Xã Độc Lập nằm cách không xa trung tâm thành phố Hoà Bình (tỉnh Hoà Bình - 15km) nhưng lại là xã 135 duy nhất của thành phố này. Toàn xã hiện có 6 xóm với 621 hộ, 2.874 nhân khẩu, trong đó dân tộc Mường chiếm 97%, còn lại là người dân tộc Kinh và Dao.
Giao thông đi lại khó khăn, cơ sở hạ tầng yếu kém, kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp thuần tuý là những yếu tố thường trực khiến cho đời sống của người dân nơi đây gặp phải rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, những năm trở lại đây, xã Độc Lập đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, kinh tế ổn định kéo theo cuộc sống của người dân ấm no hơn trước. "Bí quyết" đưa làm nên sức sống mới tại nơi đây chính là việc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi.
Cùng với đó là việc người dân tìm được "chỗ dựa" vững chắc khi tham gia vào Hợp tác xã nông nghiệp Độc Lập qua đó đẩy mạnh việc phát triển các mô hình chăn nuôi dê, nhím… để hình thành chuỗi liên kết sản xuất nông sản theo hướng hàng hoá.
Qua đó, từ một địa phương có phần lớn là hộ nghèo và cận nghèo, đến nay theo ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Độc Lập, hiện tại, địa phương này chỉ còn 83 hộ nghèo và cận nghèo. Nhiều hộ gia đình có của ăn, của để và vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Tính đến hết tháng 10/2023, bình quân thu nhập đầu người của xã đạt 42 triệu đồng/người/năm.
Chị Nguyễn Thị Thu Phương (người dân tộc Mường ở xóm Sòng, xã Độc Lập) là một trong nhiều hộ gia đình có bước chuyển mạnh mẽ về kinh tế nhờ mạnh dạn tham gia vào Hợp tác xã nông nghiệp Độc Lập.
Theo chị Phương, thời điểm cuối năm 2019, gia đình chị được chính quyền xã hỗ trợ 5 con dê để chăn nuôi, nhân đàn. Nhận thấy khu vực đồi cây sau nhà rộng rãi, lại trồng những cây không cho nhiều về giá trị kinh tế nên gia đình chị đã mạnh dạn tận dụng khu vực này để làm nơi chăn thả dê.
Nhờ áp dụng đúng kĩ thuật chăm sóc nên từ 5 con dê ban đầu, đến nay, gia đình chị đã có tổng cộng gần 20 con. Dê được chăn thả, chăm sóc đúng cách nên phát triển tốt, ít bệnh tật và sinh sản đều đặn.
Chị Phương dự tính đầu tháng 12 tới đây, gia đình chị sẽ cho xuất bán khoảng 6 con dê với số tiền dự kiến thu về khoảng 30 triệu đồng. "So với thu nhập trước đây từ việc làm nông nghiệp thì đây là số tiền trong mơ của gia đình tôi. Nhờ đó mà các con tôi được ăn học đàng hoàng, gia đình cũng không còn khó khăn như trước", chị Phương phấn khởi chia sẻ.
Không chỉ chị Phương mà nhiều hộ gia đình khác tại xã Độc Lập cũng có cuộc sống khá giả hơn trước như gia đình anh Nguyễn Văn Toàn. Xuất phát điểm là một hộ nghèo với nền thu nhập manh mún từ sản xuất nông nghiệp trên nương rẫy, giờ đây, nhờ mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, gia đình anh đã có được cơ ngơi nhiều người mơ ước.
Anh Nguyễn Trung Kiên (34 tuổi, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Độc Lập) được xem như là người tiên phong giúp đồng bào xoá nghèo ở xã Độc Lập nhờ việc đem nguồn giống, kỹ thuật và kinh nghiệm về phục vụ cho người dân địa phương bằng việc mở 3 cửa hàng cung cấp giống, phân bón, hỗ trợ khoa học kỹ thuật và bao tiêu đầu ra sản phẩm cho người dân.
Từng có thời gian làm việc và tiếp xúc với người dân sản xuất rau, củ quả tại những vùng chuyên canh ở Hà Nội nên anh Kiên đã bỏ công sức tìm hiểu vì sao những người có đất sản xuất và chủ yếu sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao lại có thu nhập ổn định, nhiều gia đình rất giàu có. Trong khi đó, tại quê hương mình, đất đai phì nhiêu, thời tiết thuận lợi… nhưng lại vẫn cứ mãi nghèo.
Suy nghĩ đó cứ thôi thúc anh Kiên học tập và trau dồi kiến thức về khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, học hỏi kinh nghiệm để khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương. "Việc trồng lúa ở Độc Lập kém hiệu quả, tôi vận động người dân trồng thử hàng chục ha bí xanh, bí đao, mướp đắng. Thấy cây trồng phù hợp với đất, bí ngọt, ruột ít, giá thành cao nên sau 1 năm, người dân đã mở rộng diện tích trồng lên gần 30ha. Tháng 11/2020, tôi thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Độc Lập với 10 thành viên, nhằm mục tiêu hỗ trợ người dân sản xuất, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm", anh Kiên chia sẻ.
Sau quá trình phát triển, đến nay, Hợp tác xã nông nghiệp Độc Lập đã thành lập được 3 tổ nhóm gồm: Tổ nuôi dê với số lượng 3.000 con; Tổ sản xuất nông nghiệp với sự tham gia của 80 hộ; Tổ trồng dược liệu với diện tích 5ha của 10 hộ gia đình, giúp các thành viên có việc làm ổn định, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo, làm giàu ngay chính tại quê hương.
Để mở rộng thị trường tiêu thụ, anh Kiên còn tìm đến các chợ đầu mối tìm kiếm thông tin về các thương lái lớn, có uy tín tại các chợ ở Hải Dương, Hưng Yên, chợ đầu mối Long Biên, Cầu Giấy để giới thiệu sản phẩm, kết nối đầu ra. Không những thế, anh Kiên tìm đến các cơ sở sản xuất giống cây trồng có uy tín để có được nguồn giống chất lượng cao về phục vụ sản xuất. Chính nhờ những nỗ lực không biết mệt mỏi ấy mà đến thời điểm hiện tại, anh Kiên đã giúp cho nhiều người dân tại xã Độc Lập thoát khỏi cái nghèo đeo đẳng họ bấy lâu nay.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn