Được biết, Hội LHPN phường Hương Long, Tp.Huế vận động, chị Nguyễn Thị Phương Thảo, hội viên phụ nữ chi hội 3 tham gia cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” do Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức.
Quá trình dự thi, chị được Hội LHPN phường đồng hành, hỗ trợ làm hồ sơ, thủ tục, động viên cổ vũ tinh thần từ các vòng thi. Kết quả, mô hình dịch vụ giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, kỹ năng nuôi dạy con tốt cho phụ huynh trong thời công nghệ 4.0 đạt giải nhì. “Có cơ hội cọ xát từ cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp, được các chuyên gia tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp, doanh nghiệp thành công, được chia sẻ kinh nghiệm, đã tạo bước đệm cơ bản ban đầu để ý tưởng của tôi vinh dự giành giải nhì cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2019 do UBND tỉnh tổ chức”, chị Thảo nói.
Theo chị Võ Thị Phước, Chủ tịch Hội LHPN phường Hương Long, cách đây 3 năm, khởi nghiệp là khái niệm mới mẻ đối với hầu hết hội viên phụ nữ, ngay cán bộ hội của phường cũng phải tham gia nhiều lớp tập huấn để trang bị những kiến thức, kỹ năng tuyên truyền vận động hội viên khởi nghiệp. Khi hiểu rõ khái niệm về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, Hội LHPN phường đã rà soát hội viên, phụ nữ có nhu cầu và ý tưởng khởi nghiệp từ đó có những giải pháp hỗ trợ, hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. “Chúng tôi luôn vận động các chị tham gia các diễn đàn, hội thảo do Hội LHPN tỉnh, thành phố tổ chức, giúp các chị có cơ hội tiếp xúc với các chuyên gia khởi nghiệp để học hỏi kinh nghiệp cũng như được truyền “lửa”, bồi đắp ý tưởng kinh doanh cho bản thân”, chị Phước cho biết.
Được tiếp cận đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, nhiều hội viên Hội LHPN phường Hương Long đã ấp ủ và xây dựng ý tưởng khởi nghiệp.
Riêng năm 2020, phường Hương Long có 2 hồ sơ tham dự cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp cấp tỉnh lần thứ 2. Trong đó, đề án “Sản xuất và cung cấp các loại rau mầm sạch” của chị Lê Thị Hạnh được lọt vòng chung khảo. Hiện chị Hạnh đang mở rộng quy mô sản xuất để phục vụ khách hàng.
Bên cạnh vận động hội viên khởi nghiệp, Hội LHPN phường Hương Long tích cực đồng hành cùng chị em khởi sự kinh doanh. Sở hữu ba cơ sở sản xuất, gia công hàng may mặc, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động tại địa phương, chị Nguyễn Thị Mỹ Xuyên (hội viên Hội phụ nữ chi hội 3) chia sẻ, kết quả này một phần nhờ biết vận dụng những kiến thức kinh nghiệm từ các lớp tập huấn của đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” của các cấp hội.
Được phụ nữ phường giới thiệu, chị dành thời gian tham gia các lớp tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm về những thuận lợi, khó khăn khi phụ nữ khởi sự kinh doanh. Được gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều phụ nữ thành công trong lập nghiệp, được các chuyên gia phân tích bí quyết nắm bắt nhu cầu thị trường, tận dụng năng lực cá nhân và thế mạnh tại địa phương, chị đã mạnh dạn đầu tư mở cơ sở sản xuất hàng may mặc.
Chị Xuyên chia sẻ: “Luôn tìm hiểu xu hướng của thị trường, cải thiện mẫu mã, học hỏi cách sử dụng máy tính, áp dụng công nghệ vào quản lý các sản phẩm khoa học và chuyên nghiệp là một phần của kinh nghiệm tôi học hỏi được từ các chuyên gia, những người khởi nghiệp thành công trong những lần tham gia các diễn đàn, hội thảo do các cấp hội phụ nữ tổ chức”.
Nhiều hội viên phụ nữ phường Hương Long còn mạnh dạn mở quán ăn, buôn bán hàng qua mạng... để tăng thu nhập, có cuộc sống ổn định. Hội phụ nữ tạo điều kiện cho các chị tiếp cận các nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi qua các ngân hàng do các cấp hội nhận ủy thác, vốn tiết kiệm tự nguyện tại chỗ của các chi hội… với tổng nguồn vốn hàng tỷ đồng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn