Hướng dẫn bé tập thể dục đúng cách

10:28 | 31/07/2015;
Khi con 3 tuổi trở lên, phụ huynh cần rèn cho trẻ thói quen biết và yêu thích tập thể dục. Tuy nhiên, cha mẹ cần phải kiên trì để trẻ làm quen, không được để con cảm thấy bị gò bó, áp đặt.

Thời lượng tập luyện

Xác định thời gian, nội dung cho phù hợp với lứa tuổi và đặc điểm tâm sinh lý của mỗi đứa trẻ rất quan trọng. Đối với trẻ từ 3 đến 6 tuổi, cha mẹ cần sắp xếp cho trẻ tập luyện 20-30 phút/ngày, trẻ từ 6 tuổi trở lên cần luyện tập 30-60 phút/ngày.

Tuỳ theo lứa tuổi để xây dựng các bài tập từ đơn giản đến phức tạp dần, thao tác các bài tập không nên quá khó, vì sẽ làm bé nản chí, mất hứng thú. Tránh tập luyện nhiều dẫn đến tình trạng trẻ mệt mỏi, chán luyện tập.

Nên tập khi nào?

Thích hợp nhất vẫn là cho trẻ tập thể dục buổi sáng cùng với người lớn hoặc lồng ghép các nội dung luyện tập vào trong những hoạt động thường ngày của trẻ.

Chẳng hạn trong khi trẻ chuẩn bị đánh răng, rửa mặt, nên khuyến khích trẻ chạy một vòng cho tỉnh táo.

Buổi tối, cha mẹ sắp xếp cho trẻ vui chơi, vận động khoảng 30 phút cùng bạn bè trong khu nhà hoặc chung cư. Tranh thủ mọi lúc, mọi nơi cho bé vận động và thực hiện các động tác thể dục đơn giản sẽ khiến trẻ thích thú.

Kế hoạch luyện tập

Không phải đứa trẻ nào cũng thích tập thể dục, vì vậy cha mẹ cần khuyến khích, động viên kịp thời, chia sẻ những khó khăn mà trẻ gặp phải trong khi luyện tập để trẻ không bỏ cuộc.

Đối với những trẻ thích tập thể dục thì cha mẹ cùng con trao đổi, thỏa thuận để cùng nhau lập thời khóa biểu cho việc tập. Còn những bé không hứng thú với các môn thể thao cụ thể thì hãy tạo ra một chương trình luyện tập mà trẻ không nhận ra: Cuốn trẻ vào công việc dọn dẹp nhà cửa, mang vác các túi hàng nhỏ, leo cầu thang bộ, đi dạo trong công viên…

Trẻ khỏe mạnh là khi có sự kết hợp chặt chẽ giữa 3 yếu tố: Sức bền, sức mạnh, sự dẻo dai. Ảnh minh họa

Bé có thể chơi môn thể thao nào?

Nếu bé ở độ tuổi 3-6, cha mẹ chủ yếu dạy cho trẻ những bài tập tay không, đi bộ, tung bóng, chạy, nhảy…

Với trẻ 6 tuổi trở lên, cho trẻ tập luyện những môn: bóng đá, bơi lội, đi bộ, cầu lông…

Tuy nhiên, vì việc luyện tập thể dục là để phát triển sức khoẻ cho trẻ nên khi lựa chọn các môn thể thao, các bậc phụ huynh cần bàn bạc kỹ càng với trẻ.

Nếu con có tính độc lập cao, hãy để bé tự chọn trên cơ sở tư vấn của cha mẹ. Tôn trọng sự lựa chọn của con, giúp con phối hợp các môn tập một cách sinh động.

Lưu ý: Cha mẹ đừng ép buộc, áp đặt trẻ phải chơi những môn thể thao theo ý của người lớn. Vì dù trẻ miễn cưỡng thực hiện thì cũng phản tác dụng, trẻ càng căng thẳng hơn mà thôi.

Trẻ thường tập những bài thể dục với những động tác theo ý thích của bản thân, cha mẹ cần nhẹ nhàng định hướng, uốn nắn để con không cảm thấy bị gò bó, áp đặt.

Thời gian đầu, trẻ có thể lóng ngóng, thực hiện các bài tập chưa đúng cách, cha mẹ cần phải kiên trì để trẻ làm quen với các thao tác cụ thể. Đặc biệt, phải khơi gợi sự thích thú và tự giác luyện tập của trẻ.

Trẻ khỏe mạnh thể hiện ở trên 3 mặt: Tâm lý, thể chất và quan hệ xã hội. Đồng thời, khỏe mạnh còn là sự kết hợp chặt chẽ giữa 3 yếu tố:

Sức bền: Giúp trẻ tham gia các hoạt động mạnh;

Sức mạnh: Giúp trẻ dùng các cơ để nâng những vật nặng;

Sự dẻo dai: Giúp trẻ điều khiển cơ thể theo ý muốn của mình.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn