Nạo viêm VA là phương pháp điều trị thường được chỉ định trong các trường hợp mắc bệnh viêm VA mãn tính thường xuyên tái phát, viêm VA quá phát gây chèn ép đường thở, viêm VA gây biến chứng lên các cơ quan khác... Phương pháp này sử dụng các loại dụng cụ thích hợp như để loại bỏ tổ chức VA. Từ đó giúp nạo viêm VA có thể điều trị triệt để các triệu chứng của bệnh và phòng tránh nguy cơ tái phát bệnh trong tương lai.
Hiện nay có khá nhiều kỹ thuật nạo viêm VA khác nhau được sử dụng trên thực tế như sử dụng La Force, thìa nạo Lamour, dao Hummer, Coblator, dao Plasma... Nhưng nhìn chung, nạo viêm VA vẫn được xem là một kỹ thuật tương đối đơn giản và ít nguy cơ biến chứng.
Mặc dù có hiệu quả tốt trong điều trị viêm VA mãn tính, nhưng trẻ sẽ bị chống chỉ định tuyệt đối nạo viêm VA nếu có rối loạn về đông máu hoặc mắc các bệnh lý đông cầm máu. Còn trong các trường hợp như đang mắc đợt cấp của viêm VA, nhiễm virus cấp tính, mắc các bệnh lý mãn tính khác... thì chỉ định phẫu thuật sẽ được xem xét một cách rất thận trọng.
Hiệu quả và sự an toàn của phương pháp nạo viêm VA không chỉ phụ thuộc vào kỹ thuật thực hiện mà còn phụ thuộc nhiều vào chế độ chăm sóc trẻ sau đó. Do đó, các bậc cha mẹ cần phải nắm rõ cách chăm sóc trẻ sau nạo viêm VA để biết cách chăm sóc trẻ đúng, đảm bảo an toàn cho trẻ.
Sau khi trẻ nạo viêm VA, một số triệu chứng bất thường do tác dụng phụ của thuốc gây mê, gây tê, đau, nhiễm trùng... có thể xuất hiện. Lúc này các cha mẹ có thể làm theo các hướng dẫn dưới đây:
- Trẻ quấy khóc, nôn ói sau khi phẫu thuật: Trẻ quấy khóc, nôn ói sau nạo viêm VA là hiện tượng bình thường do tác dụng của thuốc gây mê, gây tê. Thông thường, trẻ sẽ bớt quấy khóc và nôn ói sau đó từ 1-2 giờ. Nếu trẻ còn quấy khóc liên tục, nôn ói nhiều lần và kéo dài thì cần thông báo cho bác sĩ ngay.
- Đau: Nạo viêm VA thường ít gây đau cho trẻ, trong một số trường hợp thì trẻ có thể đau nhẹ hoặc cứng ở cổ và sẽ tự hết sau đó vài ngày. Nếu trẻ đau nhiều, có thể dùng paracetamol giúp trẻ giảm đau.
- Sốt: Sốt nhẹ sau nạo viêm VA là hiện tượng thường gặp. Khi trẻ sốt trên 38,5 độ C thì nên dùng thuốc paracetamol để hạ sốt. Tuy nhiên không nên dùng ibuprofen để hạ sốt cho trẻ trong giai đoạn này, bởi sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu sau phẫu thuật.
- Ngủ ngáy: Vết thương phù nề có thể khiến trẻ ngủ ngáy. Tuy vậy tình trạng này thường không cần can thiệp gì thêm mà sẽ tự hết sau đó vài tuần.
Dinh dưỡng đúng cách là rất quan trọng đối với sự bình phục của trẻ sau nạo viêm VA. Nên ưu tiên cho trẻ sử dụng các loại thức ăn có lợi cho việc lành vết thương như nước lọc, nước ép táo, dung dịch oresol, cháo, súp hoặc các loại thức ăn đã được hầm nhừ... Thực phẩm cho trẻ trong những ngày đầu sau nạo viêm VA nên có độ cứng tăng dần, bắt đầu trước từ các loại thức ăn loãng rồi mới sang thức ăn đặc hơn.
Trong khi đó, các loại thức ăn thức ăn có vị chua (cam, chanh...), thức ăn có độ cứng cao (bánh quy, bánh mì, các loại hạt...) hay thức ăn nóng là những loại thức ăn không nên sử dụng cho trẻ sau khi nạo viêm VA. Bởi những loại thức ăn này có thể làm cho vết thương bị tổn thương nặng hơn, lâu lành hơn và ứ đọng trong miệng trẻ gây mùi khó chịu.
Vệ sinh miệng họng cho trẻ đúng cách sau nạo viêm VA giúp hạn chế nguy cơ nhiễm trùng vết mổ, tránh hơi thở của trẻ có mùi khó chịu. Tuy vậy, cần phải hướng dẫn trẻ cách vệ sinh răng miệng đúng cách để không gây hại cho vết mổ nạo viêm VA.
- Vệ sinh miệng họng thường xuyên hằng ngày.
- Cần thực hiện vệ sinh miệng họng một cách nhẹ nhàng, không cố gắng sục họng để tránh gây tổn thương vùng vết mổ.
- Khi trẻ muốn hắt hơi nên quay ra khu vực thoáng và không dùng tay để che miệng để tránh việc các chất bẩn trong khoang miệng ứ lại, không thể đào thải ra ngoài.
- Trẻ không xì mũi trong giai đoạn sau đầu sau nạo viêm VA bởi có thể khiến vết mổ khó lành.
Thông thường, trẻ nạo viêm VA sẽ có thể quay trở lại sinh hoạt và học tập bình thường từ rất sớm, 1-3 ngày sau khi phẫu thuật. Vết thương sẽ lành hẳn sau khi phẫu thuật nạo viêm VA khoảng 10 ngày.
Tuy vậy, trong các trường hợp trẻ bị biến chứng do nạo viêm VA thì thời gian lành vết thương có thể kéo dài hơn và khó đoán định hơn. Trong đó, các biến chứng thường gặp nhất sau nạo viêm VA đó chính là tình trạng nhiễm trùng vết mổ, chảy máu vết thương...
Do đó, nếu gặp phải các dấu hiệu bất thường như trẻ sốt cao sau phẫu thuật, nôn ói nhiều, đau tăng dần, chảy máu nhiều trong khoang miệng, trẻ bỏ ăn uống, bỏ bú... thì cần thông báo ngay với bác sĩ để xác định sớm biến chứng nếu có và xử lý một cách kịp thời.
Trên đây là một số hướng dẫn về cách chăm sóc trẻ sau nạo viêm VA mà cha mẹ nên lưu ý. Nhìn chung, sau nạo viêm VA cho trẻ, cha mẹ nên tuân thủ theo những hướng dẫn từ bác sĩ và có chế độ chăm sóc trẻ một cách phù hợp.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn