Trong trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tiểu đường, các bác sĩ luôn khuyến cáo đến bệnh viện để thăm khám và thực hiện các xét nghiệm. Tuy nhiên, nếu chưa tiện đi khám, có thể tiến hành thử tiểu đường tại nhà.
Những bệnh nhân tiểu đường có lượng đường trong máu luôn cao hơn mức bình thường. Nguyên nhân của tình trạng này là do thiếu hụt insulin (tuyến tụy không tiết insulin hoặc insulin hoạt động không hiệu quả. Các bác sĩ cho biết việc chẩn đoán bệnh tiểu đường và kiểm soát quá trình điều trị bệnh lý này dựa vào xét nghiệm đo chỉ số glucose trong máu.
Vì thế, việc tìm hiểu cách thử tiểu đường tại nhà rất quan trọng, Nó giúp người bệnh kiểm soát bệnh ngay từ đầu, ngăn ngừa các biến chứng xảy ra. Vậy ai cần thử tiểu đường tại nhà?
Các chuyên gia khuyến cáo những trường hợp dưới đây cần thử đường huyết tại nhà:
- Bệnh nhân mắc tiểu đường tuýp 1 nên thử đường huyết ít nhất 3 lần mỗi ngày.
- Người mắc tiểu đường tuýp 2 cần đo chỉ số đường huyết vào các thời điểm: Trước các bữa ăn sáng, bữa trưa, bữa chiều; Sau khi ăn sáng, trưa, chiều từ 1 đến 2 tiếng đồng hồ; Trước khi đi ngủ; Lúc 2h hoặc 3h sáng nếu nghi ngờ hạ đường huyết.
Những bệnh nhân mắc tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2 cần đo chỉ số đường huyết để kiểm soát bệnh, theo dõi hiệu quả điều trị bệnh.
Bên cạnh đó, các đối tượng sau đây cũng cần biết cách thử tiểu đường tại nhà vì những đối tượng này có nguy cơ mắc tiểu đường cao:
- Những đối tượng mắc các căn bệnh liên quan tới tim mạch, huyết áp, có kết quả xét nghiệm máu với nồng độ chất béo trung tính cao.
- Những trường hợp có người thân trong gia đình có người mắc hoặc từng mắc tiểu đường.
- Phụ nữ trong giai đoan thai kỳ có triệu chứng bị tiểu đường thai kỳ hoặc mắc hội chứng buồng trứng đa nang.
- Những người thừa cân, béo phì, trong chế độ ăn có nhiều tinh bột, đường.
- Những người ít vận động, hút thuốc lá lâu năm, căng thẳng thần kinh.
- Những đối tượng có biểu hiện mắc tiểu đường như tầm nhìn giảm, luôn có cảm giác đói, thèm ăn thường xuyên khát nước và mệt mỏi, tiểu tiện nhiều hơn bình thường...
Cần lưu ý, phần lớn bệnh nhân tiểu đường nhận biết được bản thân mắc bệnh khi đi thăm khám bệnh lý khác vì các dấu hiệu thường khó nhận biết và diễn tiến thầm lặng.
Vì thế, bên cạnh các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường trên, khi phát hiện thời gian lành vết thương hoặc phục hồi sau nhiễm trùng chậm thì cũng cần biết cách thử tiểu đường tại nhà để phát hiện sớm tiểu đường nếu có.
Để kiểm tra chỉ số đường huyết tại nhà, cần phải có một trong những thiết bị y tế cá nhân sau:
- Máy đo đường huyết cá nhân.
- Máy xét nghiệm HbA1C.
Trong đó, máy đo đường huyết cá nhân là phổ biến hơn cả. Ưu điểm của các thiết bị y tế này là có thể dễ dàng mua tại các hiệu thuốc, cửa hàng vật tư y tế trên toàn quốc. Bên cạnh đó, các thiết bị này thực hiện xét nghiệm tiểu đường một cách nhanh chóng, dễ dàng, được hướng dẫn cụ thể từng bước.
Máy đo đường huyết cá nhân sử dụng đơn giản. Theo đó, khi muốn đo chỉ số đường huyết tại nhà, cần thực hiện theo các bước sau:
- Rửa tay sạch bằng nước ấm với xà phòng, sau đó lau khô tay trước khi đo. Hoặc dùng bông gòn thấm cồn chà để chà xát mạnh làm sạch ngón tay cần lấy máu để tránh tình trạng nhiễm trùng.
- Lắp kim lấy máu vào ống bút, sau đó đặt que thử vào.
- Dùng kim lấy máu ở vị trí đầu ngón tay, bóp nhẹ để lượng máu nhỏ ra. Lưu ý, nên điều chỉnh độ sâu của kim phù hợp với loại da.
- Nhỏ giọt máu vào đầu que thử tiểu đường trên máy đo để cho ra kết quả chính xác.
- Dùng khăn sạch hoặc bông gòn để cầm máu.
- Đợi máy hiện kết quả và vệ sinh dụng cụ theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.
Cách thử tiểu đường tại nhà bằng máy đo đường huyết cá nhân được thực hiện đơn giản và độ chính xác khá cao.
Để biết mình có bị tiểu đường hay không, cần so sánh với Bảng mức khuyến cáo của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ. Cụ thể, mức đường huyết của người bình thường và phụ nữ đang mang thai như sau:
| Trước thời điểm bữa ăn | 1-2h tính từ lúc bắt đầu dùng bữa |
Người trưởng thành (không mang thai) | Từ 4.4-7.2 mmol/L ( xấp xỉ 80-130 mg/dL) | < 10 mmol/L( ít hơn 180mg/dL) |
Phụ nữ đang mang thai | Chỉ số ≤ 5.3 mmol/L trước bữa sáng (hoặc ≤ 95mg/dL) | 1h tính từ lúc bắt đầu dùng bữa: ≤7.8 mmol/L( ≤ 140mg/dL) 2h tính từ lúc bắt đầu dùng bữa: ≤6.7 mmol/L ( ≤ 120mg/dL) |
Như vậy, nếu chỉ số đường huyết lúc đói >7.2 mmol/l ( tức là trên 130 mg/dL) thì có thể đã mắc bệnh tiểu đường. Lúc này, bạn cần đo liên tiếp 2 lần để cho ra kết quả chính xác nhất. Trong trường hợp đo lại mà chỉ số đường huyết dưới 6,1 mmol/l ( dưới 110mg/dL) thì nên đem kết quả qua bác sĩ để được tư vấn.
Cần lưu ý, với những bệnh nhân tiểu đường đang dùng thuốc, chỉ số đường huyết lý tưởng là trở về mức như người bình thường. Do đó, nếu mức đường huyết vẫn cao hoặc thấp hơn bình thường thì gặp bác sĩ để đạt mục tiêu điều trị.
Cách sử dụng máy xét nghiệm HbA1C để đo đường huyết cũng tương tự như máy đo đường huyết cá nhân. Tuy nhiên, cần lưu ý loại thiết bị này không thể phân tích kết quả chính xác khi chỉ dựa trên máu nguyên chất mà cần trộn với dung dịch đệm.
Vì vậy, để sử dụng dung dịch đệm chính xác, cần đọc kỹ hướng dẫn. Về cách đọc kết quả, nếu kết quả đo HbA1C tại nhà nhiều lần đều trên 6.5% thì nguy cơ cao bạn đã mắc bệnh, nếu kết quả thấp hơn từ 5.7% thì có thể đang trong giai đoạn tiền tiểu đường.
Mặc dù các cách thử tiểu đường tại nhà bằng các thiết bị y tế như đã nêu ở trên có sai số khá thấp nhưng kết quả xét nghiệm vẫn có thể sai số lớn do nhiều yếu tố như: thời điểm xét nghiệm, thao tác lấy máu, sử dụng que thử…
Để cho ra kết quả chính xác nhất, hiệu quả nhất, khi thử tiểu đường tại nhà, cần lưu ý các vấn đề sau đây:
- Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định tự kiểm tra chỉ số đường huyết tại nhà.
- Ghi chép kết quả cẩn thận để có cơ sở đánh giá tiến trình điều trị nếu mắc bệnh.
- Nên giữ thói quen đo chỉ số đường huyết theo định kỳ, không cần thiết phải đo liên tục trong ngày.
- Không lấy máu nếu đau nhức ở đầu ngón tay.
- Không đo liên tục trên cùng một ngón tay mà đo luân phiên ở các đầu ngón tay khác nhau.
- Không tái sử dụng các loại que thử, kim lấy máu.
- Máy đo và que thử phải khớp mã vạch.
Cần lưu ý, trong một vài trường hợp kết quả đo đường huyết không đúng là do ảnh hưởng của một số yếu tố như tay không sạch, que thử hết hạn sử dụng, cho không đủ máu vào que thử... Vì thế, khi đo chỉ số đường huyết tại nhà, cần nghiêm túc tuân thủ các bước.
Ổn định đường huyết là mục tiêu chính trong quá trình điều trị bệnh tiểu đường, giúp ngăn cản sự tiến triển của bệnh cũng như phòng tránh các biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, nắm bắt được cách thử tiểu đường tại nhà giúp bệnh nhân có thể chủ động trong việc kiểm soát đường huyết, giúp người bệnh chung sống hòa bình với căn bệnh này.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn