Chúng tôi tìm về thôn Đa Hòa (xã Bình Minh, Khoái Châu, Hưng Yên) vào đúng hôm nắng gắt, trời như đổ lửa. Thấy có khách, bà Phạm Thị Nho (SN 1953), vợ liệt sĩ Đỗ Thành Hồng, đang lúi húi ngoài vườn, tất tả đi vào. Dáng đi xiêu vẹo, chân khập khiễng đầy mệt nhọc, bà Nho cho biết: "3 năm trước tôi bị tai nạn, gãy xương đùi nên giờ đi lại khó khăn". Nói rồi bà mời chúng tôi vào nhà. Gọi là nhà nhưng thực chất là nhà thờ của họ Phạm, bà Nho xin tá túc ở đây.
Ngước nhìn di ảnh của người chồng, bà Phạm Thị Nho nghẹn ngào kể, năm 1975, bà kết hôn với ông Đỗ Thành Hồng, người cùng thôn. Ngày đó, ông Hồng làm lái tàu ở sông Đà nên cũng đi công tác suốt. Bà Nho ở cùng mẹ chồng và gia đình anh trai chồng trong một căn nhà 3 gian. Vì quá chật chội, nên vợ chồng bà Nho bàn nhau mua căn nhà của ông Chu Văn Nhung ở đội 5, thôn Đa Hòa, xã Bình Minh, để ra ở riêng. "Mua xong chồng tôi bảo đổi cho vợ chồng ông Sĩ là anh trai, đến ở căn nhà của vợ chồng tôi mua còn vợ chồng tôi ở nhà của bố mẹ để chăm sóc mẹ già vì vợ chồng tôi chưa có con. Những năm đó, chồng tôi đang công tác tại công ty vận tải tàu thủy sông Đà", bà Nho kể.
Ngày 31/12/1978, theo tiếng gọi tổng động viên, ông Đỗ Thành Hồng nhập ngũ rồi vào Nam, tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam. Tháng 5/1979, ông Đỗ Thành Hồng hy sinh tại mặt trận Tây Nam. "Khi chồng tôi hy sinh, vợ chồng tôi vẫn chưa có con. Tôi ở vậy thờ chồng, chăm sóc mẹ chồng già yếu", bà Nho ngậm ngùi. Theo lời kể của bà Nho, đến năm 1993, gia đình anh trai chồng bà đã chiếm mảnh đất mà vợ chồng bà Nho đã mua trước đó. Cực chẳng đã, bà đành mang theo di ảnh của chồng cùng bằng Tổ quốc ghi công về ở nhờ nhà bố mẹ đẻ. Sau đó, gia đình em trai là ông Phạm Quang Bùi (thương binh hạng 1) đã bán nhà ở quê để lên Hà Nội sinh sống. Bà Nho chỉ còn biết ở nhờ nhà thờ dòng họ bên ngoại do ông Phạm Quang Bùi quản lý.
Suốt từng ấy năm, bà Nho không có chỗ ở chính thức, sống thui thủi một mình trong căn nhà thờ họ tại xóm 3, thôn Đa Hòa, xã Bình Minh. "Chồng tôi hy sinh để lại cho tôi bao đau thương, không con cái, không tấc đất cắm dùi, không có nơi thờ cúng. Ngày lễ, ngày Tết, ngày giỗ của anh, nghĩ đến cảnh không có nơi để thắp cho anh nén hương tử tế, tôi quặn lòng, khổ tâm lắm", bà Phạm Thị Nho gạt nước mắt nói.
Vì không có chỗ ở nên năm 2011, bà Nho có làm đơn gửi lên cơ quan chức năng địa phương đề nghị xem xét, tạo điều kiện cấp cho bà một mảnh đất để làm chỗ ở và nơi thờ tự chồng. Tuy nhiên, sau nhiều lần xem xét, đến nay gần 10 năm, nguyện vọng của bà Nho vẫn chưa thành hiện thực. "Tôi già cả rồi, chả biết sống được đến bao giờ. Sống được ngày nào, tôi vẫn muốn có một chỗ ở để làm nơi thờ tự cho chồng, để khi tôi chết đi, tôi được chết trên mảnh đất của mình chứ không phải chết trên đất ở nhờ", vợ liệt sĩ Đỗ Thành Hồng nghẹn ngào.
"Nếu cấp trên cho phép, chúng tôi cấp ngay"
Năm 2018, bà Phạm Thị Nho tiếp tục có đơn gửi UBND xã Bình Minh, UBND huyện Khoái Châu và các đơn vị liên quan đề nghị xem xét, giải quyết nguyện vọng cho bà, cấp cho bà một mảnh đất nhỏ để làm nơi thờ tự liệt sĩ. Liên tiếp trong các năm 2019, 2020, đơn của bà Nho được các cơ quan chức năng của tỉnh Hưng Yên chuyển tới Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, UBND huyện Khoái Châu, đề nghị xem xét.
Ngày 18/2/2020, UBND huyện Khoái Châu đã có Báo cáo số 44 gửi UBND tỉnh Hưng Yên báo cáo về trường hợp bà Phạm Thị Nho. Trong báo cáo này, UBND huyện Khoái Châu cho rằng, "hiện nay không có văn bản pháp luật nào quy định về việc cấp đất ở cho thân nhân liệt sĩ, vì vậy đề nghị được cấp đất của bà Nho là chưa có cơ sở".
Theo bà Nho, trong Báo cáo 44 của UBND huyện Khoái Châu có nhiều điểm không chính xác, như việc nói rằng bà Nho được mẹ chồng cho bà một mảnh đất ở đăng ký tên bà Phạm Thị Nho. "Tôi đã bao giờ biết đến sổ đỏ là gì đâu. Cũng chưa bao giờ được đứng tên một tài sản, mảnh đất nào", bà Nho nói.
Liên quan đến vụ việc này, ngày 11/5 vừa qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hưng Yên đã có công văn gửi UBND huyện Khoái Châu, đề nghị UBND huyện kiểm tra, xác minh các thông tin bà Phạm Thị Nho nêu, sớm có báo cáo, đề xuất phương án giải quyết tới Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh.
Liên quan đến những vấn đề bà Phạm Thị Nho nêu, chúng tôi đã đến làm việc với lãnh đạo UBND xã Bình Minh và UBND huyện Khoái Châu. Trả lời PNVN, lãnh đạo UBND xã Bình Minh xác nhận có trường hợp bà Phạm Thị Nho, vợ liệt sĩ Đỗ Thành Hồng, có hoàn cảnh neo đơn, sống nhờ tại nhà thờ họ ở thôn Đa Hòa. Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng, xã không có thẩm quyền cấp đất cho người dân nói chung cũng như cho thân nhân liệt sĩ, thẩm quyền việc này thuộc về cấp trên. "Nếu cấp trên đồng ý, cho phép thì chúng tôi sẵn sàng", vị này nhấn mạnh. Vị này cũng cho biết, ở địa phương, trường hợp của bà Nho là rất đặc biệt.
Chúng tôi đã liên hệ, đặt lịch làm việc với lãnh đạo UBND huyện Khoái Châu, tuy nhiên lãnh đạo huyện này bận họp nên chưa trả lời cụ thể, hẹn sẽ trả lời báo chí sau.
Tiền trợ cấp hàng tháng bà Nho được nhận là hơn 2 triệu đồng nhưng tiền thuốc men cho bà tháng nào cũng khoảng 4,5 triệu đồng. Bà Nho chỉ còn biết trông chờ vào mấy luống rau trồng trên khoảnh đất mà bà đang ở nhờ. Đã gần 70 tuổi, sức khỏe ngày càng yếu nhưng nguyện vọng có một nơi để thờ chồng và sống những ngày cuối đời của bà Nho vẫn còn xa.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn