Hướng điều trị mới cho phụ nữ sau sinh bị suy tĩnh mạch chi dưới
14:56 | 31/07/2017;
Bệnh nhân bị suy tĩnh mạch chi dưới có thể đi lại sau vài giờ được điều trị và xuất viện trong ngày. Đặc biệt, phương pháp này không gây biến chứng và hầu như không tái phát. Suy tĩnh mạch chi dưới thường xuất hiện ở phụ nữ sau sinh.
Ngày 31/7, bác sĩ Trịnh Thị Đông, khoa Khám bệnh (Trung tâm Tim mạch, BV E Trung ương) cho biết, BV vừa điều trị thành công cho 2 bệnh nhân bị suy tĩnh mạch dưới bằng bằng laser và sóng cao tần. Hiện sức khỏe cả hai bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện.
Trước đó, bệnh nhân T.T.D. (75 tuổi, ở huyện Thanh Hà, Hải Dương) được phát hiện giãn các tĩnh mạch chi dưới hai bên từ nhiều năm. Vì vậy, khi đứng lâu hay đi lại, bệnh nhân rất đau đớn. Sau đó, chân của bệnh nhân xuất hiện các búi nổi dưới da nên gia đình đã đưa đến BV E Trung ương thăm khám. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị suy tĩnh mạch hiển lớn hai bên mức độ nặng (CEAP 4 – có triệu chứng).
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân N.T.T.H (57 tuổi, ở huyện Đan Phượng, Hà Nội). Gia đình cho biết, cách đây 5 năm, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị suy tĩnh mạch chi dưới nên phải điều trị nội khoa và đi tất áp lực thường xuyên. Cách đây 1 tháng, tình trạng giãn tĩnh mạch chi dưới càng trở nên trầm trọng. Sau khi thăm khám và siêu âm mạch, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân này cũng suy tĩnh mạch hiển lớn phải mức độ nặng.
Tại BV E, các bác sĩ đã tư vấn cho 2 bệnh nhân điều trị căn bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới bằng kỹ thuật can thiệp nội nhiệt tĩnh mạch mà không cần phẫu thuật. Sau khi được giải thích, hai bệnh nhân đã đồng ý thực hiện kỹ thuật trên.
Ngày 28/7, các bác sĩ Trung tâm Tim mạch đã tiến hành can thiệp thành công 2 bệnh nhân mắc suy tĩnh mạch chi dưới bằng laser và sóng cao tần.
Theo bác sĩ Đông, bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới là thuật ngữ chỉ sự suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch nằm ở vùng chân dẫn đến hiện tượng máu ứ đọng lại. Từ đó, sẽ gây ra những biến đổi về huyết động và biến dạng tổ chức mô xung quanh khiến bệnh nhân nhức mỏi, nặng chân, phù chân, tê dị cảm, kiến bò, chuột rút về đêm.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tần suất mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch chân mạn tính ở người trưởng thành trên thế giới là khoảng 80% và ở Việt Nam là 62%. Bệnh suy tĩnh mạch chi dưới tập trung chủ yếu ở phụ nữ, nhất là phụ nữ sau khi sinh, chiếm khoảng 80%.
Nguyên nhân mắc bệnh suy tĩnh mạch chi dưới thường do các van tĩnh mạch bị hư hỏng hay bị chèn ép từ bên ngoài bởi một khiếm khuyết tự nhiên của cơ thể.
Bác sĩ Đông cũng cho biết, trước đây, bệnh nhân điều trị suy tĩnh mạch chi dưới phải phẫu thuật rất phức tạp, mất nhiều máu và gây đau đớn, nhưng nguy cơ tái phát rất cao. Còn phương pháp can thiệp nội nhiệt mạch, bệnh nhân sẽ được nong bóng và đặt giá đỡ tĩnh mạch (stent) chỉ qua một vết đâm kim ở vùng bẹn đùi. Sau khi thực hiện thủ thuật này, người bệnh có thể đi lại vài giờ sau mổ và có thể xuất viện trong ngày. Đặc biệt, bệnh nhân sẽ không đau đớn, không gây biến chứng và hầu như như không tái phát.