Bảo quản đúng 8 loại thực phẩm theo cách này

07:00 | 03/06/2021;
Không phải tất cả các loại thực phẩm đều cần được bảo quản trong tủ lạnh.

Táo

Theo bác sĩ Lưu Liên Hương - Viện Y học ứng dụng Việt Nam, táo có thể được bảo quản ở nhiệt độ phòng nhưng nếu bạn muốn bảo quản được táo lâu hơn, bạn nên để táo trong tủ lạnh, lý tưởng nhất là ở ngăn đựng rau quả của tủ lạnh. Nếu để ở nhiệt độ phòng, táo sẽ chín rất nhanh sau vài ngày nhưng khi cho vào tủ lạnh, bạn có thể bảo quản được táo trong vài tuần.

Bột mỳ

Bột mỳ sẽ giữ được chất lượng và bảo quản được lâu hơn nếu được đựng trong hộp kín bằng nhựa, thủy tinh hoặc kim loại thay vì để trong gói giống như khi mua về từ cửa hàng. So với nhiều loại thực phẩm khác, bột mỳ sẽ có tuổi thọ lâu nhất song quá trình hỏng của bột mỳ cũng sẽ diễn ra nhanh hơn nếu không được bảo quản đúng cách.

Hành tây

Hành tây cần được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh sáng nhưng hành cũng cần có không khí lưu thông để giữ được độ tươi ngon. Hành tây không nên được bảo quản cùng khoai tây mặc dù cả 2 loại thực phẩm này có điều kiện bảo quản tương đối giống nhau. Hành tây và khoai tây nếu bảo quản cùng nhau sẽ cùng tạo ra độ ẩm và các loại khí, khiến cả 2 sẽ bị hỏng nhanh hơn. Bảo quản trong tủ lạnh là một lựa chọn tốt để giữ hành tây luôn tươi ngon.

Khoai tây

Khoai tây cần được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát và ở góc tối để giữ được độ tươi ngon nhất. Khoai tây sẽ không bảo quản được lâu nếu để trong tủ lạnh vì nhiệt độ trong tủ lạnh quá thấp sẽ khiến tinh bột có trong khoai tây chuyển hóa thành đường. Sự chuyển hóa này sẽ làm khoai tây có vị quá ngọt và làm thay đổi màu sắc của củ khoai tây.

Bảo quản đúng 8 loại thực phẩm theo cách này - Ảnh 1.

Thịt tươi

Nếu bạn vừa mua thịt tươi đóng gói từ cửa hàng, bạn nên bảo quản thịt giống như cách thịt được bảo quản tại cửa hàng và tuân thủ hướng dẫn sử dụng in ngoài bao bì. Việc bóc lớp bảo vệ thịt ra và gói lại sẽ làm tăng nguy cơ thịt tiếp xúc với vi khuẩn, do vậy, tốt nhất là bạn nên giữ nguyên trạng thịt từ khi mua về cho đến khi chế biến và nấu nướng. Nếu thịt bạn mua về không có phần khay bảo quản ở dưới, bạn nên để thêm một chiếc đĩa ở dưới miếng thịt để giữ lại phần độ ẩm thừa.

Rau xà lách, rau diếp

Khi rau diếp bị héo, rau sẽ bị mềm và thối, không thể dùng được, để tránh tình trạng này, bạn không nên bảo quản rau diếp trong túi nilon. Rau diếp cần được bảo quản trong túi lưới, hoặc được rửa sạch và bảo quản trong bát để trong tủ lạnh hoặc nếu rau diếp khô thì có thể bảo quản trong túi giấy.

Phô mai

Phô mai cứng cần được bảo quản đặc biệt và không nên được bảo quản trong túi kín. Bạn nên bảo quản phô mai cứng trong bao bì từ khi mua về cho đến khi sử dụng (không nên mở ra gói lại), lý tưởng nhất nên để trong ngăn bảo quản phô mai. Nếu bảo quản trong ngăn này, phô mai cứng có thể bảo quản được lên tới 6 tháng, thậm chí có thể bảo quản lên được tới 8 tháng nhưng phô mai có thể sẽ không cứng nữa và bị vỡ vụn nhiều hơn. Một khi bạn đã sử dụng phô mai và cắt chúng ra thành miếng nhỏ và chưa sử dụng tới, nên gói lại trong những lá nhôm hoặc giấy gói thực phẩm và để lại vào trong tủ lạnh.

Cà chua

Cà chua nên được để ở trên mặt bàn bếp, tránh ánh sáng, độ ẩm và nhiệt độ cao, không nên bảo quản cà chua trong tủ lạnh bởi các cấu trúc tế bào của cà chua sẽ bắt đầu bị hỏng, dẫn đến tình trạng nhũn và bột, hương vị của cà chua cũng sẽ bị ảnh hưởng. Cà chua sẽ chín dần ở nhiệt độ phòng và sau khi chín, có thể sử dụng được từ 2-3 ngày. Chỉ nên bảo quản cà chua trong tủ lạnh khoảng 2 tiếng sau khi cà chua được thái/cắt ra.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn