Tôi đã từng chu du nhiều nơi, đặt chân đến nhiều vùng đất lạ, được gặp và nghe về những mảnh đời khác nhau. Buồn có, vui có và ám ảnh cũng có. Hơn hai năm về trước, tôi từng một mình trở về vùng đồng bằng phía Bắc để tìm về một ngôi làng phủ đầy hoa hướng dương. Chụp vài bức ảnh làm kỉ niệm và cũng để tìm một người con gái - người đã trồng một màu nắng cho cả một vùng quê, thăm cô và lắng nghe câu chuyện của cô, một câu chuyện đã lâu lắm rồi.
"Em nhớ khóa cửa cẩn thận nhé. Hôm nay chị tăng ca, chắc phải hơn 12h mới về được." Đó là câu cuối cùng chị gái cô nói vào cái đêm định mệnh ấy.
Hơn chục năm về trước, lúc ấy chị sắp tròn 21 tuổi, cái khoảng thời gian trổ mã nhất của người con gái. Ai trong xóm cũng khen chị đẹp, một nét đẹp hiền lành và đôn hậu. Nhưng mà đôi mắt chị buồn lắm, dường như trong đôi mắt ấy chứa đựng cả một miền ký ức, những lo toan về hôm nay và cả những nỗi sợ vô thường mà có khi chính bản thân chị cũng chưa bao giờ nghĩ tới.
Ông mặt trời vào những ngày hè thức dậy sao mà thật sớm, như thường lệ bao ngày, chị lại lúi húi sắp đồ đạc để chuẩn bị bữa ăn cho cả ngày dài. Mẹ bị bệnh, chân đau không thể đi lại được, còn cô khi ấy mới học lớp bảy - cái tuổi vô lo vô nghĩ, chỉ phụ được vài việc lặt vặt trong nhà. Cả gia đình chỉ còn biết trông chờ vào năm triệu đồng tiền lương của chị.
Chị làm việc cho nhà máy may, lương cứng gần năm triệu, tháng nào được tăng ca thì cũng gần sáu triệu rưỡi. Chị là công nhân may, cái nghề mà khi mọi người chưa thức giấc, chị đã phải lục đục đạp chiếc xe đạp cũ của bố chạy quãng đường hơn tám cây số cho kịp giờ của nhà máy. Còn khi mọi người bắt đầu cuộn mình trong chăn ấm thì mới nghe thấy tiếng lạo xạo từ chiếc xe đạp của chị vang lên ở đầu ngõ.
Cuộc sống có lẽ sẽ như một giấc ngủ không mộng mị, cứ thế trôi qua một cách yên bình tĩnh lặng. Có giấc ngủ nào mà không phải tỉnh, chỉ là thức dậy sau một giấc mơ đẹp hay cơn ác mộng mà thôi. Nhưng dù một giấc mộng đẹp hay một cơn ác mộng thì sau cùng con người ta vẫn tỉnh lại được để quay về cái hiện tại dẫu còn khắc nghiệt, chị lại khác, chị rơivàomột giấc ngủ vĩnh hằng sau cơn ác mộng giữa trần gian.
Tiếng chuông của nhà máy réo lên từng hồi báo hiệu một ngày làm việc đã kết thúc. Hơn 11h, chị lại dắt chiếc xe đạp cũ để quay về căn nhà gỗ ở cuối làng, khi cả nhà đã ngủ rồi. Con đường làng đầy bụi và sỏi, chiếc xe cũ cứ xóc lên từng hồi không ngớt. Mùa hè mới đến, mọi thứ như ám mùi của nắng. Nắng ư, làm việc trong nhà máy cả ngày, lâu lắm rồi chị chưa được hưởng trọn vẹn cái cảm giác sảng khoái khi đạp xe dưới cái nắng vàng rộm, dát vàng lên mọi vật. Làm quần quật cả ngày không khéo chị quên mất màu của nắng mất. Con đường đất tối mịt, chỉ còn thứ ánh sáng vàng le lói phát ra từ chiếc bóng của xe đạp, cứ như thế chiếc xe lầm lũi tiến về cuối làng.
Còn hơn ba cây số nữa mới về được đến nhà, chị đã bắt đầu thấm mệt rồi. Bánh xe vẫn lăn đều qua hàng tre già, nghe bà ngoại bảo nó có từ thời chiến, dãy tre dài vài trăm mét là ít, cây nào cây nấy cao vút như chọc thủng cả bầu trời. Nhưng ban đêm chúng như bức tường thành trông thật đáng sợ. Bóng đêm bị xé toạc bởi ánh đèn pha của chiếc xe máy, thứ ánh sáng bất ngờ ấy làm chị loạng choạng không làm chủ tay lái ngã nhào xuống đất. Hai người thanh niên bước xuống xe, trông tầm ngoài 20 tuổi, còn trẻ măng nhưng có vẻ không được đàng hoàng cho lắm. Chúng bắt đầu tiến lại gần chị, còn chị vì bị ngã bất ngờ mà có chút choáng váng nhẹ. Chúng đứng trước mặt chị, giả giọng hỏi thăm, chúng hỏi chị bằng thứ giọng cợt nhả, bằng hơi thở đã thấm men và dục vọng. Chị lùi lại phía sau, chị không muốn đứng gần với chúng, chị lùi một bước, chúng tiến hai bước lớn, rồi đẩy chị vào góc hàng tre sẫm. Chị bỏ chạy nhưng chúng đã kịp giữ chân chị lại. Chị ngã, chúng đè lên người rồi giữ hết chân tay. Chị hét lên nhưng chúng đã bóp nghẹt cổ chị mất rồi. Chát...chát, hai cái tát vì chị dám chống đối chúng, thêm mấy cái đạp vì dám chống cự với bọn nó. Cứ như thế, trong hàng tre thời chiến, dưới ánh đèn pha xe máy, có hai người con trai lần lượt xâm hại cơ thể một người con gái, thỉnh thoảng chúng lại dùng thanh gỗ giáng thẳng vào đầu chị nếu như chị làm chúng mất hứng. Hơn hai tiếng sau, ánh đèn pha biến mất, để mặc lại người con gái đang thống khổ sau hàng tre rậm rạp. Ánh mắt chị chới với, hơi thở thật nặng nề, cả thân thể nhuốm màu nhục dục và mùi rượu. Vậy là đời con gái của chị cứ thế bị cướp mất, mà chính chị cũng không thể kháng cự hay chống đỡ được. Ánh vàng từ chiếc xe máy khuất dần rồi lịm hẳn trong bóng tối, vậy là đến những giây phút cuối cùng, thứ chị thấy không phải là màu vàng của ánh ban mai mà là thứ sáng vàng đáng sợ ấy.
Sáng hôm sau, người ta tìm thấy chị sau hàng tre đầu làng ấy, người chị lạnh ngắt, tím bầm, trần truồng sõng soài trên mặt đất. Và còn hơn tháng nữa là chị tròn 21 tuổi…
Ngày chị đi, trời mưa thật nặng hạt, đoàn người dự tang lễ trở về hết vì sợ ướt, chỉ có người em gái bé bỏng và một vài người thân theo chị đến nơian nghỉ cuối cùng. Có lẽ chị sinh ra đã khổ, ngày chị chào đời cha biệt tích, ngày chị đi cũng chẳng người tiễn đưa. Cơn ác mộng này dường như đã quá khắc nghiệt rồi.
Hai ngày sau khi chị đi, trời lại nắng đẹp, đẹp đến nỗi người ta quên mất chỉ mới cách đó vài ngày thôi, mưa và sấm chớp như muốn rung chuyển cả bầu trời và cũng vô tình như cái cách người ta nói về sự ra đi của chị.
"Con nhỏ đó làm gái thì phải, thấy đi về khuya suốt".
"Không làm gái thì làm gì, chứ không thì tiền đâu mà chữa chân cho mẹ nó".
"Ai bảo đi đêm cho lắm cơ. Đúng là đi đêm lắm có ngày gặp ma".
"Chắc lại cặp với bồ người ta, nó bắt được nó trả thù chứ gì".
"Ăn mặc đẹp lắm vào nó tha không hiếp là may ấy chứ".
"Không biết giữ mình ngu thì chết"…..
Đó là những gì mà những người phụ nữ trong làng đồn đại về sự ra đi của chị. Mà theo họ đó là sự trả giá mà chị cần gánh chịu. Nghe đến đây, tôi thực sự muốn khóc…
Quả thực trên thế gian này ma quỷ không đáng sợ, con người mới đáng sợ. Vì chỉ có con người mới đangtâm giết hại đồng loại của mình. Chúng ta sợ những con quỷ trong bóng đêm nhưng lại không biết rằng trong con người mình cũng có một con quỷ.
Chúng ta nói nhiều về đạo lý nhưng lại sẵn sàng hãm hại nhân thân của người khác.
Chúng ta luôn đòi hỏi về sự công bằng nhưng lại vội vã quy tội cho nhau.
Chúng ta thích được minh bạch trong mọi chuyện nhưng lại sẵn sàng bôi đen danh dự của một người ta không thích.
Chúng ta muốn mọi người cùng thành thật nhưng lại sẵn sàng dựng chuyện cho người thứ ba.
Chúng ta muốn mọi thứ rõ ràng nhưng lại không bao giờ đi tìm chân lý.
Chúng ta lên án nhiều tội ác nhưng cuối cùng lại đổ lỗi cho nạn nhân.
Đó là những gì con người đã làm.
Họ quên rằng đã có một người con gái từng bán rẻ thanh xuân, chôn vùi nó trong góc xưởng nhà máy để bươn chải cuộc sống.
Họ không biết rằng đã có một người con gái dám đánh đổi tình cảm riêng tư của chính mình để dành trọn tình thương cho người em gái bé bỏng ở nhà.
Họ không hề quan tâm rằng đã có một người con gái đổi lấy sức lao động của mình để chữa bệnh cho người mẹ tội nghiệp.
Họ đã quên mất rằng cô gái tội nghiệp ấy là nạn nhân của một vụ cưỡng hiếp chứ không phải là nguồn gốc của những dục vọng đáng khinh bỉ. Cô ấy là nạn nhân chứ không phải nguyên do của mọi chuyện.
Và điều quan trọng nhất là cô ấy không có lỗi. Lỗi của cô là mang hình hài của một người phụ nữ trong cái xã hội còn nồng mùi lạc hậu, rồi lại bị chính những người đồng giới quay lưng.
Những gì người thiếu nữ đáng thương ấy nhận lấy khi ra đi, đó chính là hệ quả của thứ tư tưởng khinh nữ trọng nam đã hằn vào trong nhận thức những kẻ ấu trĩ. Những kẻ luôn đòi hỏi về bình đẳng giới song lại dễ dàng quay lưng với những người cùng cảnh ngộ. Vậy thực ra chúng ta đang cần những gì? Chúng ta muốn điều gì? Chúng ta muốn được bình đẳng nhưng rồi lại bảo vệ những kẻ gây ra tội ác và xua đuổi người bị tổn thương. Con người sao mà lạ lùng quá!
Thế giới này thật nực cười khi mà người ta sẵn sàng kết tội nạn nhân để thi vị hóa hành động bạo lực giới của kẻ khác. Cái quan niệm "không có lửa sao có khói" đến giờ dường như đã quá lạc hậu rồi, nó không còn thích hợp trong thời đại mà đáng ra người phụ nữ phải luôn được bảo vệ, ấy vậy mà vẫn còn nhiều kẻ coi đó là cái cớ để tội phạm hóa nạn nhân và nhân đạo hóa cho kẻ ác.
Thật nực cười khi quyền tự do đi lại của người con gái bị coi là nguyên nhân kích thích sự phạm tội của bọn mọi rợ.
Thật khó hiểu khi quyền ăn mặc của phụ nữ bị coi là hệ quả tất yếu cho dục vọng của người khác giới.
Thật lạ khi mà chuyện tình cảm riêng tư của người vô tội bị chế giễu, bị quy chụp một cách vô căn cứ.
Vậy thì chúng ta - những người đồng giới nữ còn mong muốn điều gì nữa khi mà chính mình lại đi phủ nhận, quay lưng, khước từ những điều chúng ta cần được tôn trọng, cần được bảo vệ. Chúng ta muốn mình được đề cao, muốn mình được quan tâm chú trọng nhưng lại sẵn sàng làm tổn hại những người đồng giới khác. Chúng ta thực sự quá ích kỉ. Chúng ta đang giết nạn nhân thêm một lần nữa.
Cuộc sống đang thay đổi theo từng giây, những cái lạc hậu đang bị thay thế bởi những điều tân tiến hơn, phù hợp hơn. Ấy vậy mà chúng ta - những con người của thế kỷ 21 vẫn kiên trì giữ mãi cái tư tưởng mục rữa của hơn chục thế kỉ trước. Chúng ta vẫn dễ dàng đề cao một người đàn ông và sẵn sàng hạ thấp một người phụ nữ. Chính cái vòng luẩn quẩn, nghiệt ngã ấy mà chúng ta cũng dễ dàng tha thứ cho tội ác của thủ phạm và cũng sẵn sàng phi nhân đạo với nạn nhân. Chúng ta đang cố gắng tội lỗi hóa hậu quả của họ để xoa dịu lỗi lầm của kẻ gây nên tội.
Sự mất cân bằng quyền lực giữa nam và nữ, sự mất cân bằng giới tính tại Việt Nam là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hiện tượng bạo lực giới, khi mà ngay từ lúc mới là bào thai việc giới tính đã quyết định đến sự tồn tại của trẻ và trong quá trình lớn lên giới tính là tiêu chí để chúng nhận được cách đối xử từ người khác. Không những vậy, sự chênh lệch về quyền bình đẳng giới là sự kìm hãm vô hình đến tư duy và năng lực của con người khi mà những bé gái bị giới hạn trình độ bởi những định kiến cách đây vài thế kỷ. Ngày nay,những bé gái được dạy dỗ nhiều về cách bảo vệ bản thân mình, chúng được dạy về việc không được đi một mình, được khuyên rằng không nên mặc váy ngắn khi đi trên đường, không về nhà quá trễ, chúng ta dạy các em nhiều về những cách phòng vệ khi gặp người xấu. Nhưng có một điều quan trọng mà chúng ta quên mất rằng, chúng ta còn phải dạy những bé trai cách tôn trọng, không làm tổn thương các bạn gái và sự đồng cảm của những người bạn đồng giới. Bởi bình đẳng giới phải xuất phát từ hai phái từ cả người nam và người nữ, chứ không phải một trò chơi mà người xây người phá. Và hiện tại, điều mà chúng ta đang làm chỉ là cố gắng giới hạn tự do của người phụ nữ, bắt họ tự xây một bức tường cách ly với thế giới mà không ngờ rằng ngoài kia vẫn còn nhiều người đang muốn xâm phạm ranh giới ấy.
Bạo lực giới thời nay không còn thu hẹp trong phạm vi là những hành động đánh đập, xâm phạm đến thể xác của người phụ nữ, mà nó còn là bạo lực về ngôn từ, dùng lời nói để lăng mạ, hạ thấp danh dự nhân phẩm của người khác. Vết thương thể xác thì có thể lành nhưng vết thương tâm lý thì khó mà chữa trị được, thời gian có thể làm nguôi ngoai đi, chứ không thể xóa đi một cách hoàn toàn được. Và đau đớn hơn là bạo lực ngôn từ trong bạo lực giới lại xuất phát từ chính những người đồng giới, khi mà đáng lẽ ra giữa họ phải là sự đùm bọc, bảo vệ lẫn nhau.
Bạo lực giới là con đẻ của sự bất bình đẳng trong giới tính, là hệ quả tất yếu của tư duy cổ hủ trọng nam khinh nữ, là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến hiện tượng đổ lỗi cho nạn nhân,mặc dù họ là người bị hại, mà điều đáng tiếc nhất là tư tưởng khinh nữ lại xuất phát từ chính những người đồng giới nữ.
"Xinh đẹp không phải là có tội".
"Trở về nhà vào đêm muộn không phải là có lỗi".
"Mặc váy ngắn cũng không hề xấu xa".
"Đi một mình ở nơi vắng vẻ cũng không phải là điều sai trái".
Lỗi nằm ở nhận thức sai lệch, ở hành vi lệch lạc của kẻ thủ ác và ở tư duy thiển cận của những kẻ khác.
Thế nhưng chính chúng ta lại đang gán tội lên những điều hiển nhiên, những đặc quyền của người phụ nữ và coi hành động bạo lực giới là hậu quả tất yếu mà họ phải gánh khi dám thực hiện quyền năng của mình.
Chúng ta đã quá sai khi kết tội người bị hại chỉ vì họ đang thực hiện quyền lợi, nguyện vọng của bản thân. Chúng ta càng không thể quy chụp lỗi lầm cho họ bởi ai cũng vậy thôi, ai cũng muốn sở thích của mình được tôn trọng, ngay cả khi sở thích lập dị nhất nhưng miễn sao nó không vi phạm pháp luật thì bất kể ai trong chúng ta cũng không có quyền lên án hay kì thị, bởi đơn giản dưới con mắt vị kỷ thì ngoài bản thân mình thì mọi kẻ khác đều là lập dị. Tất cả chúng ta đều lập dị trong mắt kẻ khác và chỉ là bình thường trong con mắt của mình.
Ngày nay, chúng ta vẫn luôn kêu gọi phụ nữ hãy thể hiện cá tính, nhưng lại sẵn sàng phê phán một cô gái mặc áo ngắn hở vai khi đi trên đường phố. Chúng ta khuyên họ hãy làm những điều mình yêu, nhưng sẵn sàng ném đá một cô gái về nhà sau 12h tối. Chúng ta muốn họ cứ hành động theo những gì mình muốn, nhưng lại dị nghị về cô gái đã trải qua ba mối tình… phải chăng chúng ta đang quá nghiệt ngã với một nửa thế giới. Chúng ta cho người phụ nữ mọi quyền năng mà họ vốn có, rồi cũng sẵn sàng tước bỏ những quyền năng của họ. Thế giới này đang vận hành theo cách khó hiểu nhất.
Tôi đã từng muốn tặng cho người em họ của mình một mini skirt vào tiệc sinh nhật của nó, nhưng cuối cùng lại bị từ chối, bởi mẹ em ấy cho rằng mặc thứ đồ như vậy đi ra đường khác nào là chào hàng cho bọn biến thái. Lúc bấy giờ tôi mới chợt nhận ra rằng, thực ra cuộc sống này cũng không được tự do lắm, bởi ngay cả quyền được đẹp của người con gái phải bị đo đạc, bị phụ thuộc vào những hành động bạo lực giới của kẻ khác.
Trở về câu chuyện của người con gái tội nghiệp ấy, vài năm sau từ ngày chị mất, những lời đồn kia cũng thưa dần và cũng không còn ai nhắc về ký ức đau thương ấy nữa. Qua lời kể của cô gái tôi gặp, hai người thanh niên kia cũng bị bắt sau đó không lâu, tuổi còn khá trẻ, nghe đâu cũng trạc tuổi với chị. Và quả thật thời gian vẫn là thứ vô tình nhất, nó rũ sạch đi tất cả, rũ sạch đi quá khứ tủi hờn của một người con gái, làm phai dần những điều đàm tiếu về chị, bỏ quên đi cả tội lỗi của hai kẻ thủ ác, chẳng còn ai nhớ về câu chuyện đêm đấy nữa, câu chuyện một thời từng là cơn sóng ngầm cuộn trào lên từng đợt nhưng rồi cũng dịu đi một cách tự nhiên êm đềm như mặt nước tĩnh lặng.
Tôi quay lại mảnh đất ngày xưa sau chuyến đi dài năm ấy. Ngôi làng dường như đã thay đổi rất nhiều, hàng tre già năm nào giờ đã bị chặt bỏ để dành đất xây dựng cho làng, con đường làng năm xưa cũng bê tông hóa, không còn lồi lõm, sỏi đá như một thời đã từng, chính quyền xã cũng đã thực hiện một cuộc vận động lớn, dựng lên hàng trăm bóng đèn đường, thắp sáng từ đầu đến cuối xã, đi qua cả dãy tre thời chiến. Nhưng điều bất ngờ nhất là giờ đây cả ngôi làng đều được phủ kín bởi những hàng hướng dương vàng rực. Khắp nơi đều là hướng dương, cây lớn thì vươn hết thân mình để tỏa ánh mặt trời cho trần gian, cây bé thì gắng sức bung hết nụ hoa của mình như cũng muốn đua tranh với các bậc tiền bối. Người phát động phong trào trồng hoa này là một cô thanh niên trong Hội Phụ nữ của xã, tuổi còn rất trẻ, mới tốt nghiệp và cũng là người của làng. Cô rất đẹp, đôi mắt khá giống với người chị đã mất của mình, nhưng trông lấp lánh và vui tươi hơn nhiều.
Tôi trở về gặp em sau hai năm đằng đẵng, gặp em tại con đường hoa hướng dương trải đầy nắng. Hôm nay em mặc váy trắng, đội chiếc mũ nan, trông thật thuần khiết. Tôi cùng em vun lại những gốc hoa bị bật sau trận mưa đêm qua, cùng em đi về ngôi nhà cuối làng ấy, lắng nghe em nói về ước nguyện của mình, về chuyện trồng hoa hướng dương để mang màu nắng đến người chị đã khuất.
Cuộc thi sáng tác truyền thông "Không đổ lỗi" nhằm tìm kiếm các sản phẩm truyền thông mang thông điệp về việc cần: Chấm dứt việc đổ lỗi cho nạn nhân bạo lực giới dưới bất kỳ hình thức nào, bạo lực giới xảy ra không phải do lỗi của nạn nhân.
Cuộc thi do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) phối hợp với Báo PNVN thực hiện, được tài trợ bởi Cơ quan Viện trợ Australia và Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn