Hướng hoạt động Hội đi vào thực chất

12:06 | 16/01/2018;
Ngày 16/1/2018 Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Hội LHPN VN khóa XII đã khai mạc tại Hà Nội nhằm đánh giá tình hình hoạt động của các Hội năm 2017 và phương hướng năm 2018.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai dự và chỉ đạo Hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch LHPN VN Nguyễn Thị Thu Hà nêu rõ: Để thực hiện các Nghị quyết của BCH Trung ương Đảng, hưởng ứng phương châm 10 chữ vàng “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” của Chính phủ, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc nhiệm kỳ 2017 – 2022, chúng ta cần nhìn nhận thẳng thắn tồn tại, yếu kém, tập trung thảo luận những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, những việc lớn của tổ chức Hội, không chỉ của năm 2018 mà của cả nhiệm kỳ. 

Chủ tịch Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, Hội nghị cần tập trung thảo luận với phương châm hướng tới các hoạt động thiết thực trong tổng kết công tác Hội năm 2017 cũng như đề ra phương hướng hoạt động năm 2018.

chu-tich-hoi-1.jpg
Ủy viên TƯ Đảng Chủ tịch Hội LHPN VN Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu khai mạc Hội nghị

Tại Hội nghị, thay mặt Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hoàng Thị Ái Nhiên đã trình bày 9 kết quả nổi bật trong phong trào phụ nữ và công tác Hội năm 2017. Bên cạnh đó Đoàn Chủ tịch cũng thẳng thắn nêu lên 8 hạn chế, bất cập cần tập trung khắc phục trong năm 2018.

Năm 2018, Hội LHPN Việt Nam đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm là chỉ đạo các cấp Hội thực hiện chủ đề của năm về “Phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm”, phát động đợt thi đua đặc biệt “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018-2020.

Bên cạnh đó Hội LHPN Việt Nam tiếp tục tuyên truyền vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc, vận động hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường…

Về nội dung thảo luận của Hội nghị, Phó Chủ tịch Bùi Thị Hòa thay mặt Đoàn Chủ tịch đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận 6 vấn đề trọng tâm: 
1, Đánh giá thực chất việc triển khai thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII chú trọng tính bền vững, hiệu quả của các chỉ tiêu.
2,Chia sẻ kinh nghiệm của 22 tỉnh, thành phố đã đề xuất tham mưu với UBND tỉnh và được phê duyệt kinh phí thực hiện các đề án mà Hội LHPN đang thực hiện, những khó khăn của các địa phương còn lại và phương hướng khắc phục.
3, Đề xuất những hoạt động mang thương hiệu của Hội, tránh sự dàn trải trong hoạt động.
4, Các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả các chương trình phối hợp giữa Hội và các bộ, ban, ngành. Phát huy vai trò nhóm phụ nữ tiên phong như nữ doanh nhân, nữ trí thức.
5,Thực hiện nghị quyết TƯ 6 liên quan đến việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy chuyên trách cấp tỉnh, thành Hội.
6, Những giải pháp của Hội nhằm tăng cường công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em gái. 

9 kết quả nổi bật của các cấp Hội trong năm 2017
1. Hội LHPN VN đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII và tuyên truyền kết quả Nghị quyết Đại hội bằng nhiều hình thức, sớm triển khai, tập huấn Nghị quyết Đại hội tới cán bộ Hội các cấp.
2. TƯ Hội đã nỗ lực và thành công trong việc tạo cơ chế về chính sách đối với các tỉnh, thành phố thông qua xây dựng các Đề án và ký kết các Chương trình phối hợp với các Bộ, ngành.
3. Hoàn thành việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 11/NQ-TƯ của Bộ Chính trị; tổng kết 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới trong hệ thống Hội; phối hợp với Bộ Nội vụ sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 56/2012/NĐ – CP quy định trách nhiệm của Bộ, ngành, UBND các cấp trong việc bảo đảm cho các cấp Hội LHPN tham gia quản lý nhà nước.
4. Các cấp Hội đã nỗ lực triển khai các hoạt động thiết thực, thực hiện Cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020, góp phần thực hiện Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
5. Công tác giám sát, phản biện, góp ý tham gia xây dựng pháp luật, chính sách về bình đẳng giới được các cấp Hội quan tâm, thực hiện.
6. Tăng cường công tác phối hợp để nâng cao hiệu quả các hoạt động vận động phụ nữ dân tộc thiểu số, tôn giáo.
7. Tiếp tục thực hiện tốt công tác hậu phương – quân đội, hướng về biển đảo; đền ơn đáp nghĩa; kịp thời thăm hỏi, động viên cán bộ, hội viên phụ nữ các tỉnh bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, lụt; hỗ trợ hội viên, phụ nữ gặp khó khăn. Các cấp Hội đã quyên góp được trên 640 tỷ đồng thực hiện công tác từ thiện, nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa.
8. Tổ chức thành công 10 sự kiện lớn có ý nghĩa chính trị và giáo dục sâu sắc, có tính lan tỏa rộng, tác động tốt đối với phụ nữ và cộng đồng, huy động được sự tham gia tích cực của các tỉnh, thành Hội.
9. Các cấp Hội đã nỗ lực, tập trung thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra, nhất là các chỉ tiêu khó như đề xuất chính sách, thành lập Hợp tác xã, phát triển hội viên, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.

8 tồn tại, hạn chế
1. Chất lượng triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ Toàn quốc chưa đồng đều, chưa sâu.
2. Cấp huyện và cấp cơ sở nhìn chung chưa linh hoạt vận dụng các cơ chế để tăng cường nguồn lực cho công tác Hội.
3. Là năm đầu thực hiện chỉ tiêu, hầu hết các tỉnh thành đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết đã đăng ký đầu năm, một số chỉ tiêu đạt quá cao tuy nhiên cần quan tâm đến hiệu quả thực chất và tính bền vững của việc đạt chỉ tiêu.
4. Công tác giám sát, phản biện vẫn còn nhiều khó khăn, lúng túng. Việc theo dõi, báo cáo kết quả xử lý, tiếp thu kiến nghị đề xuất, đặc biệt là đối với cấp cơ sở còn hạn chế; việc kiến nghị, đề xuất sau giám sát của các cấp Hội địa phương còn chưa rõ, chưa theo dõi được việc tiếp thu, giải trình các kiến nghị, đề xuất sau giám sát, phản biện xã hội. Công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ trẻ em gái chưa rõ nét.
5. Việc nắm bắt tình hình, tư tưởng hội viên mặc dù đã có nhiều chuyển biến nhưng vẫn chưa kịp thời, chưa chủ động phát hiện và tham gia giải quyết những vụ việc vi phạm trên địa bàn, chủ yếu là qua báo chí.
6. Một số địa phương chưa chú trọng duy trì, củng cố và phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác sau khi thành lập. Năng lực của Ban quản lý còn hạn chế. Vấn đề hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm cho phụ nữ trung niên trong bối cảnh ruộng đất bị bỏ hoang nhiều và những người trẻ tuổi đi làm ăn xa hoặc làm công nhân trong khu công nghiệp, khu chế xuất cũng còn nhiều hạn chế.
7. Hầu hết các tỉnh mới chỉ liệt kê hoạt động và kết quả đạt được, chưa nêu được cách làm cũng như chưa đánh giá hiệu quả và tác động của hoạt động đối với hội viên, phụ nữ; duy trì và xây dựng rất nhiều mô hình nhưng chưa đánh giá được hiệu quả từng mô hình.
8. Chất lượng sinh hoạt chi, tổ hạn chế, do vậy, chưa thu hút được đông đảo hội viên và các đối tượng phụ nữ tham gia.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn