Nhiều cha mẹ cho rằng mùa xuân là mùa dị ứng nhưng thực tế thì tùy thuộc vào thể chất của con bạn mà dị ứng ở trẻ vào mùa thu có thể nghiêm trọng hơn. Và đặc biệt là các triệu chứng của dị ứng mùa thu dễ bị nhầm lẫn với cảm lạnh.
Phác đồ điều trị của cảm lạnh và dị ứng không giống nhau. Vì thế mà điều quan trọng chính là phải biết chính xác nguyên nhân phía sau những triệu chứng của trẻ.
Các triệu chứng dễ nhầm lẫn giữa cảm lạnh và dị ứng bao gồm:
- Sổ mũi
- Ho
- Ngứa họng
- Hắt hơi
- Chảy nước mắt.
Thực chất nguyên nhân gây ra cảm lạnh và dị ứng rất khác nhau. Dị ứng là kết quả của việc hệ miễn dịch phản ứng quá mức đối với một số dị nguyên như phấn hoa, thực phẩm, nấm mốc, bụi,... Còn cảm lạnh là do cơ thể nhiễm virus từ nguồn bệnh.
Trong khi cảm lạnh và dị ứng đều gây ra các triệu chứng tương tự nhau nhưng nếu xét về tính thời điểm thì cảm lạnh thường bắt đầu với các triệu chứng nhẹ và đạt đỉnh điểm trong vòng từ 1 - 3 ngày kể từ khi nhiễm bệnh.
Thông thường một trẻ bị cảm lạnh cũng sẽ có các biểu hiện không phổ biến khi dị ứng như đau nhức cơ thể, sốt (mặc dù hiếm gặp) và đau họng.
Còn với các triệu chứng khởi phát một cách đột ngột thì có khả năng là trẻ đang bị dị ứng - nhất là với những trẻ xuất hiện các triệu chứng vào cùng một thời điểm (mùa) trong nhiều năm liền. Việc chú ý đến các đặc điểm dưới đây có thể giúp cha mẹ phân biệt được một cách cơ bản hai vấn đề sức khỏe thường xảy ra ở trẻ em này:
Mặc dù sổ mũi do cảm lạnh nước mũi sẽ bắt đầu từ màu trong suốt nhưng thông thường thì sau 3 - 5 ngày màu nước mũi sẽ chuyển sang màu vàng hoặc xanh.
Còn đối với trẻ bị dị ứng thì nước mũi chỉ tiếp tục với màu trong.
Nếu các triệu chứng của trẻ thay đổi theo thời tiết, có nghĩa là bạn nhận thấy các triệu chứng này của trẻ xảy ra vào cùng một thời điểm hoặc một trạng thái thời tiết nhất định trong nhiều năm thì rất có thể đó là dị ứng.
Virus gây cảm lạnh có thể ở trong dịch tiết đường hô hấp như nước bọt hay nước mũi khi một người ho, hắt hơi hoặc xì mũi. Các giọt bắn dịch tiết có thể dính vào các bề mặt và có thể khiến người tiếp xúc gần bị lây nhiễm nếu vô tình chạm phải. Vì thế một yếu tố để đánh giá đó chính là khả năng lây nhiễm, nếu con bạn bị cảm lạnh và có thành viên khác trong gia đình cũng bị ốm thì đó không phải do dị ứng.
Tuy nhiên cũng có thể xảy ra trường hợp tất cả đều bị dị ứng do môi trường tiếp xúc giống nhau nên yếu tố này chỉ mang tính chất tham khảo.
Trẻ bị dị ứng thường có quầng thâm dưới mắt. Điều này là do sự tắc nghẽn của các mạch máu nhỏ bên dưới da do da khu vực đó rất mỏng hay có thể hiểu là phù nền mạch máu dưới da.
Mặc dù trẻ bị cảm lạnh cũng có thể xuất hiện dấu hiệu này nhưng nó phổ biến hơn khi trẻ bị dị ứng và thường được gọi là "allergic shiner" - quầng thâm dị ứng (dị ứng bóng mờ).
Ngoài ra thì trẻ có thói quen dụi mũi do ngứa khi bị dị ứng, nhiều trẻ thậm chí còn có nếp nhăn nhỏ ở gần chóp mũi. Khi quan sát bên trong mũi sẽ thấy niêm mạc mũi thường nhạt màu hơn so với màu đỏ của niêm mạc mũi khi bị cảm lạnh.
Nếu trẻ bị dị ứng theo mùa bạn nên có các biện pháp phòng ngừa để hạn chế thấp nhất mức độ của triệu chứng dị ứng, chẳng hạn:
- Ở trong nhà đóng cửa và cửa sổ khi phấn hoa ở mức cao nhất (thường vào sáng muộn hoặc giữa trưa). Kiểm tra số lượng phấn hoa trong khu vực của bạn
- Vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, phòng ngừa nấm mốc phát triển gây bệnh, đặc biệt là những khu vực ẩm ướt như: nhà vệ sinh, bếp, tầng hầm, ...
- Sử dụng máy hút ẩm để giữ cho không khí của bạn có độ ẩm từ 35% đến 50%.
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài, nhất là khu vực nhiều lá rụng, phấn hoa.
- Tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức khoẻ và hệ miễn dịch
- Giặt quần áo, khăn trải giường và rèm cửa thường xuyên. Không nên phơi quần áo gần khu vực có nhiều cây cối, nhất là có các loại hoa dễ gây dị ứng.
Ngoài ra, làm các kiểm tra dị ứng cũng có thể hữu ích nếu như bạn không chắc chắn nguyên nhân khiến trẻ bị dị ứng là gì.
Việc trẻ phải trải qua các triệu chứng của cảm lạnh và dị ứng rất khó chịu nên bạn cần có một số lựa chọn đối phó tùy thuộc vào mức độ triệu chứng mà con đang gặp phải. Nhìn chung bạn nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ để có phương án điều trị phù hợp với từng thể trạng sức khỏe của trẻ.
Một số loại thuốc giảm đau không kê đơn có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng như đau đầu, đau họng, sốt. Nhưng nguyên tắc cần nhớ khi chọn thuốc giảm đau cho trẻ đó là:
+ Đối với trẻ dưới 6 tháng chỉ sử dụng acetaminophen (Tylenol)
+ Đối với trẻ trên 6 tháng có thể sử dụng acetaminophen hoặc ibuprofen để giảm đau
+ Luôn hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi cho trẻ sử dụng bất kì loại thuốc nào bởi cần phù hợp với cả cân nặng (thể chất) của trẻ bên cạnh vấn đề độ tuổi
+ Không nên cho trẻ sử dụng Aspirin để giảm đau bởi có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng mắt đỏ (Reye) nghiêm trọng gây tổn thương cho gan và não.
Một điều cũng quan trọng không kém chính là đọc kĩ hướng dẫn sử dụng được in trên nhãn thuốc trước khi cho trẻ sử dụng.
Theo nguyên tắc thì các loại thuốc trị cảm lạnh và ho chỉ nên sử dụng cho trẻ từ 4 tuổi trở lên trừ khi có chỉ định khác từ bác sĩ. Thay vào đó, nếu con bạn gặp phải các triệu chứng này bạn có thể thử xịt mũi bằng nước muối sinh lý và dụng cụ xịt rửa mũi chuyên dụng hoặc các loại thuốc nhỏ theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Ngoài ra, để làm dịu đường hô hấp của trẻ nên sử dụng thêm máy tạo độ ẩm hay máy phun sương.
Nhìn chung thì cách tốt nhất để đối phó với cảm lạnh và dị ứng còn cần phải cho trẻ nghỉ ngơi nhiều, uống đủ nước và theo dõi các triệu chứng bất thường đồng thời luôn liên hệ với bác sĩ để có lời khuyên phù hợp với tình trạng sức khỏe của trẻ.
Khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, phụ huynh nên cho trẻ tới cơ sở y tế nếu:
+ Con bị mất nước nghiêm trọng, không thể bù nước, miệng và môi trẻ khô nứt
+ Trẻ bỏ bú, bỏ ăn, bỏ chơi
+ Sốt kéo dài trên 3 ngày
+ Các triệu chứng kéo dài trên 10 ngày không cải thiện hoặc đã cải thiện nhưng sau đó lại trở nên nghiêm trọng hơn
+ Khó thở hoặc thở gấp
+ Tình trạng bệnh mãn tính của trẻ trở nên nghiêm trọng hơn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn