Chị Trần Thị Tình, Giám đốc HTX dịch vụ hữu cơ Trung Thành (xã Yên Hợp, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái), cho biết: HTX được thành lập thừ 2017. Những ngày đầu gặp rất nhiều khó khăn, nguồn vốn thiếu hụt, thiếu kinh nghiệm trong tổ chức vận hành hoạt động của hợp tác xã, đầu ra cho sản phẩm cũng bí bách...
Sau nhiều thất bại do còn thiếu kinh nghiệm trong việc lựa chọn giống cây trồng, mùa vụ khi canh tác trong nhà kính, đến nay hợp tác xã đã làm chủ được quy trình sản xuất và đã có những kết quả đáng khích lệ.
Bằng việc mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, HTX đã đầu tư xây dựng 1500m2 nhà màng với hệ thống tưới bán tự động, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Từ đó, HTX thâm canh theo hướng sản xuất hữu cơ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa tiết kiệm chi phí đầu tư chăm sóc, đồng thời nâng cao thu nhập gấp 3 - 4 lần trên cùng một diện tích.
Năm 2019, sáng kiến "Xây dựng mô hình sản xuất rau quả an toàn trong nhà màng theo chuỗi giá trị sản phẩm" đã lọt vào top 35 ý tưởng toàn quốc đạt giải Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức.
Bên cạnh đó, phát huy thế mạnh đặc sản Chuối ngự (còn gọi là Chuối Tiến vua) của địa phương, HTX Trung Thành đã tích cực vận động, hướng dẫn thành viên HTX và nhân dân trên địa bàn xã Yên Hợp mở rộng diện tích, trồng và thu hái chuối theo quy trình và tiêu chuẩn đảm bảo an toàn thực phẩm. Năm 2020, sản phẩm đã được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Phát huy những kết quả đạt được, hợp tác xã đã triển khai thêm mô hình Farm Stay Yên Hợp. Đây là hoạt động du lịch trải nghiệm sản xuất nông nghiệp có thể đón 30 khách trên ngày với các tour trải nghiệm tham gia sản xuất thu hái trái cây hái rau rừng, thực hành các kỹ năng sinh tồn cho trẻ em, trải nghiệm trong mô hình sản xuất rau theo hướng hữu cơ trong nhà kính, câu cá, các trò chơi dân gian cho trẻ em, các hoạt động bán sản phẩm nông nghiệp sạch từ các trang trại, phục vụ nhu cầu ăn uống cho khách du lịch, hướng tới một không gian xanh hòa nhập với thiên nhiên.
Mô hình sản xuất kết hợp dịch vụ không chỉ tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn mà còn giải quyết việc làm cho chị em phụ nữ, tạo ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp an toàn tại địa phương.
TS. Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, cho biết: Nước ta đang có sự phát triển theo hướng cộng hưởng giữa du lịch và nông nghiệp; đặc biệt là các hoạt động quảng bá văn hoá các vùng miền gắn với du lịch nông nghiệp. Qua đó giúp thay đổi dần quy mô, tính chất và hiệu quả của hoạt động du lịch; tạo ra sự trải nghiệm mới cho du khách. Đồng thời cũng là một kênh tiêu thụ tại chỗ, giúp cho hoạt động sản xuất nông nghiệp có đầu ra một cách đều đặn, hiệu quả cao hơn.
Để phát triển thương mại miền núi cộng hưởng với phát triển du lịch, theo ông Nguyễn Minh Phong, ở cấp độ quốc gia, đã đến lúc Chính phủ cần có những chỉ đạo để các bên hữu quan thống nhất những nhận thức, cách làm, tư tưởng và thậm chí là có những bản ký kết mang tính chất liên ngành để hình thành, phát triển một loại sản phẩm, dạng phối hợp giữa phát triển du lịch và phát triển các sản phẩm, xây dựng nông thôn mới. Qua đó tăng cường hỗ trợ tiêu thụ và nâng cao hiệu quả các sản phẩm của các vùng miền này.
Đồng thời cần phải hoàn thiện thêm hệ thống văn bản pháp lý có liên quan tới hoạt động gắn kết du lịch - văn hoá với nông nghiệp, thương mại để có sự điều phối, tạo ra sự hỗ trợ lẫn nhau.
Đặc biệt là công tác quảng bá về sản phẩm hàng hoá vùng miền núi; định hướng, giáo dục, bồi dưỡng cho bà con ở những vùng miền để họ hiểu biết và có tâm thế, kiến thức thị trường, kiến thức phục vụ, làm dịch vụ du lịch cũng như hoạt động thương mại...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn