mới, vườn cây được thiết kế mương liếp bảo đảm thông thoáng có lối đi để quản lý cây trồng, mật độ trồng thưa, bón lót phân hữu cơ, sử dụng giống cây sạch bệnh, chọn thời điểm xuống giống để hạn chế sâu bệnh. Qua 3 năm chăm sóc, ông đã có vụ thu hoạch trái đầu tiên khả quan, sản lượng bình quân 40 tấn/ha. “Đây là giống cây trồng mới, xuất phát từ miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long. Khi đưa về vùng đất này trồng thấy phù hợp, sinh trưởng phát triển tốt. Tỷ lệ cây cho trái không thua gì các nơi khác”, ông Có nói.

Đến đầu năm 2014, thấy mô hình phát triển cây có múi của mình nên được nhân rộng cho nhiều người cùng làm, ông Có quyết tập hợp thêm một số người cùng thành lập HTX. Đến nay, HTX Nhân Đức đã có 11 thành viên và đi vào hoạt động một cách hiệu quả. Tận dụng được lợi thế về nguồn nước từ sông Đồng Nai và sông Bé cũng như đất đồi cao rất thích hợp, hạn chế được ngập úng, lại được xử lý cho trái trái vụ… nên chất lượng và sản lượng vườn cây luôn được nâng cao. Hiện nay, năng suất bình quân của các vườn cây trong HTX đã nâng lên 50 tấn/ha. Tất cả các sản phẩm thu hoạch đều được hợp đồng tiêu thụ từ các thương lái miền Bắc với giá ổn định 30.000 đồng/kg, mang lại thu nhập hàng tỷ đồng cho các xã viên.

cam-1.jpg
 Ông Có bên vườn cam

Điều đáng kể đến chính là việc HTX đã xây dựng và thiết kế đường dây 220kV, đưa điện về phục vụ cơ giới hóa trong sản xuất. Ông Có chia sẻ, việc cơ giới hóa trong sản xuất chính là bước tiến vượt bậc nhằm giảm thiểu tối đa công sức lao động. Để có được nguồn điện đến tận nơi sản xuất, HTX đã tự đầu tư kéo nối hệ thống đường dây 220kV dài 3km đến tới tận khu vực phục vụ sản xuất với tổng nguồn vốn đầu tư gần 5 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên, hồ hởi: “Hiện toàn xã có gần 1.000 ha trồng cây ăn trái có múi (cam, quýt, chanh không hạt…), trong đó hơn 100 hộ tham gia canh tác cam sành. Một trong những người được xem là “vua cam” ở đất Bắc Tân Uyên là ông Tư Có (Trần Thanh Có), Chủ nhiệm hợp tác xã Nhân Đức”.

Việc mạnh dạn, tìm hiểu thông tin kỹ lưỡng và vô cùng tâm huyết trong công việc đã giúp tạo ra HTX Nhân Đức như ngày hôm nay, thành công và góp phần cải thiện đời sống người dân, tạo ra thương hiệu trên chính mảnh đất quê hương của mình.

 

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn