Trẻ em là đối tượng dễ bị viêm VA, nhất là những trẻ trong độ tuổi từ 1 đến 6 tuổi. Khi không được điều trị đúng cách, bệnh có thể dẫn đến biến chứng tại các cơ quan lân cận hoặc tác động lâu dài lên sự phát triển của trẻ. Do đó, điều trị viêm VA ở trẻ em như thế nào là chủ đề mà các bậc phụ huynh rất quan tâm.
VA là viết tắt của Adenoid Vegetation, một tổ chức lympho nằm ở khu vực vòm họng. Tổ chức này đóng vai trò miễn dịch và chống lại các tác nhân gây bệnh có trong không khí, trước khi chúng đi qua khu vực vòm họng vào đường hô hấp dưới của trẻ. Từ đó hạn chế nguy cơ mắc bệnh lý đường hô hấp.
Khi bị tấn công quá mức bởi virus hay vi khuẩn, tổ chức VA của trẻ sẽ bị viêm và gây ra bệnh viêm VA.
Tuy vậy, trong hầu hết các trường hợp thì tổ chức VA sẽ tự tiêu biến khi trẻ 5-6 tuổi. Do đó, bệnh lý này rất ít khi gặp ở trẻ lớn hoặc người trưởng thành mà chủ yếu sẽ gặp phải ở trẻ từ 1 đến 6 tuổi. Các biểu hiện thường gặp nhất do bệnh viêm VA gây nên có thể kể tới như ngạt mũi, sổ mũi, sốt, khó thở, ... Mức độ biểu hiện của bệnh có thể thay đổi tùy thuộc vào thể bệnh mà trẻ mắc phải là cấp tính hay mãn tính.
Thông thường, viêm VA cấp tính khi được điều trị đúng cách thường sẽ khỏi hẳn mà không để lại biến chứng. Nhưng khi điều trị bệnh không dứt điểm, để tình trạng viêm VA kéo dài dai dẳng, thường xuyên tái đi tái lại sẽ rất dễ khiến bệnh chuyển qua viêm VA mãn tính. Lúc này, trẻ không chỉ có thể sẽ cần phải can thiệp ngoại khoa để điều trị bệnh mà còn phải đối mặt với những nguy cơ biến chứng lâu dài lên sức khỏe.
Điều trị viêm VA ở trẻ em bằng thuốc chủ yếu có tác dụng cho các trường hợp viêm VA cấp tính. Khi sử dụng thuốc đúng cách có thể giúp giảm nhanh triệu chứng bệnh ở trẻ, giúp trẻ khỏi bệnh mà gần như rất ít khi để lại biến chứng về sau. Còn đối với các trường hợp viêm VA mãn tính, việc sử dụng thuốc chỉ mang ý nghĩa hỗ trợ điều trị chứ không thể loại bỏ hoàn toàn tổ chức VA đã bị viêm mãn tính.
- Thuốc hạ sốt: Paracetamol là thuốc thường được dùng để hạ sốt cho trẻ bị viêm VA với liều từ 10-15mg/kg/ mỗi 4-6h. Khi không đáp ứng với paracetamol thì ibuprofen có thể được sử dụng để thay thế hoặc phối hợp cùng paracetamol.
- Thuốc long đờm: Các loại thuốc long đờm (Acetylcysteine, ...) làm đứt gãy cấu trúc đờm, chất nhầy do viêm VA tiết ra nên làm chúng dễ bài tiết ra ngoài hơn. Do đó làm thông thoáng đường thở của trẻ.
- Thuốc kháng viêm: Chủ yếu sử dụng cho các trường hợp bệnh nhân bị viêm VA cấp tính khi tình trạng viêm gây tác động quá mạnh cho cơ thể chẳng hạn như sốt cao, nghẹt mũi nhiều,... Thuốc có thể được sử dụng theo đường uống hoặc đường khí dung cho tác dụng tại chỗ.
- Thuốc nhỏ mũi: Với tác dụng làm co mạch tại chỗ, các loại thuốc rỏ như ephedrin 1% làm giảm kích thước tổ chức VA giúp đường thở trở nên thông thoáng hơn.
- Thuốc kháng sinh: Trong điều trị viêm VA ở trẻ em, thuốc kháng sinh không phải là chỉ định bắt buộc. Nhóm thuốc này chỉ dùng khi viêm VA do vi khuẩn, hay có tình trạng bội nhiễm vi khuẩn thứ phát. Kháng sinh betalactam và kháng sinh macrolid là những kháng sinh thường dùng trong điều trị viêm VA ở trẻ em.
Điều trị viêm VA ở trẻ em bằng phương pháp ngoại khoa hiếm khi được chỉ định cho các trường hợp bệnh nhân cấp tính, mà chỉ hay dùng ở những trẻ viêm VA mãn tính. Phương pháp được sử dụng chủ yếu hiện nay là nạo để loại bỏ tổ chức VA viêm ở trẻ.
Điều trị viêm VA ở trẻ em bằng phương pháp ngoại khoa giúp điều trị dứt điểm bệnh và có tác dụng ngăn chặn sự tái phát của bệnh.
Tùy thuộc vào các yếu tố như trình độ kỹ thuật, điều kiện kinh tế,... mà trẻ có thể được nạo VA bằng nhiều kỹ thuật khác nhau, chẳng hạn như nạo viêm VA kinh điển, nạo viêm VA bằng dao siêu âm hoặc dao laser,...
Tuy rằng nạo viêm VA có tác dụng điều trị tốt cho các trẻ bị viêm VA mãn tính, nhưng thời điểm được cho là lý tưởng nhất để nạo viêm VA là khi trẻ từ 18 đến 36 tháng tuổi.
Để việc điều trị viêm VA cho trẻ hiệu quả và an toàn hơn, hãy lưu ý một số điểm lưu sau đây:
- Điều trị viêm VA ở trẻ em theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Không nên tự ý sử dụng các biện pháp điều trị viêm VA theo kinh nghiệm hoặc chưa được chứng minh hiệu quả.
- Điều trị viêm VA ở trẻ em cần thực hiện dứt điểm, đặc biệt là với các bệnh nhân mắc viêm VA cấp tính. Tránh trường hợp bệnh nhân bị viêm VA kéo dài, tái đi tái lại khiến bệnh chuyển thành mãn tính.
- Thuốc kháng sinh không phải là chỉ định thường quy cho bệnh nhân viêm VA, chỉ sử dụng kháng sinh khi bệnh do nguyên nhân vi khuẩn hoặc có tình trạng nhiễm khuẩn xảy ra.
- Chăm sóc trẻ viêm VA đúng cách đóng góp đáng kể vào sự bình phục của trẻ thông qua chế độ dinh dưỡng hợp lý, giữ vệ sinh mũi họng,...
Có thể thấy rằng, vấn đề điều trị viêm VA ở trẻ phụ thuộc rất nhiều vào thể bệnh mà trẻ mắc phải và trở nên phức tạp hơn khi bệnh chuyển thành mãn tính. Do đó, các bậc cha mẹ cần đưa trẻ đi khám sớm ngay khi có biểu hiện nghi ngờ viêm VA để việc điều trị được diễn ra sớm và dễ dàng hơn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn